Khách hàng chủ yếu của những khu mua sắm sang trọng như Harvey Nichols và Harrods, hay trung tâm thương mại Selfridges ở London, Anh thường là những người nghỉ hưu thuộc tầng lớp giàu có, khách du lịch châu Âu và những người yêu thích thời trang trong nước. Tuy nhiên, những cửa hàng xa xỉ tại đây ngày càng quen thuộc với một tầng lớp khách hàng mới, đó là những sinh viên Trung Quốc với những khoản chi tiêu khổng lồ.
Cửa hàng cao cấp nổi tiếng của Pháp Galeries Lafayette là điểm dừng chân phổ biến của những sinh viên Trung Quốc giàu có. Ảnh: Shutterstock
Cảnh tượng này không chỉ diễn ra ở thủ đô nước Anh. Tại Mỹ, trên các con phố mua sắm đắt đỏ Los Angeles, sinh viên Trung Quốc từ các trường Đại học California Los Angles, Đại học Nam California và Đại học bang California vung tiền mua sắm không khác gì những ngôi sao Hollywood.
Ở bờ biển phía đông nước Mỹ, những sinh viên theo học trường thiết kế Parsons và Đại học Columbia ở New York chấp nhận bỏ số tiền lớn thuê các căn hộ trên Đại lộ 5, một trong những con phố sầm uất nhất thế giới, để tiện cho việc mua sắm.
Đây cũng là câu chuyện tương tự ở Melbourne (Australia), Paris (Pháp) và Vancouver (Canada), nơi giá thuê nhà đã tăng ở những khu vực được giới trẻ Trung Quốc ưa chuộng.
Không giống như những sinh viên trong nước thường chỉ đủ tiền dùng thương hiệu bình dân, du học sinh Trung Quốc được chu cấp những khoản tiền đáng mơ ước.
Annabel Yao, sinh viên ngành khoa học máy tính và múa ba lê, 22 tuổi, là con gái của người sáng lập Tập đoàn công nghệ Huawei Nhậm Chính Phi.
Annabel thường xuyên chia sẻ ảnh đi du lịch khắp thế giới với bộ sưu tập hàng hiệu xa xỉ như Dior, Louis Vuitton và Saint Laurent.
Vương Tư Thông, con trai của một trong những người giàu nhất Trung Quốc Vương Kiện Lâm, học ngành triết học tại Đại học London.
Anh đã từng mua đồng hồ thông minh Apple Watch cho chú chó của mình và trả 80 triệu bảng Anh (tương đương 105 triệu USD) cho một căn hộ cao cấp trong khu phố thượng lưu Kensington.
Melody Yeh, đồng sáng lập kiêm giám đốc điều hành của Emerging Communications, công ty marketing có trụ sở tại London chuyên về bán lẻ Trung Quốc cho biết: “Mức độ mua sắm của những du học sinh Trung Quốc rất lớn. Để có thể đến Anh du học, gia đình của họ phải rất giàu có”.
“Chúng tôi tính toán rằng mỗi năm một sinh viên Trung Quốc du học tại Anh chi tiêu khoảng 28.236 bảng Anh (tương đương 37.000 USD) cho mua sắm cá nhân, không tính tiền thuê nhà hay phí sinh hoạt.
Mỗi sinh viên sẽ có 3 người nhà từ Trung Quốc đến thăm mỗi năm và họ sẽ đi mua sắm cùng nhau. Vì vậy, các thương hiệu luôn muốn thu hút sự chú ý của họ”, Yeh cho biết thêm.
Những sinh viên Trung Quốc ngày càng phổ biến ở các trường đại học phương Tây. Người Trung Quốc chiếm hơn 40% tổng số sinh viên quốc tế ở Anh năm 2018 và khoảng 33% ở Mỹ và Canada.
Cho con đi du học đã trở thành một trong những mục tiêu chính của cả những người giàu lẫn tầng lớp trung lưu khá giả ở Trung Quốc.
Một cuộc khảo sát gần đây của Kai Tak Education cho thấy, 83% các triệu phú Trung Quốc muốn con của họ đi du học, chủ yếu ở các quốc gia phương Tây.
Theo ước tính của ngân hàng Thụy Sĩ Credit Suisse, có hơn 100 triệu người Trung Quốc nằm trong top 10% những người giàu nhất thế giới. Vậy nên số lượng du học sinh Trung Quốc ở phương Tây ngày càng nhiều là điều dễ hiểu.
Làn sóng sinh viên Trung Quốc đổ bộ vào các thành phố châu Âu và Mỹ đã tạo ra một ngành công nghiệp nhằm tiếp thị hàng hóa và dịch vụ cho họ.
Tao Liang từng là sinh viên ở New York, anh nổi tiếng với biệt danh “Mr. Bags” (Ông hoàng túi xách), thu hút sự quan tâm trên mạng xã hội với 3,5 triệu người theo dõi trên Weibo và hơn 850.000 người trên Wechat.
Vào tháng 6/2018, chỉ sau 6 phút, anh đã giúp một hãng đồ da bán được số lượng túi xách trị giá 3,24 triệu Nhân dân tệ (khoảng 460.000 USD).
Năm 2017, anh giúp thương hiệu xa xỉ Givenchy bán số túi xách trị giá 1,2 triệu Nhân dân tệ chỉ trong 12 phút.
“Cách tốt nhất để thu hút sinh viên Trung Quốc là nhắm vào các KOL Trung Quốc (Key opinion leader – Người có ảnh hưởng) đang sống ở Mỹ hoặc Anh, vì các sinh viên sẽ theo dõi họ để học và làm theo”, Melody Yeh cho biết.
Một điều quan trọng khác là cần quảng bá hàng hóa trên Weibo và WeChat vì nghiên cứu cho thấy, sinh viên Trung Quốc thường sử dụng các nền tảng truyền thông xã hội Trung Quốc hơn là ứng dụng quốc tế như Instagram hoặc Twitter.
Mỹ luôn là lựa chọn du học hàng đầu của các sinh viên Trung Quốc, tuy nhiên, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã khiến nhiều sinh viên Trung Quốc chọn du học tại Anh.
Đây có thể là những cứu tinh cho ngành công nghiệp thời trang Anh vốn gặp nhiều khó khăn do sự kiện Brexit.
Những lời bình luận của Trump về Trung Quốc đã xuất hiện nhiều trên mặt báo, ông đang làm cho người Trung Quốc gặp khó khăn hơn trong việc xin thị thực du học tại Mỹ.
Kết quả là, sinh viên Trung Quốc cho rằng Vương quốc Anh là lựa chọn đầu tiên của họ để du học. Điều này cũng có ý nghĩa quan trọng đối với công nghiệp thời trang nước này.