Nếu như vào cao điểm hè, khách dễ dàng mua vé chặng Hà Nội- TPHCM với giá giao động từ 1-2 triệu đồng thì nay giá vé chặng này tăng gấp 2 thậm chí gấp 3. Khảo sát vào chiều 5/10 cho thấy: Chuyến bay vào ngày 7/10, vé rẻ nhất chặng này thuộc về Vietjet nhưng cũng ở mức 3.071.000 đồng (không có hành lý ký gửi, bay vào lúc 21h 55).
Giá vé cao nhất thuộc về Vietnam Airlines với mức giá 3.703.000 đồng (hạng phổ thông, có 20 kg hành lý ký gửi). Nếu mua vé để bay sau khi đặt 1 tuần (bay vào ngày 12/10), cùng trên chặng này, giá vé rẻ nhất thuộc về Jetstar Pacific cũng lên đến 1.932.000 đồng.
Còn lại gần như tuyệt đại đa số đều trên 2 triệu đồng. Vì vậy, phương án mua vé trước để có giá rẻ cũng không nhiều ý nghĩa trong thời gian này.
Vé tiết kiệm của Vietjet chặng Hà Nội – Nha Trang cùng ngày lên đến gần 2,3 triệu đồng. Thậm chí, với chuyến bay vào giờ đẹp, khách vào Nha Trang đúng giờ nhận khách sạn, giá vé bị đẩy lên đến hơn 3,5 triệu đồng.
Một lãnh đạo Vietnam Airlines cho hay, sau cao điểm hè, máy bay được đưa vào bảo dưỡng, phi công, tiếp viên được bố trí lịch để nghỉ phép nên số chuyến bay giảm, các hãng tập trung cho hoạt động bán hàng, tiếp thị.
“Vì bộ máy cơ bản vẫn giữ nguyên, khách ít, doanh thu không cao nên mùa thu và mùa đông doanh thu các hãng đều bị kéo xuống” – vị đại diện này cho hay.
Jetstar Pacific cũng cho biết các lý do giảm chuyến bay tương tự. Hãng này khẳng định giá vé máy bay cao trên một số chuyển bay chỉ xảy ra cục bộ, trong giai đoạn ngắn.
Tuy nhiên, nhiều hành khách bức xúc vì việc tăng giá ngay trong mùa thấp điểm, đặt nghi vấn các hãng cố tình giảm cung, tạo sốt ảo vé máy bay. Trao đổi với Tiền Phong, nhiều hành khách cho biết đã lên lịch đi nghỉ vào dịp thấp điểm để có giá dịch vụ thấp, bớt đông đúc nhưng đành phải hủy vì giá vé máy bay tăng cao.
Yêu cầu tăng chuyến
Cục Hàng không cho hay, giai đoạn cuối tháng 9, đâu tháng 10/2017, trên đường bay TP.HCM -Hà Nội, toàn bộ các hãng bay trung bình 47 chuyến/chiều/ngày, bằng 85,5% so cùng kỳ năm 2016, trong đó Vietnam Airlines 25 chuyến/chiều/ngày (tăng 8,7%), Vietjet Air 16 chuyến/chiều/ngày (giảm 15,7%), Jetstar Pacific chỉ còn 6 chuyến/chiều/ngày (giảm 53,8%).
Trong khi đó, số lượng hành khách không có chỗ trên đường bay TP HCM - Hà Nội tăng cao, hệ số sử dụng ghế của các hãng hàng không trên đường bay này đều đạt xấp xỉ 100%, lượng hành khách đặt chỗ trên hệ thống cho các ngày tiếp theo cũng đang ở mức cao.
Trước tình hình trên, nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách, ngày 29/9/2017, Cục Hàng không có văn bản chỉ đạo các hãng hàng không yêu cầu bố trí mọi nguồn lực để tăng chuyến bay.
Trong giai đoạn đến giữa tháng 10/2017, Vietnam Airlines đã có kế hoạch tăng trung bình 2-3 chuyến bay/chiều/ngày giữa TP HCM và Hà Nội, đồng thời đổi tàu bay lớn hơn trên một số chuyến bay thường lệ khác.Vietjet Air đã có kế hoạch tăng 4-5 chuyến bay/chiều/ngày lên mức trung bình 20 chuyến bay/chiều/ngày TP HCM - Hà Nội từ tuần thứ hai của tháng 10/2017.
Trong giai đoạn đến giữa tháng 10/2017, do khó khăn về nguồn lực, Jetstar Pacific chưa thể tăng chuyến trên đường bay này, hãng đã và đang phối hợp chặt chẽ với Vietnam Airlines đảm bảo vận chuyển để không ảnh hưởng đến hành khách do giảm chuyến bay.
Từ 15/10 đến hết tháng 10/2017, hãng dự kiến khai thác ổn định trên đường bay này với tần suất 6-7 chuyến/chiều/ngày và duy trì tần suất 8-9 chuyến từ tháng 11/2017.
Cục Hàng không cho hay, theo quy định hiện nay, mức trần giá vé máy bay chặng Hà Nội – TPHCM và ngược lại là 3.200.000 đồng/vé một chiều (chưa bao gồm thuế, phí và các loại giá dịch vụ khác).
Cục Hàng không cho biết, tùy tình hình thị trường, các hãng hàng không sẽ chủ động điều chỉnh, áp dụng các dải giá phù hợp theo kê khai đã gửi tới Cục Hàng không. Hiện tại các hãng vẫn đang bán vé trong dải giá đã kê khai với Cục và chưa vượt trần.