Đối đầu trực diện
Từ thế kỷ thứ 17 cho tới hiện tại, xứ Catalonia tiến hành cả thảy 5 lần thực hiện ý nguyện độc lập với Tây Ban Nha. Nhưng ở bốn lần trước mà riêng đầu thế kỷ 20 đã hai lần vào năm 1931 và 1934, mục tiêu đặt ra đối với người Catalonia chỉ là một "nhà nước độc lập" hoặc một "nước cộng hoà độc lập" trong khuôn khổ thể chế nhà nước liên bang ở Tây Ban Nha.
Lần này, xứ Catalonia đi xa hơn mọi lần trước với việc khởi động quá trình thành lập nước "Cộng hoà Catalonia" độc lập, tức là tách khỏi hoàn toàn Tây Ban Nha, ly khai dứt khoát Tây Ban Nha. Nghị viện xứ này đã ra nghị quyết như thế và cho dù thời điểm cụ thể nghị quyết này có hiệu lực chưa được xác định thì trên danh nghĩa xứ Catalonia cũng đã tuyên bố độc lập.
Ở cả 4 lần trước, "Nhà nước Catalonia" hoặc "Nước Cộng hoà Catalonia" đều chỉ tồn tại được có vài ngày. Lần này, người Catalonia khó lòng có thể đi xa hơn được nữa.
Quyết định nói trên của chính quyền và nghị viện Catalonia được đưa ra để đi trước việc chính phủ Tây Ban Nha truất quyền tự trị hiện có của Catalonia, giải tán nghị viện Catalonia và hạ bệ chính quyền Catalonia với thủ hiến Carlos Puigdemont và khoảng 150 quan chức.
Vào thời điểm ấy, thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy đã đề nghị Thượng viện nước này phê chuẩn đề nghị của chính phủ kích hoạt điều 155 trong hiến pháp hiện hành của Tây Ban Nha về phế truất chính quyền tự trị và áp đặt cai trị ở những vùng tự trị chủ trương ly khai như Catalonia.
Phe ly khai ở Catalonia và chính phủ của ông Rajoy giống như hai con tầu quyết tâm lao trực diện vào nhau, như hai con dê cùng muốn qua chiếc cầu độc đạo mà không chịu nhường nhau. Bi kịch chính trị, pháp lý, xã hội và cả tâm lý con người ở đất nước này bị đẩy lên cao trào.
Thời điểm Catalonia tuyên bố độc lập, bi kịch của đất nước Tây Ban Nha đã bị đẩy lên cao trào. Ảnh: Reuters
Phía trước là bi kịch
Không phải là bi kịch đối với cả Catalonia lẫn Tây Ban Nha sao khi cả hai phía đều thắng đấy mà thua đấy. Bi kịch đối với Catalonia là muốn độc lập mà không được, quyết tâm thực hiện ly khai khỏi Tây Ban Nha mà rồi không thành công mà còn bị mất, cho dù có thể chỉ tạm thời, cả quyền tự trị hiện có.
Bi kịch của đất nước Tây Ban Nha là gần nửa thế kỷ sau khi khôi phục nền dân chủ mà vẫn không hoá giải được mối bất hoà, không xoá bỏ được khoảng cách giữa Catalonia và phần còn lại của đất nước, không làm nguôi ngoai được ý nguyện muốn độc lập của xứ Catalonia, không thuyết phục được người Catalonia nhận thấy rằng họ có tương lai tươi sáng hơn khi là bộ phận của Tây Ban Nha chứ không phải khi ly khai và trở thành nhà nước độc lập riêng.
Bi kịch đối với đất nước này là lần đầu tiên phải kích hoạt điều 155 nói trên, là việc hai bên đã xô đẩy nhau đi quá xa nên không bên nào còn có thể và còn muốn lùi được nữa.
Ông Puigdemont đã thành công khi khuấy động phong trào ly khai ở Catalonia đến mức độ hiện tại, khi biến chuyện ly khai của xứ này trở thành sự kiện của thế giới, khi tuyên bố độc lập cho Catalonia. Nhưng xem ra không đi xa được hơn nữa.
Ông Rajoy thành công khi dùng hiến pháp để bảo tồn sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, khi ép buộc phe ly khai phải đi vào khuôn phép của hiến pháp, nhưng hoàn toàn không thu phục được phe ly khai, tức là hoàn toàn chưa giải quyết được ổn thoả, dứt điểm và lâu bền chuyện ly khai của xứ Tây Ban Nha.
Các đồng minh và đối tác bên ngoài của ông Rajoy tuy ủng hộ ông Rajoy về chính trị và pháp lý quốc tế, nhưng lại không đồng tình với cách xử lý cứng nhắc và giáo điều của người này trong lần bùng phát khủng hoảng này ở Tây Ban Nha. Đối với cả hai bên, cái thắng lợi hiện tại và trước mắt chưa thể đủ để đàm bảo cho thắng cử cả về lâu dài.
Bi kịch bị đẩy lên cao trào bởi cả hai phía là phe ly khai ở Catalonia và chính phủ của ông Rajoy. Nhưng cả Vua Felippe của Tây Ban Nha và EU cũng đều đã đóng vai trò chẳng xây dựng gì, với thái độ thiên lệch hẳn về phía ông Rajoy đã kích động gia tăng căng thẳng và đối đầu giữa chính quyền xứ Catalonia và chính phủ trung ương ở Tây Ban Nha nhiều hơn là trung gian hoà giải giúp hai phía tìm kiếm giải pháp chính trị và pháp lý thoả đáng nhất.
Chính phủ Tây Ban Nha đã ấn định tiến hành bầu cử nghị viện mới ở Catalonia vào ngày 21.12 tới. Phe ly khai bị đẩy vào tình thế khó xử bởi nếu tham gia cuộc bầu cử này thì nghiễm nhiêm bị coi là chịu thuần phục chính quyền trung ương, nhưng nếu không tham gia thì sẽ không có chân trong nghị viện mới và như vậy mọi thành quả đã đạt được cho tới nay với phong trào ly khai sẽ bị nhanh chóng huỷ hoại.
Nhưng cả phía chính phủ trung ương và phe không ủng hộ ly khai ở Catalonia cũng khó xử bởi biện pháp hành chính cưỡng bức của điều 155 kia giúp đất nước bảo tồn được sự toàn vẹn lãnh thổ nhưng không đưa lại hoà giải và hoà hợp dân tộc và cuộc bầu cử mới không có sự tham gia của phe ly khai ở Catalonia thì tính đại diện và hợp pháp của nghị viện mới cũng không thể được đảm bảo. Cho nên mới nói phía trước là bi kịch chính trị, pháp lý và xã hội mới đối với Catalonia và Tây Ban Nha.