“Chính phủ giờ phải là người tiêu dùng lớn nhất"

Minh Đức |

BizLIVE trò chuyện với TS. Nguyễn Đức Kiên - Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ về tình hình và triển vọng kinh tế vĩ mô Việt Nam.

Năm 2020 đang trở nên đặc biệt với tác động bất thường, rộng lớn và kéo dài của đại dịch Covid-19. Trước tác động đó, kinh tế Việt Nam được đánh giá đang là điểm sáng trên toàn cầu.

Nhưng, còn nhiều vấn đề đặt ra, thử thách và những yếu tố khó lường phía trước. Những kinh nghiệm rút ra sau 8 tháng đặc biệt vừa qua khi nhìn về kết quả điều hành của Chính phủ cần những hiệu chỉnh gì, tiếp tục những gì?

BizLIVE có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Đức Kiên - Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ xoay quanh những câu hỏi trên.

“Chính phủ giờ phải là người tiêu dùng lớn nhất - Ảnh 1.

Thưa ông, năm 2020 trở nên đặc biệt với tác động sâu rộng, phức tạp và lâu dài của dịch Covid-19. Kinh tế Việt Nam đã trải qua 8 tháng đầu năm như thế nào, qua góc nhìn của ông?

8 tháng đầu năm nay, nền kinh tế vừa có “điểm tối” vừa có “điểm sáng”, đan xen nhau.

Tác động tâm lý xã hội bởi dịch bệnh tương đối nặng. Lúc đầu người ta chưa hiểu hết, chờ vắc xin, coi vắc xin như một “liệu pháp thần kỳ” để giải tỏa hết cả. Nhưng đến giờ ngày càng hiểu hơn về các chủng virus thì chúng ta thấy rằng vắc xin cũng không hoàn toàn là liệu pháp thần kỳ, có hiệu quả ngay lập tức. Để đạt được “miễn dịch trong cộng đồng” thì sẽ phải cần có nhiều thời gian. Đấy là với giả thiết vắc xin đã có và có hiệu quả.

Chúng ta cần một quỹ thời gian để triển khai vắc xin đó ra cộng đồng. Cần bao nhiêu lâu? Quốc tế còn chưa có câu trả lời. Việt Nam thì mới đặt vấn đề đàm phán để có vắc xin sớm nhất.

“Chính phủ giờ phải là người tiêu dùng lớn nhất - Ảnh 2.

Và phải lưu ý là trên thế giới cũng đang xuất hiện xu hướng tiếp cận vắc xin dưới góc độ dân tộc chủ nghĩa, phổ cập trong nước xong thì mới tiếp tục bán cho các nước đồng minh, coi đó như một công cụ ngoại giao, chính trị…

Còn về kinh tế, với Việt Nam chúng ta thấy kinh tế vĩ mô ổn định. Tuy gặp khó khăn, nhưng nhiều chỉ tiêu vẫn đảm bảo. Bơm tiền và hút tiền về vẫn hợp lý. Cho nên giá cả không bị đẩy lên.

Rất nhiều quốc gia trên thế giới cũng ở trong hoàn cảnh chưa có vắc xin giống như Việt Nam, kéo theo đó tình hình kinh tế cũng đối diện nhiều vấn đề bất ổn. Theo ông, tại sao chúng ta vẫn giữ được ổn định trong bối cảnh đó?

Có một đặc thù của Việt Nam là lĩnh vực nông nghiệp. Thời gian qua đó chính là bệ đỡ lớn trước khó khăn. Xuất khẩu nông nghiệp thời gian qua tương đối tốt. Nó đóng góp vào GDP không quá lớn, tỷ trọng khoảng 16-17%, nhưng quan trọng là đóng góp vào việc làm và an sinh xã hội trong bối cảnh tác động của Covid-19.

Như vậy chúng ta thấy kinh tế Việt Nam giữ được ổn định. Tăng trưởng tín dụng vẫn nằm trong phạm vi 10% dự kiến năm nay. Lạm phát bình quân 8 tháng vẫn trong tầm kiểm soát.

“Chính phủ giờ phải là người tiêu dùng lớn nhất - Ảnh 3.

Như ông nói ở trên, về việc bơm - hút tiền hợp lý. Tại phiên họp vừa rồi Thủ tướng cho biết dự trữ ngoại hối đã đạt khoảng 92 tỷ USD. Tính toán tương đối thì từ đầu năm đến nay lượng mua ròng có thể lên tới 12 tỷ USD, đồng nghĩa với gần 280.000 tỷ đồng cung ứng. Nếu quan sát ở kênh chủ yếu trước đây để trung hòa thì Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa phát hành tín phiếu hút bớt tiền về. Điều này có thể xem là tiền cung ứng tạo điều kiện để giảm lãi suất. Ông nhìn về dòng chảy này như thế nào, cũng như diễn biến lãi suất thời gian qua?

