Cách đây một thời gian, các con đều đang chuẩn bị cho kỳ thi cuối kỳ. Khi đi đón con, tôi nghe loáng thoáng một vài bà mẹ nói chuyện với nhau rằng: Vì đang trong giai đoạn thi cử nên giáo viên giám sát các con rất chặt chẽ. Hàng ngày, con đều phàn nàn rằng có quá nhiều bài tập về nhà và không thể hoàn thiện được hết.
Thật là trùng hợp, con trai lớn nhà tôi, cũng nằm trong số đó:
- Mẹ ơi, hôm nay chúng con lại phải thi nữa, cũng không biết cô giáo lấy ở đâu ra nhiều bài kiểm tra thế.
- Mẹ ơi, hôm nay con không muốn đi học thêm buổi tối nữa, bài tập về nhà quá nhiều.
- Mẹ ơi, sao mà chưa được nghỉ hè thế? Hôm nay con thi không tốt, cô giáo đã trách con, con không muốn đi học nữa...
Kết quả là, vì con cái phàn nàn về những chuyện như thế này quá nhiều khiến tôi cảm thấy tức giận, mệt mỏi đến mức huyết áp tăng cao. Rồi khi không chịu được nữa, tôi luôn bảo chúng hãy im lặng.
Trong cuộc sống hối hả này, chúng ta thường xuyên mải mê với công việc mà quên đi mất việc giao tiếp tích cực với con cái. Khi con cái phàn nàn về một số chuyện, trong mắt chúng ta, nó là chỉ là một việc nhỏ nhặt, và như một lẽ tự nhiên, chúng ta sẽ cảm thấy bực bội.
Thậm chí, nhiều người còn cảm thấy môi trường sống của con cái như vậy đã là quá tốt rồi, và chỉ là những chuyện nhỏ xíu, có gì đáng để phàn nàn cơ chứ? Ngoài kia còn đầy những đứa trẻ bất hạnh hơn kia kìa.
Nhưng nếu chúng ta có thể thay đổi góc nhìn, có lẽ sẽ phát hiện ra rằng: Những cơ hội giao tiếp với con cái ẩn sau những "sự phàn nàn nhỏ" kia, thực sự có thể giải quyết 90% vấn đề giữa cha mẹ và con cái.
Fred Rogers từng nói: "Lắng nghe tiếng nói của trẻ em, chính là việc trao cho chúng tình yêu và sự quan tâm".
Từ tiếng nói, từ những sự "phàn nàn" của con cái, cha mẹ hoàn toàn có thể hiểu được nhu cầu và nguyện vọng của chúng, từ đó đưa ra hướng giải quyết phù hợp. Nhưng nhiều lúc, cha mẹ thực sự không đủ kiên nhẫn để lắng nghe những tâm sự của con cái.
Trên Zhihu có một người dùng chia sẻ về trải nghiệm thời thơ ấu như thế này:
Cô gái ấy hồi còn học lớp 2 đã có một chút mâu thuẫn với bạn bè tại trường và cảm thấy rất chán nản, muốn về nhà để tâm sự để nhận được sự an ủi từ bố mẹ.
Tuy nhiên, phản ứng của cha mẹ khi hay tin chuyện này lại nằm ngoài sự mong đợi của cô ấy.
"Mẹ ơi, hôm nay ở trường con bị các bạn bắt nạt, họ chọc ghẹo con vì con thấp…".
Cô ấy vừa mở miệng, mẹ liền cắt ngang: "Các bạn học với nhau mà, nói một câu thì nói một câu thôi, đừng quá nhạy cảm, con cần phải mạnh mẽ hơn, đừng để những chuyện nhỏ như thế ảnh hưởng đến tâm trạng và việc học của mình".
Vài ngày sau, cô ấy lại cố gắng tâm sự với cha mẹ: "Bố ơi, con cảm thấy điểm số của mình không bằng các bạn khác, con rất lo lắng cho kỳ thi lần này…".
Cô ấy muốn trút bầu tâm sự về nỗi lo lắng trong lòng với bố, nhưng bố cũng không cho cô ấy cơ hội: "Đừng luôn nghĩ về việc thất bại hay kém cỏi hơn người khác, con nên tập trung vào sự nỗ lực và tiến bộ của bản thân mình".
Sau vài lần lặp đi lặp lại như thế, cô ấy cảm thấy cảm thân như bị cô lập và chút bất lực, bởi vì cha mẹ không chịu lắng nghe cô ấy nói. Theo thời gian, cô ấy từ từ học cách giấu những cảm xúc của mình sâu trong lòng.
Dù là chuyện vui hay buồn, cô ấy đều không muốn chia sẻ với cha mẹ nữa, và khoảng cách giữa họ cũng ngày càng xa.
Quá trình nuôi dạy con cái là không hề dễ dàng, cha mẹ cần cùng con cái lớn lên trong từng chi tiết nhỏ. Và cách đơn giản và hiệu quả nhất đối với cha mẹ là học cách lắng nghe trước, nghe những gì đằng sau lời nói của con.
Maria Montessori đã từng nói: "Lắng nghe tiếng nói của trẻ em, chính là việc lắng nghe tiếng nói của tương lai".
