Bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết rất khó quản lý, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm tại các chợ tự phát. Đây là lý do để Sở Y tế TP.HCM kiến nghị với UBND TP giải tỏa tất cả các chợ tự phát.
Hầu hết người buôn bán tại các chợ tự phát ở TP.HCM đều biết việc lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè làm nơi buôn bán là sai quy định nhưng họ vẫn làm vì miếng cơm manh áo.
Và do thuận tiện, tiết kiệm thời gian, tiền bạc nên nhiều người vẫn đến những chợ này để mua hàng hóa.
Dân lo lắng
Ghi nhận sáng 25-4, vào sâu vài trăm mét trong con hẻm 194 Bạch Đằng (Q.Bình Thạnh) là khung cảnh họp chợ nhộn nhịp.
Bên cạnh nhiều gian hàng là mặt tiền của các căn nhà, có nhiều người bán trải bạt, bao tải để bày hàng hóa. Bà Trần Thị Thảo (54 tuổi) - chủ một sạp bán thịt - cho biết bán ở đây được 10 năm.
Bà thuê vài mét vuông trước tiệm sửa xe máy với giá 2 triệu đồng/tháng. Nhà ở tận Hóc Môn nên bà Thảo phải lên đây từ sáng sớm, bán đến 15g mới về. Vất vả nhưng tiền lời mỗi ngày chỉ đủ chi tiêu và đóng học phí cho con.
Chồng bà phải đi phụ hồ để bù thêm. Nghe thông tin dẹp chợ tự phát, bà Thảo lo lắng: “Tôi buôn bán quen nghề rồi. Nếu dẹp hết chợ tự phát, tôi cũng chẳng biết làm gì. Thuê sạp trong chợ thì không có tiền”.
Khi được hỏi về nguồn hàng, bà Thảo cho biết lấy từ mối quen ở tận Hóc Môn.
Theo bà Thảo, do lấy hàng uy tín nên giá cao hơn, nhưng nhiều người xem tivi, báo đài nói thịt có chất tạo nạc, chất cấm độc hại khiến lượng mua không nhiều. Theo quan sát, trên những miếng thịt đều có đóng mộc kiểm định.
Đối với những người bán rau củ, trái cây... thì phần lớn hàng được lấy về từ chợ nông sản Thủ Đức. Những người bán hàng cho biết nếu bán ế mà bị héo thì họ thường cho các quán ăn hay cho nhà chùa.
Các loại rau xanh vẫn còn tươi, bán được sẽ đem về ướp đá trong các thùng xốp. Tương tự, thịt cá nếu bán dư cũng được bảo quản trong các thùng đá, tủ lạnh.
“Khá giả thì chẳng ai ra ngồi đây”
Những người bán ở chợ tự phát luôn vừa bán vừa canh chừng lực lượng trật tự đô thị đi tuần tra. Tiền vốn bỏ ra mua mớ rau, quả bí chẳng bao nhiêu nhưng bị “hốt” một mẻ họ vẫn trắng tay.
Tại đường 59 (giao với đường Phạm Văn Chiêu, P.14, Q.Gò Vấp), các tiểu thương bày hàng hóa ngay trên tấm bạt để bán cho công nhân, người đi làm về.
Dù đã gần 11g, họ vẫn trân mình dưới cái nắng như đổ lửa để ráng bán cho hết hàng. Vừa lúc đó, chiếc xe của lực lượng công an phường đi tới. Họ cuống cuồng vơ tất cả vào bao rồi bỏ chạy vào con hẻm gần đó.
Chiếc xe vừa khuất bóng, họ quay lại và tiếp tục bày mấy mớ rau củ héo xuống lề đường nóng hực. Đội chiếc nón lá nhưng gương mặt ông Nguyễn Minh Hoàng (49 tuổi, quê Đắk Lắk) vẫn đỏ bừng, mồ hôi nhễ nhại, than thở:
“Nếu khá giả thì chẳng ai ra ngồi đây. Chúng tôi không có tiền để thuê sạp trong chợ, mà giờ trong chợ cũng hết chỗ” - ông Hoàng tâm sự.
Bà Vân (Q.Gò Vấp) - một người tấp vào mua rau của người bán bên đường - nhận xét: “Có tiền ai cũng muốn thuê sạp trong chợ ngồi bán cho khỏe. Ngồi đây nắng nôi, bên trật tự tới vội vàng bỏ chạy, nhiều khi còn xảy ra tai nạn”.
Thấy thương nên bà Vân nói thường ra đây mua ủng hộ cho họ. “Tôi chưa bao giờ vào siêu thị. Vào đó hay vào chợ lớn mất công gửi xe. Cần gì cứ ra đây. Đồ ăn tươi hơn mà giá lại rẻ hơn”.
Tại các khu công nhân, những khu chợ tự phát mọc lên khá nhiều. Giá cả thường rẻ hơn, phù hợp với đồng lương công nhân còm cõi.
Ghé sạp cá ở đầu đường số 22 (P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức), một người mua cho biết hàng ở chợ thường rẻ hơn nhiều so với siêu thị.
Trên đường đi làm về, chị tạt qua đây mua thức ăn rồi về thẳng nhà nên rất tiện. Khi được hỏi về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, chị nói rất khó biết vì ngay cả thực phẩm trong siêu thị hay các chợ lớn chưa chắc đảm bảo, an toàn.