Con gái của cựu Phó Tổng thống Mỹ Dick Cheney - nghị sĩ Liz Cheney - vừa được bầu làm Chủ tịch Nhóm đại biểu Cộng hòa (Republican Conference) của Hạ viện.
Vang bóng một thời
Đây là vị trí mà cha của bà Liz Cheney từng nắm giữ những năm 1980 trong khi đại diện cho một quận lớn ở bang Wyoming - cũng là nơi bà Liz Cheney đang đại diện hiện nay (dù phần lớn cuộc đời của bà sinh sống tại bang Virginia). Điều này nhắc nhở người ta rằng các triều đại gia đình vẫn có vai trò trong chính trường Mỹ.
Cách đây 3 năm, chính trị "triều đại" dường như là chủ đề thống lĩnh cũng như là một trong những đe dọa lớn nhất tới ước mơ "bất cứ đứa trẻ nào cũng có thể lớn lên thành tổng thống"của nền dân chủ Mỹ. Năm 2015, nhiều người dự đoán một cuộc chạy đua vào Nhà Trắng giữa bà Hillary Clinton và ông Jeb Bush, tái hiện những câu chuyện cũ của 24 năm trước. Đó có thể đã là lần xuất hiện thứ 5 của họ Bush trên đường đua vào ghế tổng thống kể từ năm 1980 và là lần thứ 3 đối với nhà Clinton.
Người nhà Bush giành thắng lợi trong cuộc bầu cử ở 3 bang - Connecticut, Texas và Florida trong khi nhà Clinton cũng "ghi 2 điểm" ở Arkansas và New York. Ngoài ra, những gương mặt mới hơn của nhà Bush như George P. Bush, một ủy viên hội đồng nhà đất ở Texas, cũng trên đường dấn thân vào chính trường.
Trong khi đó, ông Joseph P. Kennedy III thuộc thế hệ thứ tư của nhà Kennedy đang là nhân tố tỏa sáng mới nhất của Đảng Dân chủ tại Hạ viện. Còn những cái tên như Andrew Cuomo và Jerry Brown đều nắm giữ vị trí thống đốc các bang lớn mà cha của họ từng đứng đầu nhiều nhiệm kỳ. Ba thành viên của gia đình Udall gần như nối tiếp nhau làm việc tại Thượng viện trong thập kỷ trước, ở cả 2 đảng.
Nếu đề cập những thế hệ xa hơn về trước, có thể kể tới cựu Phó Tổng thống Mỹ Al Gore vốn là con trai một thượng nghị sĩ; cựu ứng viên tổng thống Đảng Cộng hòa năm 2012 Mitt Romney có cha từng là thống đốc, quan chức nội các và ứng viên tổng thống tiềm tàng. Tính luôn cả 2 ông Al Gore và Mitt Romney, 5/10 ứng viên tổng thống của các đảng lớn trong giai đoạn 2000-2016 đều là thành viên của các gia đình dòng dõi chính trị.
Thiếu "mầm non"
Những người ngoài của hệ thống "triều đại", như ông Barack Obama, có thể vụt sáng nhưng khá hy hữu. Trong khi đó, những nhân vật sinh ra trong cái nôi chính trị dường như đã "dằn túi" một nửa cơ hội tranh cử và chiến thắng.
Chính vì vậy mà người ta nghi ngờ liệu nền dân chủ Mỹ có thực sự cởi mở và trọng nhân tài như những lời rao giảng? Nhưng rồi tới năm 2018 này, lớp nghị sĩ Dân chủ mới, thuộc hàng nhiều nhất trong lịch sử với 58 nhân vật, đang gây chú ý vì gần như vắng bóng con cháu hay những thành phần "dây mơ rễ má" với các quan chức "cây cao bóng cả".