Nếu theo số liệu đấy và theo như bạn nói, thì câu hỏi là tiền ấy nó đi đâu? Nó trôi trên thị trường à? Với lượng tiền như vậy thì nó có tác động chứ. Lạm phát vẫn ở mức chúng ta kiểm soát được. Thị trường chứng khoán vẫn gần 900 điểm…

Ở đây chúng ta phải nói là cơ quan điều hành chính sách tiền tệ đã có những động tác điều chỉnh và xử lý. Như giảm lãi suất điều hành. Ảnh hưởng của nó không lớn, nhưng là tín hiệu mạnh mẽ để các tổ chức tín dụng, các tổ chức kinh tế thấy rằng nếu không tiết giảm chi phí, cùng giảm lãi suất thì Ngân hàng Nhà nước sẽ “rắn” hơn nữa trên thị trường 2 (thị trường liên ngân hàng - PV).

Bằng những biện pháp như vậy, cũng như với Thông tư 01 của Ngân hàng Nhà nước (về hỗ trợ vay vốn, cơ cấu lại nợ - PV)… thì cùng xử lý được nguồn tiền, chứ không phải chỉ mỗi động tác bơm ra để mua ngoại tệ xong rồi lại hút về qua tín phiếu. Khi thị trường càng phát triển, việc điều hành chính sách tiền tệ càng có nghề hơn.

Như vậy có thể hiểu lượng tiền nói trên đang ngấm vào thị trường…

Nó đã và đang ngấm vào những ngóc ngách. Không phải ngẫu nhiên mà thị trường bất động sản vẫn không hạ giá. Không phải ngẫu nhiên mà các hoạt động sản xuất kinh doanh của nền kinh tế nói chung vẫn giữ được. Nếu không giữ được thì làm sao đạt được xuất khẩu.

Chúng ta đang nhìn Covid-19 tác động lên con người. Sau đó “automatic” di cái nhìn đó sang bên sản xuất hàng hóa. Nhưng sản xuất hàng hóa, như chúng ta thấy, khi nhìn vào lượng hàng đi qua cửa khẩu, các cảng thì vẫn rất đều, mặc dù là sản lượng có ảnh hưởng.

Ví dụ như Samsung, họ vẫn xuất hàng đi lượng lớn. Từ cuối tháng 3, chúng tôi đã có dự báo là lĩnh vực điện tử, điện gia dụng sẽ có cơ hội phục hồi nhanh nhất, bởi vì chưa có khi nào nhu cầu sử dụng cao như bây giờ, do ảnh hưởng của Covid.

“Chính phủ giờ phải là người tiêu dùng lớn nhất - Ảnh 4.

Cùng với dòng chảy trên và điều hành chính sách tiền tệ, điểm quan tâm hiện nay là giải ngân đầu tư công. Ông nhận định thế nào về triển vọng giải ngân?

Quan điểm của tôi, trong 4 tháng cuối năm cũng như 2021-2022, là đầu tư công phải có vai trò dẫn hướng cho nền kinh tế. Chính phủ hiện giờ phải thực hiện vai trò là người tiêu dùng lớn nhất, để định hướng nền kinh tế vượt khó khăn.

Chứ còn cứ để nền kinh tế tự xoay chuyển thì chậm và mất cơ hội. Vì đa phần doanh nghiệp Việt Nam là nhỏ và vừa, nên khả năng tiếp cận thị trường hạn chế.

Bởi vậy, phải có một “ông” hô hào mọi người lên tàu, còn việc tàu chạy thế nào thì Nhà nước chịu trách nhiệm.

Nhưng chỉ “hô hào” mọi người lên tàu thì có lẽ chưa đủ, cần có cả chế tài quyết liệt để thúc đẩy con tàu đầu tư công…

Chúng ta có chế tài cả rồi. Như là cắt và điều vốn đi. Khi đã điều đi thì có nghĩa đầu mối đó không hoàn thành nhiệm vụ.

Vậy có nên có những lo lắng về “hậu kiểm” sau giải ngân không, thưa ông?

Chúng ta đang bị một cái “bệnh” là ngồi dưới gốc cây lo quá cho người trèo trên cây. Đó là tuyệt đối hóa các vấn đề. Cái gì cũng bảo tuyệt đối 100% không được làm sai. Thế thì làm sao làm nổi?

