Cuối tháng 12/2019, giáo sư sinh thái học Chris Dickman từ ĐH Sydney đã đưa một nhận định khiến người dân thế giới phải choáng váng: vụ cháy rừng "đại thảm họa" của Úc đã khiến gần nửa tỉ sinh vật thiệt mạng.
Đó chỉ là con số ước tính, dựa trên số lượng trung bình trên mỗi ha đất tại Úc có bao nhiêu sinh vật. Khi nhân lên với quy mô của vụ cháy, số lượng các loài sinh vật bị hủy diệt lên tới hơn 480 triệu cá thể lận.
Nhưng đó là câu chuyện của tháng 12, còn mọi chuyện hiện tại đang ngày càng trở nên tồi tệ hơn. Theo như báo cáo mới đây, các chuyên gia đang lo ngại rằng số lượng các sinh vật đã chết vì cháy thảm họa ấy có thể đã lên tới hơn 1 tỉ!
Cụ thể, báo cáo do WWF (Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên) đưa ra. Theo đó thì bẳng cả trực tiếp lẫn gián tiếp, ngọn lửa thảm họa khắp các tiểu bang của Úc đã giết chết khoảng 1,25 tỉ cá thể động vật rồi.
"Sự mất mát này bao gồm cả ngàn con gấu koala quý giá còn sót lại trên Trái đất tại khu vực phía Bắc bang New South Wales (NSW), cùng với những kangaroo, chuột túi, chim chóc, thằn lằn..." - trích lời Dermot O'Gorman, CEO của WWF trụ sở của Úc.
"Các khu rừng sẽ phải mất hàng chục năm để phục hồi, và một số loài thì đang nằm trên mép vực tuyệt chủng. Cho đến khi ngọn lửa được kiểm soát, tổng thiệt hại quả thảm họa này vẫn chưa thể ước tính được."
Bản thân giáo sư Dickman cũng đã cập nhật ước tính của mình, khi dự đoán số lượng các loài vật bị giết tại bang NSW cũng lên tới hơn 800 triệu, và tổng trên cả nước là hơn 1 tỉ. Ngoài ra, Dickman cũng đưa ra nhận xét: "Con số trên 1 tỉ thậm chí còn là chưa đầy đủ."
Hòn đảo Kangaroo phía Nam Úc cũng đang chịu ảnh hưởng cực lớn từ cháy rừng trong những ngày gần đây. Được biết, hòn đảo này vốn nổi tiếng với hệ sinh thái đặc biệt cùng những loài vật quý hiếm. Vậy mà theo dữ liệu từ vệ tinh NASA, 1/3 diện tích hòn đảo đã bị lửa nuốt chửng.
Được biết, các vụ cháy rừng diễn ra từ tháng 9, và tình hình ngày càng trở nên nghiêm trọng. Theo con số cập nhật mới nhất, đã có 27 người thiệt mạng vì vụ cháy này, với tổng cộng 10,3 triệu hectare rừng bị thiêu cháy (số liệu do Reuters cung cấp). Để so sánh thì con số ấy tương đương với diện tích của cả đất nước Hàn Quốc.
Trong vòng 2 tháng vừa qua, những vụ cháy trở nên kinh khủng hơn do hệ quả của những đợt sốc nhiệt và hạn hán kéo dài. Khi không khí trở nên khô cằn, lửa càng dễ dàng lan rộng.
Các chuyên gia khí tượng học còn cho biết một phần lý do nằm ở một hiện tượng khí hậu hiếm gặp, mang tên "Lưỡng cực Ấn Độ Dương" (IOD). Hiện tượng đã khiến nhiệt độ nước biển giảm đi, tước bỏ hơi nước trong không khí.
Ngoài ra, biến đổi khí hậu cũng là nguyên nhân gián tiếp, khiến cháy rừng ngày càng gây ra hậu quả tiêu cực.
"Úc vốn là vùng đất quen thuộc với cháy rừng, nhưng vụ cháy năm nay thì không hề bình thường. Bản thân biến đổi khí hậu không trực tiếp gây cháy, mà nó khiến những vụ cháy trở nên tồi tệ hơn," - O'Gorman chia sẻ.
Tham khảo: IFL Science, Science Alert