Không hiếm những biển báo giao thông đề phòng hươu, nai chạy ngang đường trong thành phố.
Trừ mùa đông bị tuyết bao phủ, nhìn từ trên cao khi máy bay hạ cánh thấy bát ngát một màu xanh, điểm xuyết những mái nhà xinh xắn, hầu như không có nhà cao tầng chọc trời như ở ta (và một số thành phố châu Á khác).
Mùa này, những du khách Việt Nam có dịp đặt chân tới các thành phố châu Âu, đi dạo dưới những hàng cây hay tán rừng, hẳn đều có chung một cảm nhận: Bầu không khí rất sạch và thoáng đãng, không ngột ngạt và ô nhiễm như ở ta.
Dễ hiểu thôi, bởi những thành phố tràn ngập cây xanh như vậy, dân số cao nhất cũng chỉ 2-3 triệu, nhiều thành phố chỉ vài trăm ngàn dân, giao thông công cộng phát triển, thậm chí ngày càng nhiều người thích đi xe đạp, ý thức bảo vệ môi trường của người dân rất cao… thì thành phố của họ không sạch mới lạ.
Mấy năm gần đây, từ khóa “cây xanh” ở Hà Nội được công luận chú ý nhiều hơn.
Ngoài sự cố cây xanh bị đốn hàng loạt, có thể thấy người dân ngày càng nhận thức rõ vai trò cực kỳ quan trọng của cây xanh trong một đô thị phát triển nóng như Hà Nội.
Một thủ đô hơn 7 triệu dân, mật độ dân số lớn, có nơi như quận Đống Đa lên tới trên 35 ngàn người/km², nhà chọc trời mọc lên san sát, 5,5 triệu chiếc xe máy và xe hơi (gần 535.000 ôtô và hơn 4,9 triệu xe máy) mà lại thiếu cây xanh thì không ngột ngạt mới lạ.
Việc trồng cây gì cho phù hợp với một đô thị lớn, nơi đất chật người đông như Hà Nội là điều quan trọng, có nên trồng phượng ở dải phân cách hay không, rất đáng được các nhà khoa học quan tâm và cho ý kiến phản biện trước khi “mọi việc đã rồi”.
Tuy nhiên, việc quan trọng hơn là Hà Nội cần phải có thiết kế quy hoạch cho cây xanh một cách bài bản, rõ ràng. Bởi nhìn quanh mấy quận nội thành, ở đâu có miếng đất nào trống và đẹp lập tức thấy chung cư cao cấp, nhà cao tầng mọc lên ở đó.
Thử hỏi còn đâu đất để mà trồng cây? Thành thử nếu không trồng ở mấy dải phân cách hiếm hoi còn sót lại thì trồng ở đâu?
Tất cả các kiến trúc sư đều biết, đô thị cần những khoảng không gian xanh, có thể là những cánh rừng như bên châu Âu hay chí ít cũng là những quảng trường, công viên, hồ nước để người dân có thể dạo chơi, thư giãn, hít thở bầu không khí trong lành.
Điều quan trọng là phải biết quy hoạch cho nó ngay từ đầu và đừng “xẻ thịt” nó để làm việc khác.