Các nhà khoa học mới đây đã công bố bộ xương cốt hóa thạch của một con chim cánh cụt khổng lồ có kích thước gần như ngang bằng một người trưởng thành. Bộ xương cốt này của con chim được tìm thấy ở South Island, New Zealand.
Theo các nhà nghiên cứu, con chim cánh cụt này có chiều cao lên tới 1,6 mét và nặng khoảng 80kg. Như vậy chim cánh cụt cổ đại nặng hơn gấp 4 lần và cao hơn 40cm so với chim cánh cụt hoàng đế hiện tại (1,2 mét).
Hóa thạch của loài chim cánh cụt cổ đại có tên gọi crossvallia waiparensis, thuộc danh sách megahauna (những loài có kích thước khổng lồ). Nó từng sống ở bờ biển New Zealand trong kỷ nguyên Paleocene, kéo dài từ 66 đến 56 triệu năm trước.
Thời đó cũng xuất hiện nhiều loài thú có túi khổng lồ, ví dụ như chuột túi hoặc các loài sinh vật kỳ lạ khác như sư tử có túi, rắn, thằn lằn và chim khổng lồ. Đặc biệt có cả những con vẹt lớn nhất thế giới, đại bàng khổng lồ hay loài dơi đào hang. Chúng từng sống cách đây khoảng 11 triệu năm nhưng giờ thì đã tuyệt chủng.
Có một số lý do dẫn tới việc các loài này bị tuyệt chủng, nhưng nguyên nhân hàng đầu được chỉ ra là do yếu tố môi trường và sinh thái thay đổi thời kỳ mở đầu kỷ băng hà gần đây nhất.
Hồi năm ngoái, một thợ săn hóa thạch nghiệp dư, Leigh Love đã tìm thấy xương chân của loài chim tại một địa điểm ở Waipara Greensand, New Zealand. Hiện tại nó đã được xác nhận là một loài mới trong nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Palaeontology.
Mô phỏng hình dáng và kích thước của loài chim cánh cụt thời cổ đại
Hóa thạch xương của loài chim cánh cụt xưa
Tiến sĩ Paul Scofield, người phụ trách bảo tàng lịch sử tự nhiên Canterbury cho biết, việc tìm thấy hóa thạch của nhiều loài chim, trong đó có cả chim cánh cụt khổng lồ ở New Zealand cho thấy mối liên hệ chặt chẽ giữa quốc gia này và lục địa băng giá nhất hành tinh.
Scofield cho biết: "Khi các loài Crossvallia còn sống, New Zealand và Nam Cực rất khác so với ngày nay. Nam Cực khi đó còn bao phủ bởi các cánh rừng và cả hai đều có khí hậu ấm áp hơn nhiều".
Trước đây, các nhà khoa học dự đoán, chim cánh cụt khổng lồ chết vì sự xuất hiện của các loài săn mồi dưới biển có kích thước khổng lồ, ví dụ như hải cẩu hay cá voi có răng.
Một phát hiện tình cờ trong một hang động ở Crimea hồi đầu năm nay cho thấy những người Châu Âu đầu tiên sống cách đây khoảng 1,5 triệu năm trước đã sống chung với một số loài chim lớn nhất trên Trái Đất.
Một con chim khổng lồ ngày xưa lớn gấp 3 lần một con đà điểu và có trọng lượng tương đương một con gấu Bắc cực trưởng thành từng sống ở Châu Âu.
New Zealand nổi tiếng là vùng đất có nhiều loài chim đã tuyệt chủng, bao gồm loài chim moa không biết bay, cao tới 3,6 mét hay đại bàng Haast có sải cánh lên tới 3 mét.
Tham khảo Dailymail