Những lời phàn nàn nhỏ bé, đằng sau là nhu cầu tâm lý của trẻ, lắng nghe trẻ nhiều hơn, bạn sẽ phát hiện ra một đứa trẻ khác biệt thế nào.
Một blogger trên mạng chia sẻ trong một video ngắn rằng, bản thân vì bị các bệnh liên quan đến thanh quản, buộc phải giữ im lặng để bệnh hồi phục nhanh chóng. Không ngờ, con của người này sau khi tan học về nhà, chưa kịp để sách vở xuống đã hét lớn: "Con buồn cô giáo lắm! Con sẽ không bao giờ đến trường nữa!".
Blogger không thể nói chuyện, chỉ có thể yên lặng nhìn con, không ngờ con sau đó tức giận, tựa vào đầu gối của mẹ, buồn bã khóc nói: "Con viết sai một chữ trong bài văn, cô giáo đã bêu lỗi của con ngay trên bục giảng, các bạn cùng lớp đều cười con".
Sau vài phút lải nhải, nói hết những gì trong lòng, trẻ đã bình tĩnh nói: "Con sẽ đi chơi ở công viên. Cảm ơn mẹ!".
Ngày hôm sau, sáng sớm con lại đến trường như thường lệ.
Thực tế, những lời phàn nàn nhỏ nhặt của trẻ, không cần cha mẹ phải giáo huấn hay khuyên nhủ, chúng chỉ cần có người lắng nghe mà thôi.
Người lớn cũng vậy, họ cũng sẽ "thích" phàn nàn về những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống, huống chi là trẻ em.
Tôi có một người bạn rất thông minh, khi con cái than phiền về việc bài tập quá nhiều, cô ấy không giảng giải lý lẽ mà chỉ hỏi "Thật sự nhiều lắm à".
Con gái vội vàng nói: "Mẹ ơi nhìn này, vì con làm sai một số câu trong bài thi Ngữ Văn, giờ con phải chép lại mười lần. Toán cũng phải ôn lại toàn bộ nội dung".
Con vừa viết bài tập vừa phàn nàn, mắt đẫm lệ, miệng mếu máo lẩm bẩm một hồi lâu mới thôi, người bạn đó của tôi qua ôm cô bé. 2 tiếng sau, khi trẻ em làm xong tất cả bài tập, con hét lên: "Cuối cùng cũng xong xuôi rồi, mẹ ơi, con cảm thấy lần thi sau này, con chắc chắn sẽ làm bài tốt, con ôn luyện quá kỹ lưỡng rồi".
Phàn nàn là lối thoát cho cảm xúc, trẻ em phàn nàn chỉ là cách để truyền đạt nhu cầu và mong muốn của họ cho cha mẹ, thúc đẩy sự hiểu biết và giao tiếp giữa hai bên. Khi trẻ cảm thấy được thấu hiểu và tôn trọng, chúng sẽ cởi mở hơn, chia sẻ sâu hơn với cha mẹ.
Nhà giáo dục Jane Nelsen trong cuốn sách Positive Discipline (Tạm dịch: Kỷ Luật Tích Cực) đã nói: Trước khi sửa sai cho trẻ, hãy kết nối với chúng, cha mẹ luôn cần phải công nhận cảm xúc của con cái.
Công nhận cảm xúc của trẻ là một trong những cách tốt nhất để thiết lập mối kết nối với chúng, và chính mối kết nối này thường đủ để khiến trẻ tự mình sửa sai. Cho phép trẻ thể hiện cảm xúc, trẻ mới có thể "dọn dẹp" bản thân mình, và tiếp tục tiến về phía trước.
Trong cuốn Nuôi Dạy Con Với EQ Cao có một câu nói như thế này:
"Cha mẹ cần kiểm soát chính xúc cảm tiêu cực của mình, lắng nghe và nhận biết tâm trạng của con cái, biểu hiện tình yêu của mình thành ngôn ngữ và hành động mà trẻ có thể hiểu được".
Khi cha mẹ chân thành lắng nghe và phản hồi những phàn nàn nhỏ của con cái, trẻ sẽ cảm nhận được sự tôn trọng và quan tâm, điều này giúp tăng cường sự tin tưởng và liên kết tình cảm giữa cha mẹ và con cái.
Hơn nữa, dưới mỗi lời phàn nàn, đều là một cơ hội để giải quyết các vấn đề của trẻ, cha mẹ cần hướng dẫn một cách đúng đắn.
Có người từng nói thế này: "Khi trẻ có những biến động về cảm xúc, cha mẹ ngốc nghếch sẽ trách mắng con cái, còn cha mẹ thông minh sẽ chăm sóc con cái với tình yêu thương".
Trẻ em phàn nàn không chỉ đơn thuần là một hành vi tiêu cực, đó còn là cách trẻ thể hiện cảm xúc và nhu cầu nội tâm của mình. Việc cha mẹ chấp nhận cảm xúc của trẻ và sự hỗ trợ từ tình yêu thương là động lực lớn nhất cho trẻ.
Thông qua việc hiểu và phản hồi trước những lời phàn nàn của trẻ, có thể giúp chúng xây dựng nhận thức về bản thân, thúc đẩy giao tiếp, phát triển năng lực giải quyết vấn đề, và củng cố lòng tin cũng như mối liên kết tình cảm giữa cha mẹ và con cái.
Theo People