Tại khu chợ dân sinh bên hông bến xe Chợ Lớn (Q.6), các tiểu thương đều bày hoa trái, rau củ thành hàng dài hai bên đường. Hàng nào cũng tấp nập, tiểu thương chào mời, hạ giá sớm nhưng khách không bao nhiêu.
Bà Sáu bán trái cây thở dài thườn thượt: “Tui chợ từ mùng 2 tết, nhưng bán nửa buổi sáng thôi. Ấy vậy mà đông khách lắm. Hôm nay bán nguyên ngày nhưng “ế” chỏng chơ từ sáng đến giờ, chẳng có mấy khách đến chợ”.
Nguyên một dãy chợ dài, người bán nhiều hơn người mua
Khách còn "nghỉ tết" nên không đến chợ
Chợ Nguyễn Văn Trỗi (Q.Phú Nhuận) cũng lâm cảnh đìu hiu. Liên tục tưới nước cho mớ rau xanh không bị héo, chị Minh bộc bạch: “Khuya tôi đã xuống chợ đầu mối Thủ Đức lấy hàng, dọn ra từ sáng nhưng bán chưa được bao nhiêu. Do đó tôi buộc phải hạ giá, như cải xanh chỉ 10.000 đồng/bó, rau muống 15.000 đồng/kg, đậu cô-ve 20.000 đồng/kg… Nếu hôm nay không bán hết, mai rau sẽ thành rác”.
Mừng rơn khi có khách
Gia nào cũng bán, không để khách đi
Rau xanh cũng hạ giá chờ khách
Khảo sát giá cả các loại nông sản trong ngày 19/2 (mùng 4 tết), đa số các loại rau xanh đã “giảm nhiệt” hơn so với hai ngày trước. Xà lách giá 35.000 đồng/kg, cà chua 20.000 đồng/kg, chanh 10.000 đồng/kg; quýt đường 35.000 đồng/kg, vú sữa 15.000 đồng/kg, dưa hấu 12.000 đồng/kg. Riêng các loại hoa tươi vẫn đứng với giá cao, như vạn thọ, hoa ly, cẩm chướng, lay ơn từ 25.000 – 40.000 đồng/bó.
Đậu phụ đắt hàng tết
Hoa tươi vẫn đứng giá cao, từ 25.000 - 40.000 đồng/bó
Thịt, gà đầy các sạp hàng, giá rẻ
Lý giải về việc người dân ít ra chợ ngày mùng 4 tết, chị Hồ Thị Nga (35 tuổi, ngụ Q.10) cho rằng: “Bình thường, từ mùng 4 tết, người dân thường tranh thủ những ngày nghỉ tết cuối cùng để đi du lịch những nơi gần như Nha Trang, Đà Lạt, Vũng Tàu…
Thức ăn đã được họ mua từ mùng 2, mùng 3 rồi nên chợ mùng 4 thường rất ế. Từ mùng 6 trở đi, khi người dân trở lại thành phố để đi học, đi làm thì chắc chắn, thực phẩm lúc này sẽ tiêu thụ mạnh và có lẽ giá cũng sẽ bị đẩy lên cao”.
Trong sáng mùng 4 tết, một số cửa hàng cũng mở cửa khai trương.