Thời gian gần đây, một thông tin từ NASA đã khiến cho cư dân mạng khắp mọi nơi trên thế giới phải... choáng váng. Đó là các chòm sao sau 3000 năm đã thay đổi cách sắp xếp, đồng thời khẳng định lại sự tồn tại của chòm sao thứ 13 - chòm Xà Phu (Ophiuchus).
Điều này đã dẫn đến một tin đồn rằng cung hoàng đạo của rất nhiều người - ít nhất là 86% người trên thế giới - bị thay đổi.
Thông tin này xuất phát từ một bài viết trên Space Place - một trang web giáo dục dành cho trẻ em thuộc quyền quản lý của NASA. Theo đó, vào 3000 năm trước, người Babylon đã tạo ra các cung hoàng đạo dựa trên việc quan sát sự dịch chuyển của Mặt trời qua các chòm sao trên bầu trời đêm.
Tuy nhiên sau 3000 năm, bầu trời không còn như trước nữa, và nguyên nhân đến từ sự lắc lư của trục Trái đất. Cực Bắc của Trái đất không cố định, mà thay đổi theo từng năm.
Sự dịch chuyển này là rất nhỏ, nhưng sau hàng ngàn năm sẽ tạo ra thay đổi đáng kể. Theo như Christopher Crockett -tiến sĩ chuyên ngành Thiên văn học thuộc ĐH California (Mỹ):
"Vào điểm chí tháng 6 của 2.000 năm trước, Mặt trời nằm ở giữa hai chòm sao Song Tử và Cự Giải. Còn năm nay, mặt trời nằm giữa Song Tử và Kim Ngưu. Đến năm 4609, điểm chí tháng 6 sẽ vượt qua chòm Kim Ngưu và tiến vào chòm Bạch Dương".
Hệ quả là đã có rất nhiều thông tin đã được đưa ra, trong đó dựa trên những thay đổi của NASA để làm ra một hệ cung hoàng đạo mới: gồm 13 cung, và các ngày trong đó đều thay đổi.
Sự xuất hiện của chòm Xà phu (Ophiuchus) có làm thay đổi cách tính cung hoàng đạo?
Và sự thật là?
Sự thật là chính NASA sau đó cũng phải đính chính, bằng cách đặt một dòng tiêu đề rất to, in đậm trên Space Place: Chiêm tinh học (Astrology) KHÁC Thiên văn học (Astronomy). Tức là ta phải hiểu rằng: những thay đổi trong chòm sao của thiên văn không liên quan gì đến cách tính cung hoàng đạo trong chiêm tinh cả.
Chiêm tinh học (Astrology) KHÁC Thiên văn học (Astronomy).
Trước tiên, chúng ta sẽ đi từ chòm sao Xà Phu. Sự thực thì vào 3000 năm trước, người Babylon đã sử dụng lịch 12 tháng (lịch trăng), qua đó ghép mỗi tháng ứng với một mảnh chòm sao.
Tuy nhiên, trong những tài liệu cổ nhất của người Babylon đã ghi nhận rằng bầu trời có 13 chòm sao, không phải 12. Không rõ lý do vì sao họ bỏ qua chòm sao Xà Phu, có lẽ là để cho cách tính được đồng nhất với thời gian 12 tháng.
Xà Phu sẽ không được là cung hoàng đạo thứ 13
Nêu điều này ra để làm gì? Để chúng ta hiểu được rằng chòm sao Xà Phu không phải mới tìm ra gần đây, mà từ 3000 năm trước người Babylon đã biết đến nó. Có điều, họ cố tình bỏ qua.
Và nếu như chúng ta vẫn tin vào cung hoàng đạo theo cách tính của người Babylon từ trước đến nay thì chẳng có lý do gì để nhét thêm chòm Xà Phu vào cả.
Tiếp theo, chúng ta cần làm rõ về cách tính cung hoàng đạo. Sự thật thì đúng như Nasa nói, vị trí các chòm sao có thể thay đổi qua thời gian. Tuy nhiên, chiêm tinh học phương Tây có nền tảng từ hệ thống khác, sử dụng các chòm sao "nhân tạo" thì đúng hơn.
Các nhà chiêm tinh tạo ra một bản đồ các chòm sao bất biến. Do đó, các ngày tương ứng trong đó sẽ không bao giờ thay đổi, kể cả khi... trời sập
Thay vì quan sát sự dịch chuyển của các chòm sao, các nhà chiêm tinh dựa trên đường đi của Mặt trời từ vị trí thuận lợi nhất. Họ tạo ra bản đồ sao bất dịch và dựa vào đó để xác định sự dịch chuyển của hành tinh ứng với chúng.
Đó cũng chính là lý do vì sao các ngày ứng với các chòm sao sẽ không bao giờ thay đổi, kể cả... trời sập.
Đến khoảng năm 100 TCN, Ptolemy - nhà toán học và chiêm tinh học vĩ đại đã tạo ra Cung hoàng đạo nhiệt đới - một hệ thống cố định không bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi của các chòm sao hay trục Trái đất.
Có điều Ptolemy lại đặt tên các cung hoàng đạo theo đúng tên các chòm sao, khiến cho các thế hệ sau này nhầm lẫn như chúng ta ngày hôm nay.
Nguồn: Elle, Science Alert