Điều đáng nói là, ủy ban này nhấn mạnh, những chính sách của chính quyền Trump đang ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ Mỹ - Anh. Thật vậy, một báo cáo dài 117 trang của ủy ban đã được công bố vào ngày 18/12, trong đó tập trung vào các mối quan hệ với nước ngoài, an ninh mạng, sự phát triển của Trung Quốc cho đến “mối đe dọa từ Nga”.
Một phần khá lớn của báo cáo đã đề cập đến quan hệ giữa London và Washington và nói rằng Anh nên “tiếp tục chống lại những thách thức mà Mỹ mang lại đối với các quan hệ đa phương” và thúc đẩy mối liên kết với các tổ chức quốc tế như Liên Hợp Quốc, NATO và WTO.
Báo cáo cho biết, mặc dù Anh và Mỹ vẫn có sự “hợp tác chặt chẽ” về mặt quốc phòng và tình báo, song chính quyền Trump đã có nhiều bước đi đi ngược với lợi ích của Anh.
“Cụ thể, Mỹ rút khỏi Hiệp ước Paris về biến đổi khí hậu, thỏa thuận hạt nhân Iran và Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, cũng như áp đặt thuế thương mại đối với chính đồng minh của mình. Điều này đã cản trở những nỗ lực nhằm đối mặt với những thách thức toàn cầu rất quan trọng đối với Anh”, báo cáo viết.
Cũng theo báo cáo này, mức độ tổn hại có thể gây ra đối với quan hệ Mỹ - Anh sẽ còn phụ thuộc vào việc những vấn đề giữa hai nước liệu có phải là một “xu hướng lâu dài” hay không. Nó cũng cảnh báo nếu ông Donald Trump đắc cử thêm một nhiệm kỳ nữa, hay người kế nhiệm ông sẽ tiếp tục chính sách hiện tại, tổn hại có thể sẽ “trở nên dài hạn”.
Một điều thú vị đó là ủy ban của Thượng viện Anh không coi những thay đổi trong chính sách của Mỹ là do một mình ông Donald Trump. Họ cho rằng chính sách “nước Mỹ trên hết” bắt nguồn từ tâm lý tự vệ của Mỹ do nước này đang dần đánh mất vị thế thống trị.
“Một số quyết định trong chính sách đối ngoại của chính quyền Mỹ không chỉ bắt nguồn từ Tổng thống Trump, mà nó cho thấy sự thay đổi dẫn đến một nước Mỹ hướng nội, bớt tập trung vào những mối quan hệ liên minh xuyên Đại Tây Dương và cả trên thế giới, và có cảm giác rằng Mỹ đang mất đi lợi thế của mình vào nước khác”, báo cáo kết luận.