Đảo Hans chỉ rộng 320 mẫu Anh, hầu hết là đá trơ trọi, nhưng điều đó không làm nản lòng cả Canada và Đan Mạch. Ảnh: Wikimedia Commons
Đảo Hans là một mỏm đá vôi nhỏ bé nằm ở giữa eo biển ngăn cách Canada với Greenland, truyền cảm hứng cho hai quốc gia hùng mạnh tuyên bố nó là của riêng họ.
Ngày nay, Trái đất vẫn tồn tại nhiều tranh chấp lãnh thổ như thế, nhưng cuộc tranh chấp kéo dài quanh đảo Hans là độc nhất vô nhị, không chỉ vì những bên liên quan và cách thức xử lý, mà còn vì căng thẳng này được tiến hành chủ yếu bằng những công cụ như cờ, rượu và khẩu chiến. Dù vậy, tất cả có thể báo trước một cuộc tranh cãi địa chính trị nghiêm trọng hơn ở Bắc Cực.
Xung đột đảo Hans diễn ra giữa Canada và Đan Mạch – quốc gia tuyên bố chủ quyền với đảo Greenland trong 200 năm qua. Nhưng tại sao hai quốc gia đồng minh NATO lại chiến đấu vì một tảng đá trống không, không mấy giá trị rõ ràng?
Đảo Hans chỉ rộng 1,3km2, không người ở, cũng không có đất đai, cây cối, và không được biết đến là nơi có dự trữ dầu mỏ hay khí đốt.
Tuy thiếu tài nguyên, nhưng đảo Hans lại thừa sự mơ hồ về pháp lý. Nó là hòn đảo nhỏ nhất trong một loạt đảo ở Kênh Kennedy – một phần của eo biển Nares ngăn cách Greenland và Canada – nhưng lại nằm gần như chính giữa.
Theo luật quốc tế, các quốc gia có thể tuyên bố chủ quyền lãnh hải cách bờ biển của họ 12 hải lý (22km). Và do đảo Hans nằm ở khúc hẹp của eo biển Nares, nó nằm trong vùng 12 hải lý của cả Canada và Đan Mạch
Đảo Hans nằm gần như chính giữa eo biển giữa Canada và Greenland/Đan Mạch.
Hòn đảo chia đôi eo biển
Đảo Hans vốn là một phần trong các khu vực săn bắn của người Inuit cổ đại, nhưng ít thu hút sự chú ý của châu Âu hoặc Mỹ trước những năm 1800. Nó được đặt theo tên nhà thám hiểm Hans Hendrik.
Greenland trở thành lãnh thổ của Đan Mạch vào năm 1815, trong khi Canada giành quyền kiểm soát các đảo ở Bắc Cực vào năm 1880.
Tuy nhiên do những giới hạn của việc đo đạc bản đồ trong thế kỷ 19 và sự nguy hiểm của việc đi lại ở Bắc Cực, không quốc gia nào tỏ ra quan tâm nhiều đến đảo Hans, cho đến tận những năm 1920. Đó là khi các nhà thám hiểm Đan Mạch cuối cùng đã lập bản đồ về nó, khiến Hội quốc liên (League of Nations - tiền thân của Liên hợp quốc) vào cuộc. Toà án Công lý Thường trực Quốc tế (PCIJ) của Hội quốc liên đã đứng về phía Đan Mạch vào năm 1933, nhưng sự rõ ràng đó không kéo dài được lâu.
Sau Thế chiến thứ II, Hội quốc liên được thay thế bởi Liên hợp quốc, và toà án PCIJ nhường chỗ cho Toà án Công lý Quốc tế (ICJ).
Một binh sĩ Đan Mạch bên lá cờ cắm trên đảo Hans. Ảnh: Wikimedia Commons
Đảo Hans gần như bị bỏ qua vào thập niên 1950 và 1960, và thời gian trôi đi, các phán quyết từ thời PCIJ (trên thực tế không còn tồn tại) đã mất đi ảnh hưởng. Khi Đan Mạch và Canada đàm phán về các đường biên giới trên biển vào năm 1973, họ đồng ý về một loạt yêu sách lãnh thổ, nhưng đảo Hans không nằm trong số đó.
"Đó là khi mọi thứ trở nên tồi tệ", theo một báo cáo năm 2011 của Viện Kiểm kê Xung đột và Môi trường của Đại học Hoa Kỳ (ICE). Vấn đề đảo Hans “tạo ra căng thẳng trong quan hệ Canada-Đan Mạch và đặt ra những câu hỏi liên quan đến chủ quyền Bắc Cực”.
Nhưng thay vì thực sự chiến đấu, hai nước đã trải qua 30 năm "chiến tranh lạnh" tương đối êm đềm.
Một tấm biển "chủ quyền" được Canada đặt trên đảo Hans vào ngày 12/7/2005.
Cuộc xung đột 'lịch sự'
Năm 1984, quân đội Canada thực hiện một chuyến đi đến đảo Hans. Ngoài việc cắm quốc kỳ Canada trên đá, họ còn để lại một chai rượu whisky Canada. Chỉ một tuần sau, một quan chức Đan Mạch đến thăm hòn đảo, thay lá cờ Canada bằng cờ Đan Mạch và thay chai rượu whisky bằng một chai brandy Đan Mạch. Ông cũng để lại một lời nhắn chào mừng các du khách đến Đan Mạch.
“Mỗi khi quân đội Đan Mạch đến đó, họ để lại một chai Schnapps. Và khi quân đội Canada đến, họ để lại một chai Canadian Club kèm tấm biển ‘Chào mừng đến với Canada’” – nhà ngoại giao Đan Mạch Taksøe-Jensen cho biết.
Kiểu đối đầu đó có vẻ nhỏ nhặt, nhưng lại chín chắn hơn cách xử lý của nhiều cầu thủ bóng đá quốc tế.
Tuy nhiên tranh chấp đảo Hans không phải là trò đùa đối với các nhà lãnh đạo Đan Mạch hay Canada. Chẳng hạn, khi Bộ trưởng Quốc phòng Canada bất ngờ đến thăm hòn đảo vào năm 2005, chuyến đi đã gây phản ứng tức giận từ Đan Mạch.
“Chúng tôi coi đảo Hans là một phần lãnh thổ Đan Mạch, và sẽ gửi công hàm phản đối chuyến thăm không báo trước của bộ trưởng Canada”, ông Taksøe-Jensen phát biểu với Reuters vào thời điểm đó. '
Khi Bắc Cực tan băng
Vậy tại sao đảo Hans lại đáng để tranh giành?
Có thể một phần là niềm tự hào, không quốc gia nào muốn nhượng lại phần lãnh thổ mà họ coi là của mình.
Nhưng như báo cáo của ICE chỉ ra, sự quan tâm ngày càng tăng với tảng đá này liên quan đến một sự chuyển đổi lớn hơn. Bắc Cực đang nóng lên nhanh gấp đôi so với Trái đất nói chung, mở ra các tuyến đường và tài nguyên quý giá từ lâu bị phong toả dưới lớp băng biển.
Đảo Hans có thể không chứa dầu, khí đốt hay các nguồn tài nguyên khác, nhưng riêng vị trí địa lý của nó cũng có thể mang lại những cơ hội kinh tế tiềm tàng, liên quan đến một Bắc Cực băng tan, chẳng hạn một tuyến đường vận chuyển mới và các nguồn năng lượng chưa được khai thác. Điều đó thúc đẩy các quốc gia khẳng định yêu sách lãnh thổ và thiết lập chủ quyền.
"Kết quả của tranh chấp cũng có thể ảnh hưởng đến những bất đồng về chủ quyền ở Bắc Cực trong tương lai” – báo cáo của ICE khẳng định.