"Bây giờ có quá muộn để nói lời xin lỗi?"
Tờ Vogue của Anh nêu quan điểm mở đầu cho bài viết có tiêu đề Chính xác thì chúng ta cần gì khi nghe lời xin lỗi của nghệ sĩ.
Gần đây, khán giả chứng kiến sự bùng nổ về văn hóa xin lỗi của người nổi tiếng. Thông thường, họ xin lỗi để khắc phục sai lầm, giải quyết sai sót, nhanh chóng trở lại làm nghề.
Mục đích của lời xin lỗi công khai là chữa lành, xoa dịu chân thành, không mỉa mai hay giễu cợt, nhưng nó phải được gửi đến đúng đối tượng, không chung chung.
"Người nổi tiếng cũng là con người", câu nói thường được nghệ sĩ dùng mỗi khi nói lời xin lỗi, nhưng khán giả thường không quan tâm điều đó.
Theo Tiến sĩ Cheryl Fraser, lời xin lỗi muốn được chấp thuận cần theo ba bước:
Xin lỗi thuần túy: Lời xin lỗi phải đưa ra theo hình thức Tôi đã làm abc, tôi xin lỗi xyz và tôi sẽ làm tốt hơn.
Tha thứ: Người nhận được lời xin lỗi phải chấp nhận lời xin lỗi của người nói lời xin lỗi.
Bắt đầu lại: Khi đôi bên thông qua lời xin lỗi, việc người nghệ sĩ (hay bất cứ ai mắc lỗi) làm lại từ đầu hoàn toàn khả thi. "Khi bỏ qua những nhỏ nhặt, kể cả vết thương lớn, chúng ta có thể 'dọn dẹp' tàn dư và bắt đầu lại, chỉ khi đó là lời xin lỗi có tâm", tiến sĩ phân tích.
Từ phân tích của giáo sư, dễ nhận thấy, thứ công chúng muốn thấy khi người nghệ sĩ xin lỗi là sự chân thành, đến với đúng người. Chuyện xin lỗi theo kiểu "Tôi xin lỗi, được chưa" thậm chí phản tác dụng, bị cho là hời hợt, nhiều khả năng dẫn nghệ sĩ đến với con đường bị tẩy chay.
Lời xin lỗi sẽ được chấp nhận, nếu đúng trọng tâm
Theo Evening Standard, không dễ để người nổi tiếng nói lời xin lỗi. Nhưng sống trong thời đại mạng xã hội phát triển, nghệ sĩ, dù là những ngôi sao nổi tiếng, cá tính nhất thế giới cũng phải lùi lại một bước, xin lỗi để tiếp tục hoạt động.
Nhìn lại vụ của Will Smith tại Oscar 2022. Sau khi tát Chris Rock vì vợ anh bị mang ra đùa cợt, Smith liên tục bị chỉ trích trên mạng xã hội. "Tôi muốn công khai Chris. Tôi vượt quá giới hạn và đã sai. Hành vi của tôi tại Oscar là không thể chấp nhận được", Smith viết.
Kanye West sau nhiều lần tấn công Kim Kardashian, gặp làn sóng tranh cãi trên mạng xã hội, cũng phải gửi lời xin lỗi: "Tôi biết việc chia sẻ ảnh chụp màn hình tin nhắn thật khó chịu và đang quấy rối Kim".
Will Smith và Kanye West, hai ngôi sao có sự nghiệp âm nhạc thuộc hàng đình đám ở Mỹ, buộc phải xin lỗi trước sức ép của dư luận. Lời xin lỗi của họ được chấp nhận vì nhận rõ mình sai ở đâu và đi thẳng trọng tâm vấn đề.
Xin lỗi sau khi làm sai là trách nhiệm của nghệ sĩ.
Mark Borkowski, chuyên gia tư vấn PR, quan sát thấy xu hướng xin lỗi của người nổi tiếng. "Đã có lúc người nổi tiếng không bao giờ xin lỗi, nhưng giờ họ phải đối mặt. Mặc dù họ có thể bỏ qua một số lời chỉ trích, nhưng họ không thể phủ nhận sức ép của cộng đồng mạng ảnh hưởng đến hợp đồng, thương hiệu, thu nhập và nguy cơ bị tẩy chay", chuyên gia nói.
Đặt câu hỏi điều gì tạo nên lời xin lỗi tốt cho người nổi tiếng, chuyên gia nói với Evening Standard rằng nghệ sĩ phải có khả năng chứng minh tính xác thực và ý nghĩa của lời xin lỗi.
"Mọi người có thể vượt qua bê bối nếu có sự ăn năn thật sự. Lời xin lỗi hiệu quả phải trung thực và chân thành, khi công chúng thực sự cảm thấy rằng người nghệ sĩ phạm sai lầm và muốn sửa đổi", Mark Borkowski nhận định.
Theo chuyên gia truyền thông, Kristen Stewart là một trong số ít người làm được điều đó. Trong bức thư xin lỗi Robert Pattinson sau khi bị bắt gặp ngoại tình, nữ diễn viên bày tỏ: "Sự bừa bãi nhất thời gây nguy hại cho người tôi yêu thương nhất lúc này: Rob. Tôi yêu anh ấy và thật sự xin lỗi rất nhiều".
Trung thực và chính xác là cụm từ Guardian dành cho nữ diễn viên. Tờ báo Anh còn cho rằng cô đặt ra tiêu chuẩn mới cho nghệ thuật xin lỗi của người nổi tiếng.
Lời xin lỗi đúng đắn quan trọng thế nào?
Theo Hankook Ilbo , người nổi tiếng chịu trách nhiệm lớn vì mỗi lời nói, hành động đều ảnh hưởng đến công chúng. Khi tranh cãi nảy sinh, diễn viên, ca sĩ thường thông qua công ty quản lý, đội truyền thông gửi lời xin lỗi, ngăn tình trạng tồi tệ.
Tuy nhiên, việc xin lỗi thiếu chân thành đôi khi khiến vụ bê bối tồi tệ hơn.
Nhiều nghệ sĩ gây tranh cãi vì lời xin lỗi có cũng như không.
Jay (nhóm Enhypen) từng gây tranh cãi vì phát ngôn sai lịch sử. Nhưng trong lời xin lỗi, thay vì nói chân thành, anh nói: "Vì lý do gì, tôi xin lỗi vì khiến mọi người khó chịu". Jay bị chỉ trích nặng nề hơn.
Thành viên Kang Min Kyung nhóm Davichi cũng vướng vào tranh cãi sau thông báo tuyển dụng trả lương thấp. Trong bài đăng xin lỗi, thay vì thể hiện sự chân thành, cô lại gây tranh cãi vì khoe chiếc bếp gas mới, thiếu chân thành.
"Mức lương cô ấy trả cho nhân viên thậm chí rẻ hơn bếp gas mà cô ấy khoe trong video xin lỗi", một người bình luận.
Theo Hankook Ilbo, điều đó chỉ ra rằng điều công chúng cần trong lời xin lỗi là sự chân thành hơn là câu xin lỗi có cũng như không, sáo rỗng.
"Điều quan trọng khi xin lỗi là truyền tải sự chân thành thay vì viện cớ và suy đoán không cần thiết. Tất nhiên, tốt hơn hết là đừng làm những điều khiến bản thân phải xin lỗi. Ngay cả khi bị chỉ trích, nghệ sĩ vẫn có cơ hội sửa sai nếu chân thành, nhận thức chính xác tình huống. Đó là lý do tại sao lời xin lỗi thích hợp rất quan trọng", Hankook Ilbo bình luận.