Hãng Reuters dẫn lời quan chức Mỹ hôm 24/5 cho hay, tàu khu trục USS Dewey của Hải quân Mỹ đã tiến hành hoạt động tuần tra ở biển Đông và đi vào phạm vi 12 hải lý của Đá Vành Khăn, thuộc chủ quyền Việt Nam, bị Trung Quốc chiếm đóng và xây dựng phi pháp.
Đây được xem là thách thức đáng kể đầu tiên của chính quyền mới ở Mỹ đối với Trung Quốc trong vấn đề biển Đông kể từ khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền ngày 20/1. Bộ quốc phòng Mỹ khẳng định các chiến dịch tuần tra tự do hàng hải (FONOP) sẽ diễn ra bình thường.
"Chúng tôi hoạt động ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương theo lịch trình, bao gồm ở biển Đông. Chúng tôi sẽ hoạt động căn cứ theo luật pháp quốc tế. Chúng tôi bay qua, đi qua và hoạt động ở bất cứ nơi nào luật quốc tế cho phép," phát ngôn viên Lầu Năm Góc Jeff Davis nói.
"Tự do hàng hải không nhằm vào bất kỳ quốc gia nào, bất kỳ ai hay một vùng nước đặc biệt nào," ông nói.
Cuộc tuần tra tự do hàng hải của USS Dewey đánh dấu lần căng thẳng thứ hai giữa Bắc Kinh và Washington chỉ trong hơn 1 tuần qua, sau khoảng thời gian ngắn quan hệ song phương phát triển suôn sẻ kể từ chuyến thăm Mỹ ngày 6-7/4 của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Vào tuần trước, chính quyền Trump đã lần đầu tiên chính thức phản đối Trung Quốc sau khi hai chiến đấu cơ của Quân giải phóng nhân dân (PLA) thực hiện động tác nhào lộn "Barrel roll" để ngăn chặn máy bay trinh sát Mỹ trên vùng trời biển Hoa Đông.
Washington chỉ trích phi công Trung Quốc "liều lĩnh và không tuân thủ" các nguyên tắc quốc tế, trong khi Bắc Kinh khẳng định họ hành động "hoàn toàn phù hợp" luật pháp quốc tế.
Nhiều nhà phân tích cho rằng, động thái ở biển Đông của Mỹ là lời cảnh báo đến Trung Quốc rằng lực lượng Mỹ ở châu Á không thể bị xem thường, đồng thời bảo đảm với các đồng minh, đối tác trong khu vực rằng Mỹ quyết tâm giữ tuyến hàng hải qua vùng biển quốc tế ở biển Đông được thông suốt.
Thời điểm tuần tra biển Đông hoàn hảo
Trong giai đoạn tranh cử, ông Trump đã gay gắt chỉ trích các hoạt động bồi lấp đảo nhân tạo (phi pháp) mà Trung Quốc thực hiện trên biển Đông từ năm 2012. Khi trở thành Tổng thống, ông tái khẳng định lập trường này trong một số dòng "tweet", nhưng rồi khiến các đồng minh bất ngờ khi không thúc đẩy chính sách về biển Đông.
Ảnh vệ tinh đảo nhân tạo do Trung Quốc xây trái phép ở Đá Vành Khăn của Việt Nam (Ảnh: CSIS)
Tom Wright, chuyên gia về chính sách đối ngoại ở Viện Brookings Mỹ, bình luận: "Các đồng minh của Mỹ ngày càng lo ngại bởi Trung Quốc như được 'tiếp sức' do Mỹ có phần thụ động trong các vấn đề hàng hải".
"Cuộc tuần tra tự do hàng hải [của tàu Dewey], diễn ra chỉ 1 tuần trước sự kiện quan trọng của các Bộ trưởng quốc phòng ở Singapore, sẽ được xem như một sự giải tỏa cho cả khu vực," Wright nói, đề cập đến Đối thoại Shangri-La tổ chức ở Singapore từ ngày 2 đến ngày 4/6.
Trong cuộc tiếp xúc đầu tiên giữa Trump và Tập Cận Bình, lãnh đạo Mỹ-Trung chủ yếu tập trung xây dựng "mối quan hệ lớn" và hướng giải quyết căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.
"Đồng minh Mỹ sẽ thấy bảo đảm hơn khi chứng kiến sự tái khởi động chiến dịch tự do hàng hải ở biển Đông," Andrew Shearer - cựu Cố vấn an ninh quốc gia Australia, hiện là thành viên Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), Mỹ - nhận định.
"Tự do hàng hải ở Tây Thái Bình Dương là điều hết sức quan trọng để có thể đánh đổi cho sự hợp tác mơ hồ của Trung Quốc về các vấn đề khác, ngay cả là một vấn đề cũng rất quan trọng như Triều Tiên."
Đây cũng là lần đầu tiên chiến hạm Mỹ tuần tra khu vực 12 hải lý của Đá Vành Khăn. Trong các cuộc tuần tra trước đây do chính quyền Obama tiến hành, tàu Mỹ đã tiến vào khu vực 12 hải lý của Đá Subi và Đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép.