Mới đây, Tổ chức xúc tiến mậu dịch Nhật Bản (JETRO) đã tiết lộ danh sách 30 công ty Nhật Bản rời Trung Quốc, trong số đó có 50% (15 công ty) tới Việt Nam. Ông có nhận xét gì về điều này?
GS Hà Tôn Vinh: Sự kiện 30 công ty Nhật Bản chuyển ra khỏi Trung Quốc là một tin vui cho chúng ta, nhưng chỉ là một phần nhỏ trong bức tranh nhiều doanh nghiệp quốc tế đang rút khỏi quốc gia này. Chúng ta đang nói đến 15 công ty vào Việt Nam thôi, nhưng còn nhiều công ty khác đã và đang đi vào Ấn Độ, Indonesia... từ trước đó. Họ không đi đơn lẻ 1-2 công ty, mà là đi đồng loạt. Không chỉ có Nhật Bản mà cả Hàn Quốc và nhiều nước khác cùng rút khỏi thị trường Trung Quốc.
Chúng ta cần nhìn rõ, đằng sau hiện tượng đó là điều gì, tại sao 30 công ty Nhật Bản lại chuyển khỏi Trung Quốc? Theo tôi, chuyện này gồm có ba yếu tố:
Thứ nhất là do sự hậu thuẫn của Chính phủ Nhật Bản, đã bỏ ra hơn 650 triệu USD để chuyển dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc, nhằm làm giảm sự phụ thuộc và đảm bảo sự ổn định của chuỗi cung ứng cho nước Nhật. Chính phủ Nhật Bản đang kêu gọi các doanh nghiệp trở về Nhật Bản hoặc di chuyển sang các nước khác. Tức là do áp lực, chiến lược của Chính phủ nên các doanh nghiệp Nhật Bản phải rời đi.
Nguyên nhân thứ hai xuất phát từ quyền lợi của các công ty Nhật Bản. Trước đây, từ những năm 2012, ở Trung Quốc đã có rất nhiều cuộc biểu tình chống Nhật Bản vì vấn đề của đảo Điếu Ngư (tiếng Trung Quốc) hay tiếng Nhật gọi là Senkaku. Rất nhiều công ty Nhật Bản chịu áp lực vì người Trung Quốc tẩy chay hàng Nhật Bản.
Năm 2017, ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ, đã đưa ra chiến lược "Làm cho nước Mỹ hùng mạnh trở lại" và "Nước Mỹ là ưu tiên số 1". Từ đó, ông đánh rất mạnh vào vấn đề thâm hụt thương mại với Trung Quốc. Nguyên nhân chính là bởi hàng năm, nước Mỹ đều thâm hụt thương mại với Trung Quốc hàng trăm tỷ đô (năm 2018, mức thâm hụt là hơn 400 tỷ đô). Đây là mối quan hệ thương mại song phương không công bằng, không đúng với ý tưởng của Tổng thống Trump.
Để giảm thâm hụt thương mại, Tổng thống Trump đã đánh thuế nặng đối với hàng hóa từ Trung Quốc, và các công ty Mỹ nếu không về lại Mỹ hay chuyển đi các nước khác cũng sẽ phải chịu thuế cao tương tự. Điều này đã khiến các công ty Mỹ ồ ạt trở về Mỹ hay di chuyển sang các quốc gia khác, kéo các công ty Trung Quốc liên kết hay liên doanh theo họ. Từ đó bắt đầu làn sóng doanh nghiệp đa quốc gia rời khỏi Trung Quốc. Trước đây, vấn đề đảo Điếu Ngư hay Senkaku tuy có gây căng thẳng nhưng không phải vấn đề quá lớn. Mỹ - Nhật – Trung đã có những đàm phán xoa dịu căng thẳng.
Tới đây phải nói thêm về vấn đề chính trị ở biển Đông. Ở giữa biển Đông thì có nhiều nước thân với Mỹ lắm nhưng hầu hết là các nước nhỏ hoặc không có thế mạnh chính trị và quân sự. Philipines từng rất thân Mỹ, Mỹ cũng từng có hai căn cứ không quân và tàu ngầm ở đó nhưng sau này đã rút đi … Tình hình lúc này cho thấy, nước Mỹ đang cần có thêm đồng minh chiến lược tại khu vực giữa biển Đông và các nước cũng cần Mỹ để duy trì ổn định.
Xét từ vấn đề địa chính trị và thuơng mại cũng thấy rõ, khi Mỹ đi thì các công ty của các nước đồng minh cũng phải đi theo, ủng hộ Mỹ. Mà Nhật Bản, Hàn Quốc lại là đồng minh chiến lược của Mỹ. Họ sẽ đi đâu? Đương nhiên phải đi vào chỗ một chỗ yên ổn, trong đó có Việt Nam. Covid-19 ở Việt Nam đã dẹp yên, giờ Việt Nam lại có quan hệ tốt với Mỹ, được Mỹ ủng hộ thì tất lẽ, họ sẽ đi sang Việt Nam.
Thứ ba là quyền lợi của các công ty Nhật Bản. Các công ty sẽ không đi nếu chỉ vì Chính phủ kêu gọi còn họ không có lợi. Mà lợi thì phải đến từ chuyện làm ăn. Kinh doanh thì không gì tốt hơn ở nơi có thị trường ổn định, chế độ chính trị ổn định, nhân công lao động tốt, và sự hiện diện của các công ty Nhật Bản đi trước đã làm cho các công ty đi sau yên tâm.
Khi họ chuyển đến Việt Nam như vậy thì rất tốt cho họ và cho chúng ta. Thứ nhất, tốt cho doanh nghiệp của họ, thứ hai tốt cho địa phương ở Việt Nam có sự hiện diện và đầu tư của doanh nghiệp nước ngoài, thứ ba là tốt cho môi trường đầu tư tại Việt Nam, đó là tín hiệu các nhà đầu tư nước ngoài tin vào chính sách, đường lối của Chính phủ Việt Nam.
Vậy theo ông, trong làn sóng dịch chuyển này, Việt Nam đang vấp phải sự cạnh tranh nào từ các nước trong khu vực?
GS Hà Tôn Vinh: Khi rời khỏi Trung Quốc thì các công ty luôn có sự so sánh, Trung Quốc có gì, Việt Nam có gì. Nói thật, Việt Nam khó có thể so sánh được với Trung Quốc trong những vấn đề đáp ứng nhu cầu sản xuất của các công ty đa quốc gia! Nhưng mình phải nhìn lại câu chuyện kinh tế chính trị. Trung Quốc là nước đang lên, đã vượt nhiều nước, trở thành nước đứng thứ 2 trên thế giới về kinh tế. Khi họ vượt Nhật Bản thì cũng đã có chuyện tẩy chay hàng Nhật Bản, nhưng ở Việt Nam, chắc chắn không có những chuyện đó xảy ra.
Quay lại câu chuyện vì sao các doanh nghiệp quốc tế phải đi khỏi Trung Quốc, chính là vì vấn đề chính trị và thương mại. Bây giờ Chính phủ bảo đi, hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp đi thì tại sao các doanh nghiệp lại không đi? Chúng ta mới nhìn vào 15 công ty vào Việt Nam thôi nhưng còn rất nhiều công ty đi sang các nước khác.
Tuy nhiên, trong làn sóng rời khỏi Trung Quốc này thì đi nước nào lợi hơn? Tôi cho đó không phải Việt Nam mà là Ấn Độ.
Cụ thể, ông Trump đã sang Ấn Độ để phối hợp lập một liên minh mới: Indo-Pacific Strategy (Ấn Độ - Thái Bình Dương). Tiếp nữa, Ấn Độ cũng là nước lớn, đông dân, hơn 1 tỷ dân, mà toàn dân lại nói được tiếng Anh. Bây giờ, thị trường lớn như vậy lại được Mỹ ủng hộ, thì khi các công ty muốn rời khỏi Trung Quốc, họ sẽ đi đâu? Tôi cho rằng đa số sẽ kéo sang Ấn Độ.
Khi có vấn đề chiến tranh thương mại, các công ty rục rịch đi khỏi Trung Quốc, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã viết thư, mời gọi 1.000 công ty nước ngoài ở Trung Quốc dọn sang Ấn Độ. Họ đi trước và chủ động.
Trước khi có thông tin về việc 15 doanh nghiệp Nhật Bản sẽ rời Trung Quốc và đến Việt Nam, thực tế là Chính phủ cũng đã có rất nhiều biện pháp để "làm tổ đón đại bàng". Việc chuẩn bị tốt này có tác dụng hay vẫn do tác động lớn của vấn đề địa chính trị?
GS Hà Tôn Vinh: Cụm từ "làm tổ đón đại bàng" nghe thì rất hay, nhưng hiện thực hoá điều đó thì không dễ.
Thực tế, các nhà đầu tư đến Việt Nam hay là tới đâu thì cũng phải nhìn vào 4 yếu tố. Thứ nhất là rủi ro. Nhà đầu tư sẽ nhìn vào rủi ro trước chứ đừng nghĩ chuyện họ sang đây, mình cứ đánh thuế thấp là họ ưng, mà họ phải nhìn rủi ro ở Việt Nam như thế nào. Rủi ro bao gồm rủi ro chính trị, rủi quốc hữu hóa, rủi ro vì biến động, rủi ro vì áp lực của Trung Quốc...
Thứ hai là lợi nhuận, lợi nhuận được tính bằng doanh thu, lợi nhuận sau thuế. Cái đó rất quan trọng.
Thứ ba là tất cả khung pháp lý để bảo đảm quyền lợi, vị thế của doanh nghiệp trong lâu dài.
Thứ tư là tất cả các vấn đề liên quan đến kinh doanh, sản xuất như nguồn lao động, thuế, trình độ lao động, giao thông vận tải…
Trong vấn đề đầu tiên là rủi ro, dù biết, rủi ro càng cao lợi nhuận càng lớn, nhưng rủi ro vừa phải là tốt nhất. Việt Nam đã vào WTO, ký BTA với Mỹ và rất nhiều hiệp định FTA, các hiệp định bảo hộ sở hữu trí tuệ... Tất cả những cái đó là lợi thế, thu hút doanh nghiệp.
Nhưng mà người đẹp thì nhiều, vấn đề ai mới là Hoa hậu. Bây giờ các doanh nghiệp rời Trung Quốc, họ có nhiều lựa chọn lắm, giữa Việt Nam, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Thái lan... họ chọn ai? Việt Nam đã có nhiều thuận lợi, nhưng thủ tục hành chính còn phiền hà, vẫn còn quan liêu, tham nhũng, các cơ chế còn chưa tối ưu, những cái đó là những cái Chính phủ cần làm để thay đổi.
Thực sự Việt Nam là nước quá nhỏ để thay thế vai trò công xưởng thế giới của Trung Quốc. Nhưng mình cũng phải nhìn nhận, trong quá khứ đã có nhiều cơ hội Việt Nam bỏ lỡ, đây là cơ hội để mình đón thêm các nhà đầu tư vào.
Họ đang muốn đi mà, nhưng mình cũng phải tích cực hơn, phải mời gọi họ tới. Nhân cơ hội này phải làm mạnh. Bây giờ, các Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng, các Đại sứ phải làm công tác giới thiệu Việt Nam đến các công ty, tập đoàn nước ngoài ở Trung Quốc muốn rời đi. Chúng ta chủ động như thế, giống như Thủ tướng Ấn Độ trực tiếp viết thư mời, thì sẽ tạo ra ấn tượng rất khác.
Như ông đã nói, làn sóng các doanh nghiệp rời khỏi Trung Quốc một phần quan trọng là do Tổng thống Donald Trump đã tạo ra nhiều sức ép. Nhưng trong tình hình mới, trước cuộc bầu cử mới ở Mỹ, liệu có sự thay đổi trong thời gian ngắn hay không?
GS Hà Tôn Vinh: Theo tôi, trong tình hình mới, nếu ông Trump có thất cử thì chỉ thất cử vì dịch bệnh, điều mà không ai tiên liệu được. Còn chuyện với Trung Quốc thì đã quá rõ rồi, những thành tựu kinh tế trong hơn 3 năm qua ông Trump làm Tổng thống cũng đã rõ. Chuyện Covid-19 xuất phát từ Trung Quốc cũng là quá rõ.
Nhưng nếu ông Trump thất cử thì chính sách với Trung Quốc có thay đổi không sẽ là vấn đề lớn, không ai biết trước được. Chỉ có điều chắc chắn là, nếu ông Biden lên nắm quyền, thì những gì ông Trump làm có thể sẽ bị xóa bàn làm lại. Giống như ông Trump lên làm Tổng thống đã xóa bỏ bảo hiểm sức khỏe dành cho người nghèo trong chương trình Obama Care.
Dù vậy, nước Mỹ luôn có khái niệm "quyền lợi nước Mỹ là trên hết". Cho nên việc Mỹ có thay đổi chính sách với Trung Quốc hay không, vẫn phải xét trên lợi ích nước Mỹ.
Trước mối quan hệ căng thẳng Mỹ-Trung, liệu kinh tế Việt Nam có lo ngại rủi ro gì không?
GS Hà Tôn Vinh: Trong giai đoạn này, rất nhiều người nói, đây là cơ hội tốt để Việt Nam "thoát Trung". Thực ra, Việt Nam đã ở cạnh Trung Quốc cả nghìn năm nay rồi và ngàn năm sau cũng vẫn thế thôi, nên đừng vội nghĩ đến chuyện "thoát Trung". Vấn đề là mình hợp tác thế nào, mình làm sao vừa hợp tác vừa giữ được sự toàn vẹn lãnh thổ.
Xét về kinh tế, chúng ta có nhiều cửa khẩu với Trung Quốc, bán hàng cho Trung Quốc rất nhiều, và thâm hụt thương mại với Trung Quốc cũng rất nhiều (gần 6 năm (2013-quý I/2018, Việt Nam thâm hụt thương mại với Trung Quốc khoảng 150 tỷ USD, bình quân khoảng 25 tỷ USD/năm). Nhưng chúng ta không thể không thương mại với họ. Cửa khẩu với Trung Quốc chỉ cần họ đóng 1 ngày thôi, nước ta cũng đã thiệt hại nhiều rồi.
Trong khi đó Việt Nam thặng dư thương mại với Mỹ rất nhiều. Vậy muốn giữ quan hệ với Mỹ, phải mua hàng Mỹ nhiều hơn. Mà hàng Mỹ tưởng đắt nhưng lại không đắt. Giá vừa phải mà chất lượng tốt. Trong khi hàng Trung Quốc tuy rẻ nhưng chất lượng kém, phải mua lại nhiều lần. Càng mua nhiều càng thâm hụt thương mại.
Nhưng lãnh đạo Việt Nam rất hay ở chỗ, họ giữ được quan hệ hòa thuận với Trung Quốc trong bao nhiêu năm, quan hệ với Mỹ cũng ngày càng đằm thắm hơn, mạnh dạn hơn. Điều đó giống như một đòn gánh, người đi bán hàng thì phải cân bằng chiếc đòn gánh mới đi được.
Hiện tại kinh tế Việt Nam đang tốt lên, bền vững, nhưng quy mô kinh tế vẫn còn nhỏ. Thứ hai là chất xám sản phẩm trong sản phẩm còn ít, gia công nhiều. Cái đó phải thay đổi.
Tôi từng đi làm thuê cho người Mỹ đó, nhưng đi làm để học hỏi tại sao họ giàu, họ có gì hơn mình? Còn nếu đi theo họ chỉ để làm thuê cho họ thì suốt đời sẽ làm thuê cho họ. Nhưng ở Việt Nam, tôi thấy lạ là mọi người cứ khuyến khích sinh viên hay người trẻ khởi nghiệp trong khi chưa có đủ kiến thức, kinh nghiệm. Đáng lẽ là phải khởi nghiệp sau khi đã có thời gian đi làm thuê, có kinh nghiệm, mối quan hệ.
Vậy thì nhân cơ hội các doanh nghiệp vào Việt Nam thì chúng ta phải tranh thủ học hỏi họ, rồi cũng phải làm chủ chứ đừng nghĩ đến chuyện chỉ làm thuê cho họ.
Bây giờ, phát triển kinh tế Việt Nam đã tăng 6 bậc, nhưng để sánh với các nước lớn thì vẫn còn chặng đường dài. Nước ta muốn vươn cao thì phải có tiền, có công nghệ và có nhân sự tốt. Đó là chặng đường lâu dài, chứ không phải một sớm, một chiều.
Quản Trọng (Tể tướng nước Tề) khi nói về nghệ thuật trị nước đã đáp lời vua nước Tề rằng: "Nhất niên chi kế, mạc như thụ cốc (kế hoạch 1 năm không gì bằng trồng lúa), thập niên chi kế, mạc như thụ mộc (kế hoạch 10 năm không gì bằng trồng cây), bách niên chi kế, mạc như thụ nhân (kế hoạch trăm năm không gì bằng trồng người)".
Cho nên chuyện Việt Nam hùng cường vẫn còn xa lắm. Tiền chúng ta chưa có, công nghệ còn yếu, nhân tài còn ít, làm sao hùng cường ngay được.
Nhưng nhìn vào lịch sử đất nước thì phải nhìn vào chiều dài lịch sử 3.000-4000 năm, từ thời cha ông, từ trong văn hóa Việt Nam. Văn hóa Việt Nam từ bao đời là chất kết dính con người lại với nhau, giúp đất nước phát triển, cái khó là làm sao để phát huy những mặt tốt đẹp ấy trong xã hội hôm nay. Nếu chúng ta mạnh, thì chẳng sợ gì, nhưng nếu chúng ta yếu thì nhìn xung quanh nước nào cũng là đối thủ mạnh, nhìn đâu cũng thấy nhiều rủi ro.