Trời Sài Gòn vài ngày trở lại đây se lạnh, nhiệt độ các tỉnh phía Bắc xuống thấp, Sa Pa, Hà Giang... xuất hiện băng tuyết khiến nhiều người thích thú lên kế hoạch đi du lịch. Vì vậy, chợ Nga (quận 1, TP.HCM) từ đầu năm 2021 đến nay bắt đầu có khách, tiểu thương không còn cảnh phải ngồi cả ngày chưa bán được cái áo, cái quần nào cả năm qua.
Nhiều khách bắt đầu đến chợ Nga mua quần áo ấm đi du lịch Đà Lạt và các tỉnh phía Bắc. Ảnh: Hồng Phúc.
Nằm trên đường Võ Văn Kiệt, chợ Nga là một ngôi chợ đặc biệt tại TP.HCM, tính đến nay đã hoạt động được khoảng 20 năm. Chợ này chủ yếu bán quần áo ấm, quần áo giữ nhiệt, áo choàng, áo măng tô,... thích hợp với khí hậu lạnh. Hơn 90% quầy sạp tại chợ Nga đều bán quần áo ấm; hàng thực phẩm như bánh kẹo, bia rượu Nga cũng có nhưng ít hơn.
"Nhiều người thắc mắc trời Sài Gòn nóng như bưng mà sao lại bán toàn áo ấm. Chúng tôi đã bán cả chục năm qua và rất đắt khách. Du học sinh chuẩn bị đi nước ngoài, khách Âu về nước, người Việt đi xuất khẩu lao động đều đến đây mua quần áo ấm.
Chúng tôi chỉ 'chết' vì Covid-19 cả năm qua thôi vì các đường bay quốc tế đều đang tạm ngưng", bà Thuý - một tiểu thương bán lâu năm tại chợ Nga nói.
Nhưng vài ngày hôm nay, bà Thuý và các tiểu thương khác đã vui hơn khi thấy bắt đầu có khách trở lại. Tiểu thương nói hỏi ra mới biết khách đi du lịch các tỉnh phía Bắc, đặc biệt là Hà Giang, Sa Pa, Lào Cai nên đến đây mua áo ấm.
Nhiều bạn trẻ cũng đến chợ Nga mua quần áo giữ nhiệt đi du lịch Sa Pa. Ảnh: Hồng Phúc.
Phương Anh (nhân viên văn phòng) cho biết cuối tuần sẽ đi du lịch Hà Giang nên cùng bạn đến mua áo, găng tay, tất giữ ấm cơ thể vì hay tin nhiệt độ các tỉnh phía Bắc đang rất thấp.
"Đây là lần đầu tiên tôi đến đây mua quần áo ấm, được bạn bè giới thiệu nên mới biết. Trước đây nghe chợ Nga, tôi cứ tưởng chợ chỉ bán thực phẩm dành cho người Nga", Phương Anh nói.
Tranh thủ cơ hội, một số tiểu thương lấy thêm áo len, nón len để bán cho khách đi du lịch Đà Lạt, nơi có khí hậu mát mẻ mà không quá lạnh như các tỉnh phía Bắc.
Một số nơi giảm giá áo phao giữ nhiệt chỉ còn từ 400.000 đồng/cái để bán được nhiều hơn. "Người dân lúc này cũng rất khó khăn, chúng tôi không hét giá, giá báo với khách đều là giá chắc nhất", một tiểu thương thổ lộ.
Trong tuần nhưng các lối đi ở chợ Nga đều có khách. Ảnh: Hồng Phúc.
Dù không phải cuối tuần nhưng các lối đi tại chợ Nga, nhất là khu vực ra vào vẫn có 9-10 khách. Tiểu thương cho biết cuối tuần, lượng khách đông hơn.
"Các năm trước, trước Tết khoảng 1 tháng là chợ Nga vào đợt cao điểm, khách đông lắm. Hiện lượng khách dù không thể bằng thời điểm này các năm trước nhưng chúng tôi cũng mừng, có đồng ra đồng vô còn hơn 1 năm ế ẩm qua", bà Nguyễn Thủy - một người tiểu thương lâu năm tại đây năm nói.
Bà Thủy cho biết thêm, năm 2020 là năm "lịch sử" tại chợ Nga. Nhiều sạp lớn ngay mặt tiền mà cả ngày không bán được đồng nào, riêng sạp của bà nằm trong góc khuất lại càng ảm đạm hơn.
Nhiều sạp cũng tranh thủ giảm giá từ 10% để thu hút khách. Ảnh: Hồng Phúc.
Tiểu thương lo ngại cảnh ế ẩm sẽ quay trở lại khi nhiệt độ trở lại bình thường. Ảnh: Hồng Phúc.
Dù mừng vì đã có khách nhưng các tiểu thương tại chợ Nga đều chung nỗi lo có thể chỉ bán được 1 tháng trước Tết, bởi khi trời hết lạnh, nhu cầu đi du lịch hết thì sẽ ế ẩm trở lại như tình hình cả năm 2020.
Anh Thanh Hà tiết lộ, năm 2020 "đóng băng" đã khiến anh lỗ vài trăm triệu đồng. Anh cũng lo lắng áo ấm chỉ bán được vài ngày trước Tết cho người dân đi du lịch trong nước.
"Tiểu thương chúng tôi chỉ mong được hỗ trợ nhiều hơn về tiền thuế, phí sạp tại chợ. Dù biết các khoản hỗ trợ không nhiều nhưng đó là cách động viên chúng tôi giữ sạp trong lúc ai cũng khó khăn", anh Hà nói.