Đến như máy móc được lập trình hiện đại vẫn còn có thể có chỗ hổng. Ngay như Mỹ, quản lý dân số chặt thế, mỗi người có một mã định danh ID, nhưng vừa rồi bơm tiền vẫn ghi nhận nhiều trường hợp bị sai.

Chúng ta phải chấp nhận trong các khoản đầu tư ấy, các dự án ấy, vẫn sẽ có những khoản đầu tư hoặc dự án kém hiệu quả hơn. Chứ đòi hỏi và yêu cầu 100% các khoản, 100% các dự án đều phải “thắng”, thì lại giống nền kinh tế kế hoạch hóa ngày xưa mất rồi.

Vậy theo ông, tới đây liệu chúng ta sẽ có cái nhìn cởi mở hơn về vấn đề này không?

Đây đang là một vấn đề tôi tin là sẽ phải thảo luận.

“Chính phủ giờ phải là người tiêu dùng lớn nhất - Ảnh 5.

Chúng ta đang nhìn về phía trước. Vậy theo ông dự tính thì có những biến số nào có thể cần nhìn tới không, ví như bầu cử Tổng thống Mỹ tới đây có thể ảnh hưởng tới các chính sách, các thị trường, quan hệ thương mại các nước…?

Trước hết phải nói rằng, chưa bao giờ công việc dự báo tình hình lại khó khăn như năm 2020 này. Không phải riêng với dự báo kinh tế Việt Nam, mà các nhà hoạch định, các nhà dự báo đều khó khăn trong dự báo kinh tế thế giới.

Ở đây, hãy nhớ lại điều Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Chúng ta cứ bình tĩnh làm tốt việc của mình, thời cơ đến thì chớp lấy. Còn quan điểm chỉ đạo của Đảng thì vẫn kiên định: ngoại lực là quan trọng, nhưng nội lực là quyết định. Thị trường trong nước vẫn là cứu cánh cho nền kinh tế.

Vì vậy, chúng ta đang điều hành theo hướng tập trung phát triển thị trường trong nước, bao gồm tái cơ cấu ở cấp độ mới. Cùng với đó, chúng ta cũng chú ý xử lý hài hoà các vấn đề phát sinh liên quan tới quan hệ thương mại với các đối tác hàng đầu của Việt Nam. Qua đó cũng góp phần giữ ổn định nền sản xuất trong nước.

Ông có thể nói kỹ hơn về điểm này?

Có một câu chuyện được chú ý vừa qua, song thực chất đã là vấn đề mà năm ngoái chúng ta đặt ra, đó là phải xử lý là tình huống Mỹ có thể đặt Việt Nam vào danh sách giám sát thao túng tiền tệ, thì đến bây giờ mặc dù mua thêm ngoại tệ vào, nhưng Mỹ không đánh giá đấy là thao túng.

Bởi vì, thứ nhất là chúng ta giải thích cho các cơ quan chức năng của Mỹ hiểu đặc thù của Việt Nam, khác với các nước khác. Đó là thị trường kiều hối tương đối lớn.

Còn cán cân thương mại chưa cân bằng với Mỹ thì Việt Nam đang có nhiều biện pháp để thực hiện giảm dần độ lớn mất cân bằng hai chiều.

Bên cạnh đó, chúng ta chủ động liên lạc với cơ quan hải quan, FBI về việc chống gian lận xuất xứ hàng hóa, được họ đánh giá là tương đối tốt.

Đầu mối ở đây là Ngân hàng Nhà nước. Cái chính là bạn hiểu mình, mình hiểu bạn. Cái này ta đang làm rất tốt.

Thứ nữa là sản phẩm của ta là sản phẩm ngách, không đi vào những mảng đang gây ra điểm nóng của thế giới bây giờ, như là sản phẩm công nghệ cao - lĩnh vực đang nằm trong “vòng xoáy” thương chiến Mỹ - Trung.

Đồng thời, có những sản phẩm chúng ta lại nắm được cơ hội, như khẩu trang chẳng hạn, chúng ta sản xuất và chủ động xuất khẩu, cung ứng mạnh ra thế giới trong 2-3 tháng qua. Những sản phẩm và cơ hội như vậy đã giúp giảm bớt những thiệt hại do dịch bệnh gây ra.

“Chính phủ giờ phải là người tiêu dùng lớn nhất - Ảnh 6.