Các “triều đại” là một phần của văn hóa chính trị Mỹ. Trong ảnh: Một dịp chụp hình chân dung của gia đình Bush Ảnh: REUTERS
Trong số đó có một ngoại lệ, dù cuộc đua này không gây chú ý tầm quốc gia, đó là ở quận 9 của bang Michigan, ứng viên 58 tuổi Andy Levin giành thắng lợi cuộc đua kế tục vị trí mà người cha - ông Sander Levin - đảm đương từ năm 1983.
Chú của ông Andy Levin là Carl Levin, thượng nghị sĩ phục vụ lâu năm nhất trong lịch sử ở bang Michigan cho tới khi nghỉ hưu hồi năm 2015.
Ngoài trường hợp trên, lý lịch của những gương mặt mới còn lại của Đảng Dân chủ lần này đều hết sức tươi mới, không hề có màu sắc gốc gác chính trị, nhiều người còn rất mỏng kinh nghiệm bầu cử. Tương tự là lớp thống đốc mới.
Trong khi 2 nhân vật xuất thân nhà giàu - J.B. Pritzker của bang Illinois và Ned Lamont của bang Connecticut (người có ông cố nội là Chủ tịch Tập đoàn JP Morgan & Co.) - không có tân thống đốc nào tới từ những gia đình gốc gác chính trị.
Về phía Đảng Cộng hòa, cơn địa chấn của ông Donald Trump năm 2016 không chỉ vùi dập nhà Bush mà còn làm vỡ mộng dựng lên "triều đại" của thượng nghị sĩ Rand Paul và con trai Ron Paul. Tuy nhiên, nhìn chung, mối dây "triều đại" dường như có chút mạnh hơn bên phía Đảng Cộng hòa.
Ngoài trường hợp nhà Cheney, 2 thành viên mới của đảng này tại Hạ viện - Jim Hagedorn của bang Minnesota và Carol Miller của bang Tây Virginia - cũng có cha phục vụ trong quốc hội.
Ngoài ra, có khả năng chính Tổng thống Trump tìm cách hình thành một "triều đại" chính trị riêng. Con trai lớn của nhà lãnh đạo này, Donald Trump Jr., dường như cũng quan tâm tới chính trị với cách trút giận lên Twitter tương tự cha mình.
Tuy vậy, ở bức tranh toàn cảnh, kỷ nguyên của chính trị "triều đại" có vẻ như đang lùi xa. Thống đốc bang New York, ông Andrew Cuomo, tái đắc cử một cách đáng ghi nhận nhưng sự vẻ vang còn lâu mới bằng tiếng tăm mà gia đình ông gầy dựng vào những năm 1990.
Còn Joe Kennedy hiện là thành viên duy nhất của một gia tộc đình đám trên chính trường liên bang cũng như các bang. Dù tương lai vẫn sáng sủa nhưng ông chỉ là một trong rất nhiều hạ nghị sĩ trẻ nổi bật với những thông điệp tiến bộ.
Thế hệ của những tên tuổi như George W. Bush và Jeb Bush đang đuối sức và sự nghiệp của ông George P. Bush ở bang Texas không hứa hẹn đột phá. Nếu bà Hillary Clinton định tranh cử lần cuối, đó hẳn là một quyết định đáng nể.
Cũng không loại trừ khả năng thế hệ của Chelsea Clinton (con gái bà Hillary), Jenna Bush Hager (con gái cựu Tổng thống George W. Bush) hoặc Meghan McCain (con gái cố Thượng nghị sĩ John McCain) sẽ tranh cử một ngày nào đó dù hiện chưa ai tỏ ra hào hứng với con đường này.
Cựu đệ nhất phu nhân Michelle Obama càng không quan tâm tới tham vọng chính trường và những cô con gái nhà Obama còn quá trẻ để nói tới chuyện ganh đua chính trị. Danh sách ứng viên tiềm năng của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020, kể cả phiên bản mở rộng nhất, tới nay vẫn chưa xuất hiện "mầm non" triều đại chính trị nào.