Tôm hùm là một món ăn phổ biến tại Phương Tây, nếu không muốn nói là loại thực phẩm xa xỉ với nhiều người do mức giá cả đắt đỏ của nó.
Tuy vậy, có một sự thực trớ trêu là tôm hùm từng được coi là thực phẩm rác chỉ để làm phân bón và cho tù nhân ăn với biệt danh "gián biển". Thậm chí vào những ngày đầu của thời kỳ xâm chiếm thuộc địa, những nhà tù của đế quốc Anh được yêu cầu hạn chế cho tù nhân ăn tôm hùm bởi món ăn này được coi là "thô bỉ và bất thường" với người dân thời đó.
Món ăn rác
Hiện có rất nhiều bằng chứng cho thấy tôm hùm đã được dùng làm thực phẩm ở Châu Âu từ rất lâu trước khi Châu Mỹ được phát hiện. Tuy nhiên, do công nghệ bảo quản còn thấp nên phần lớn chúng được tiêu thụ tại các vùng biển trong khi lại bị những người dân xa bờ từ chối.
Nguyên nhân chính là khi tôm hùm chết, chúng tiết ra một loại enzym phân hủy khiến cơ thể bốc mùi thối. Đây là lý do thời kỳ này tôm hùm thường được nấu sống trong khi những con chết bị vứt đi.
Đến khi lục địa Châu Mỹ được phát hiện, những người Anh di cư phát hiện lượng lớn tôm hùm chết dạt trên bờ ở lục địa này. Tuy nhiên người dân thời đó vẫn coi chúng trở thành một nguồn cung cấp Protein dồi dào cho đất trồng.
Bên cạnh đó, những trận bão lũ cũng khiến rất nhiều tôm hùm bị dạt lên bờ và trở thành thực phẩm tươi sống cho người di cư. Dẫu vậy, những con tôm chết lại tạo nên mùi thối và khiến người dân nơi đây dần trở nên dị ứng với món tôm hùm.
Dần dần, tôm hùm trở thành món ăn chỉ sử dụng khi quá đói, hoặc cho những người dân nghèo thuộc tầng lớp hạ đẳng. Còn lại, đa phần loại thực phẩm này được dùng cho phân bón hoặc thức ăn chăn nuôi.
Vào năm 1622, Thống đốc William Bradford của Plymouth Plantation đã phải thừa nhận một cách xấu hổ rằng những tù nhân mới của họ chỉ được ăn tôm hùm với nước lọc. Sau đó chính quyền tại đây đã buộc phải ký cam kết không được phục vụ tù nhân món tôm hùm quá 3 lần mỗi tuần.
Trong khi đó, những công nhân ở thành phố Boston đã phải xuống đường biểu tính chống đế quốc Anh vì họ phải ăn món tôm hùm hơn 3 lần mỗi tuần. Tồi tệ hơn, những người bồi bàn thời đó phải ra điều kiện với ông chủ rằng họ không thể ăn món tôm hùm quá 2 lần mỗi tuần.
Trở thành món ăn hạng sang
Vào thập niên 1860, thực phẩm đóng hộp được phát triển và tôm hùm đóng hộp là một trong những loại sản phẩm dễ dàng sản xuất nhất. Với giá thành rẻ, chúng được nhiều người dân nghèo trong xã hội ưa chuộng.
Vào năm 1836, hãng Burnham&Morrill thành công trong việc đóng hộp tôm hùm, vốn rất thừa thãi ở vùng Maine và Massachusetts, cũng như quảng bá cho sản phẩm này. Tuy vậy nhiều người dân Mỹ vẫn sử dụng chúng như thực phẩm để bón cho mèo. Vào đầu thế kỷ 19, những người công nhân ở Boston có thể mua 1 hộp tôm hùm chế biến sẵn với giá 11 cent, thậm chí rẻ hơn 12 hộp đậu chế biến sẵn với giá 53 cent.
Dần dần món tôm hùm đóng hộp được phổ biến và quen thuộc hơn với người dân Mỹ khi rất nhiều nhà máy đóng hộp sản xuất loại thực phẩm này. Đến năm 1850, các nhà hàng bắt đầu phục vụ món tôm hùm kèm sa lát, một minh chứng cho sự chấp nhận loại thực phẩm này ở tầng lớp trung và thượng lưu.
Bên cạnh đó, sự phát triển của đường sắt và đường thủy cũng khiến món tôm hùm đóng hộp được ngày càng nhiều người dân xa bờ thưởng thức.
Các công ty cũng phục vụ món tôm hùm đóng hộp trên các chuyến tàu bởi giá thành rẻ của chúng và chính điều này khiến rất nhiều thực khách chưa từng ăn tôm hùm khám phá ra một món ăn thú vị mới.
Dần dần, những người yêu thích tôm hùm đóng hộp bắt đầu tìm đến những vùng sản xuất, thưởng thức tôm hùm tươi đầy thỏa mãn mà quên đi hình ảnh thực phẩm hạ cấp trước đây của chúng.
Do nhu cầu tăng cao, giá loại thực phẩm này cũng đi lên theo và dần trở thành một món ăn hạng sang trên toàn cầu. Đây là phản ứng tự nhiên của thị trường liên quan đến cung cầu. Do sự đánh bắt ngày càng lớn, lượng tôm hùm dần giảm do không đáp ứng được tốc độ gia tăng nhu cầu của thị trường.
Thập niên 1920 là lúc giá tôm hùm lập kỷ lục đầu tiên của mình. Do công nghệ giữ thực phẩm được hoàn thiện nên món ăn này không chỉ được phục vụ rộng rãi trên các chuyến tàu mà còn được quân đội sử dụng như nhu yếu phẩm cho binh lính.
Dẫu vậy, hình ảnh món ăn rác của tôm hùm vẫn chưa hoàn toàn biến mất khi rất nhiều dân nghèo vẫn ăn loại thực phẩm này trong cuộc Đại suy thoái thập niên 1930.
Chỉ đến sau Thế chiến II, sự tiêu thụ quá nhiều tôm hùm khiến số lượng loại thực phẩm này suy giảm và các gia đình mới bắt đầu sử dụng món ăn trên như một biểu tượng của sự cao quý.
Đến thập niên 1950-1960, việc đánh bắt quá nhiều tôm hùm dẫn đến tình trạng thiếu hụt cục bộ và đẩy giá loại thực phẩm này lên mức cao chưa từng có nhưng nhanh chóng được bình ổn những năm sau đó.
Do món ăn này là hàng xa xỉ, không được những quốc gia như Mỹ trợ giá tương tự các mặt hàng thiết yếu như ngô, thịt bò, lúa mạch… nên chúng có biến động khá lớn về giá. Vào năm 2012, sự trỗi dậy của món ăn hạng sang này đã khiến giá tôm hùm tăng tới 18% nhưng nhanh chóng giảm mạnh vào năm tiếp theo.
Đến thời điểm 2015-2016, sự trỗi dậy của tầng lớp trung lưu Trung Quốc kích thích một đợt tăng giá mới của tôm hùm, nhưng chúng cũng nhanh chóng bình ổn khi hàng loạt trang trại nuôi trồng thủy sản chuyển qua tập trung vào loại sản phẩm này, qua đó tăng lượng cung trên thị trường.