Trở lại với bối cảnh chịu tác động của Covid-19, ông nhìn nhận thế nào về sức đề kháng của nền kinh tế Việt Nam, cũng như hệ thống ngân hàng nói chung? Có thể so sánh với cuộc khủng hoảng tài chính hồi 2008 chẳng hạn…

Đến thời điểm này, ta thấy sức chống chịu của kinh tế Việt Nam so với 12 năm trước đã khá hơn.

Có tới 30,8 triệu lao động bị ảnh hưởng bởi Covid-19, tức là mức độ ảnh hưởng lớn hơn rất nhiều so với hồi 2008 về lao động. Nhưng chúng ta đã xử lý tương đối ổn thỏa, không có những phát sinh xã hội lớn. Lạm phát cũng không vọt lên như trước, giữ được giá hầu hết các mặt hàng, gắn với đời sống người dân tương đối ổn định.

“Chính phủ giờ phải là người tiêu dùng lớn nhất - Ảnh 7.

Tất nhiên, có một số mặt hàng như giá thịt heo tăng lên. Nhưng giá thịt gà, vịt chẳng hạn thì lại đi xuống. Xây dựng nền kinh tế thị trường thì chúng ta chấp nhận giá biến động theo cung - cầu. Nhưng chúng ta còn có định hướng xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, chúng ta đã gỡ một số cơ chế để nhập khẩu heo nguyên con về để bình ổn giá.

Với hệ thống ngân hàng, sau 2008-2009 chúng ta thấy nợ xấu dâng cao, tình huống lúc ấy “ngàn cân treo sợi tóc”. Nhưng đến bây giờ tình hình tương đối ổn. Cũng có thể có ngân hàng gặp khó khăn, nhưng mức độ không đẩy cả hệ thống vào rủi ro như hồi 2010-2011.

Nhưng, hẳn là vẫn còn những tồn tại trong kết quả giữ được ổn định đó và cần tiếp tục xử lý trong điều hành thời gian tới?

Về góc độ lý thuyết điều hành vĩ mô từ giờ đến cuối năm thì có nhiều trường phái.

Có trường phái là phải bơm tiền ra và chấp nhận lạm phát tăng lên. Có trường phái thì cho rằng không thể bơm tiền ra được, nếu bơm nữa thì nền kinh tế không hấp thụ được. Có trường phái khác, sau kinh nghiệm năm 2008 - 2009, cuối cùng thì thấy Nhà nước cần can thiệp vào, và theo đó quan điểm là tăng cường đầu tư công để Nhà nước can thiệp vào thị trường.

Quan điểm chung của Chính phủ đã nêu rõ là vẫn tiếp tục thực hiện mục tiêu kép: phòng chống dịch và đảm bảo chặn đà suy giảm của nền kinh tế. Trên cơ sở của đầu tư công mà chúng ta đã dành vốn gần 700.000 tỷ đồng từ đầu năm, trên cơ sở thành công của nông nghiệp và trên nền của ổn định kinh tế vĩ mô thì chúng ta sẽ đảm bảo thực hiện được nhiệm vụ đó.

Chúng ta không đặt vấn đề tăng trưởng là phải 4% hay 3%, nhưng phấn đấu ở mức tối đa để đảm bảo. Sở dĩ đặt mục tiêu tăng trưởng phấn đấu tối đa là chúng ta kỳ vọng với sức bật sẵn có của nền kinh tế Việt Nam, khi quốc tế khá lên thì mình bắt nhịp ngay.

Trong tương lai gần, doanh nghiệp nói chung vẫn đối diện với nhiều khó khăn do dịch bệnh phức tạp và kéo dài. Vì thế gần đây có một số ý đề cập đến gói hỗ trợ lần 2. Nếu có, theo ông cần định hình thế nào, liều lượng ra sao?

Thủ tướng đang giao cho các bộ ngành liên quan rà soát lại, đánh giá lại tác động của gói hỗ trợ lần 1. Sau đó thì làm việc với các hiệp hội ngành nghề, các đầu mối báo cáo và dự báo các thị trường quốc tế, để từ đó đánh giá, định hình. Nếu thấy trong điều kiện mới cần phải tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn thì Chính phủ sẽ chia sẻ. Như vậy phải xây dựng các chính sách cụ thể.

Việc này sẽ rơi vào năm 2021-2022, vì 2020 vẫn còn gói hỗ trợ chưa triển khai xong. Và theo trình tự, nếu kịp thì báo cáo Quốc hội kỳ họp tháng 10, 11 tới.

Như vậy, nếu có thì phải đợi đến quyết định trong nhiệm kỳ tới?

Tôi nghĩ kinh tế là một dòng chảy liên tục, không cắt ra theo nhiệm kỳ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại