Chính phủ Tây Ban Nha quản lý trực tiếp Catalonia, dọa sa thải công chức không đi làm

Tất Đạt |

Nhóm quan chức ủng hộ cuộc biểu tình giành độc lập đã kêu gọi người dân Catalonia bất tuân chính quyền trung ương.

Thước đo ảnh hưởng

Mức ảnh hưởng của chính quyền trung ương Tây Ban Nha (TBN) lên Catalonia sẽ được xác định vào ngày đầu tiên của tuần này, tức thứ Hai (30/10 giờ địa phương), khi các chính trị gia và những công chức nhà nước đi làm.

Giữa giai đoạn Catalonia tuyên bố độc lập và TBN tước quyền tự trị của xứ này, phản ứng của người dân sẽ là điều tối quan trọng đối với các bên liên quan.

Hôm 29/10 vừa qua, hàng trăm nghìn người phản đối Catalonia ly khai đã đổ xuống đường phố Barcelona. Trước đó, những người ủng hộ TBN thống nhất chưa từng có cuộc biểu tình quy mô lớn như vậy.

Hôm thứ Sáu, 27/10, Thượng viện TBN thông qua đề xuất của Thủ tướng Mariano Rajoy về việc để chính quyền trung ương trực tiếp quản lý Catalonia. Theo đó, nghị viện và nội các Catalonia hiện tại bị giải thể và một cuộc bầu cử sớm sẽ được tổ chức vào 21/12 để chọn ra người điều hành mới.

Tuy nhiên, những thành viên cấp cao nhất của chính quyền Catalonia, bao gồm Thủ hiến Carles Puigdemont và Phó Thủ hiến Oriol Junqueras, phản đối yêu cầu của Madrid và khẳng định chỉ người Catalonia mới có thể tước quyền của họ.

Chính phủ Tây Ban Nha quản lý trực tiếp Catalonia, dọa sa thải công chức không đi làm - Ảnh 1.

Những người phản đối Catalonia ly khai tại Barcelona. Ảnh: Reuters

Nhóm quan chức ủng hộ cuộc biểu tình giành độc lập đã kêu gọi người dân Catalonia bất tuân chính quyền trung ương, đưa ra những hướng dẫn chi tiết cho 200.000 công chức làm việc tại Catalonia cách phản kháng.

Hầu hết các công chức bắt đầu ngày làm việc vào lúc 9 giờ sáng. Nếu quá nhiều người không đi làm theo quy định, điều này có thể sẽ khiến chính quyền Madrid lo ngại về tầm ảnh hưởng của TBN lên xứ Catalonia.

Thay đổi bộ máy cầm quyền

Liệu các quan chức chính phủ cấp cao và những nhà lập pháp tuyên bố Catalonia độc lập có thể tới văn phòng và có bị cảnh sát địa phương bắt hay không vẫn còn là câu hỏi bỏ ngỏ.

Tờ báo La Vanguardia cho biết sau hôm 29/10, các thành viên nghị viện Catalonia đã rời nơi làm việc, và hiện tại các khu vực này đã nằm trong quyền kiểm soát của chính phủ.

Cuối tuần qua, các Bộ trưởng TBN cho biết công chức Catalonia nên tuân thủ quy định của trung ương. Những người phản kháng sẽ đứng trước nguy cơ mất việc làm.

Chính phủ Tây Ban Nha quản lý trực tiếp Catalonia, dọa sa thải công chức không đi làm - Ảnh 2.

Bên ngoài trụ sở của chính quyền địa phương Catalonia. Ảnh: Reuters

Bộ Nội vụ TBN cũng đã bổ nhiệm cảnh sát trưởng mới có tên Ferran Lopez, một quan chức cấp cao của Mossos d'Esquadra (tên gọi chính thức của cảnh sát Catalonia). Sau khi nhậm chức, ông Lopez yêu cầu hơn 17.000 sĩ quan địa phương không nên kích động và tốt nhất giữ thái độ trung lập.

Trong một bức thư gửi hôm 29/10, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Juan Ignacio Zoido đã ca ngợi cảnh sát Catalonia vì hoàn thành trọng trách và thúc giục họ chấp nhận quyền điều hành từ Madrid.

"Chúng ta đã mở ra một chương mới trong lịch sử. Lực lượng Mossos d’Esquadra sẽ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ của mình với nghĩa vụ là cảnh sát của xứ Catalonia," ông Zoido viết.

[VIDEO] Thời điểm nghị viện Catalonia thông qua quyết định tuyên bố ly khai khỏi Tây Ban Nha

Một phép thử nữa cho ảnh hưởng của chính phủ TBN chính là liệu các công ty Catalonia có tiếp tục rút khỏi khu vực này và xin đăng kí hoạt động tại những nơi khác ở TBN hay không.

Trước đó, chính quyền Madrid đã nhận được sự hỗ trợ từ nhiều doanh nghiệp địa phương để đưa ra quyết định điều hành trực tiếp Catalonia, giúp nhiều công ty tiếp tục ở lại, kinh doanh ổn định trong khu vực.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại