Theo báo cáo chính phủ mới được công bố ngày 21/1, kinh tế Trung Quốc chỉ tăng 6,6% trong năm 2018, mức tăng trưởng thấp nhất kể từ năm 1990 và thấp hơn so với tỉ lệ 6,8% trong năm 2017. Có thể thấy rằng sau nhiều năm tăng trưởng cực nhanh, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu chững lại.
“Chúng ta đang thấy rằng đang có những tác động đối với kinh tế khiến nhiều người quan ngại. Tình hình lúc này đang trở nên phức tạp và nghiêm trọng. Nền kinh tế đang có nguy cơ đi xuống”, ông Ning Jizhe, giám đốc Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc nói, mặc dù ông vẫn khẳng định kinh tế Trung Quốc lúc này “nhìn chung vẫn ổn định”.
Những thống kê được nêu ra ở trên, mặc dù đã được dự báo từ trước, cho thấy, Bắc Kinh đang phải chịu thêm sức ép để có được một thỏa thuận với Mỹ nhằm chấm dứt cuộc chiến thương mại hiện tại. “Căng thẳng Trung – Mỹ đúng là đang ảnh hưởng đến kinh tế Trung Quốc, nhưng ảnh hưởng này có thể kiểm soát được”, ông Ning nói.
Thống kê này cũng khiến nhiều người dự báo rằng Trung Quốc có thể sẽ không còn giúp bù đắp tăng trưởng kinh tế toàn cầu sụt giảm như trước đây nữa.
Với việc chính phủ Trung Quốc thực hiện chiến dịch nhằm kiểm soát khối lượng nợ cùng với cuộc chiến thương mại với Mỹ, niềm tin của người tiêu dùng và các nhà đầu tư đã bị giảm sút. Trong vài tháng qua, mức chi tiêu của người tiêu dùng, đầu ra trong ngành sản xuất và đầu tư đều đã ở mức thấp kỷ lục.
Trước mắt, Trung Quốc vẫn chưa thực hiện những biện pháp nhằm thúc đẩy kinh tế mà quốc gia này từng làm vào năm 2009, dẫn đến sự xuất hiện của hàng loạt dự án xây dựng và nhiều khoản nợ xấu mà nhiều công ty và chính phủ phải gánh chịu.
Các nhà phân tích cho biết, không những các biện pháp này sẽ phá hỏng nỗ lực của chính phủ nhằm kiểm soát rủi ro trong thị trường tài chính mà nó sẽ không còn hiệu quả như trước nữa.
“Những số liệu trên cho thấy kinh tế Trung Quốc đang trải qua một thời kỳ đầy thách thức, và nhiều yếu điểm đang bộc lộ ở nhiều ngành khác nhau”, ông Tom Rafferty, nhà kinh tế về Trung Quốc thuộc công ty Economist Intelligence Unit cho biết.
Theo ông Rafferty, Trung Quốc sẽ có những biện pháp thúc đẩy kinh tế thận trọng, và niềm tin của các nhà đầu tư vẫn sẽ tiếp tục mong manh trong lúc căng thẳng thương mại còn tiếp diễn. Ông và nhiều chuyên gia khác dự báo rằng trong năm 2019 tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc sẽ chỉ là 6.3% và sang năm 2020 con số sẽ còn thấp hơn thế nữa.
Nhiều nhà kinh tế thậm chí còn nghi ngờ con số GDP mà Trung Quốc đã công bố, khi cho rằng con số thực sự có thể sẽ chỉ bằng phần nửa. Những số liệu về kinh tế Trung Quốc được đưa ra trong bối cảnh cộng đồng quốc tế đang rất quan tâm đến nước này.
Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc sẽ có chuyến thăm tới Mỹ vào ngày 30 và 31/1 tới để có cuộc đàm phán thương mại với Washington, trong khi đó Phó Chủ tịch Vương Kỳ Sơn sẽ tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos trong những ngày tới.
Cũng có những người cho rằng sự đi xuống của nền kinh tế Trung Quốc có thể không tệ như nhiều người tưởng tượng. Năng suất công nghiệp của Trung Quốc đã tăng 5,7% và lợi nhuận bán lẻ cũng đã tăng 8,2% vào tháng 12/2018 so với cùng kỳ năm trước đó. Các ngành thúc đẩy kinh tế Trung Quốc như xây dựng, bất động sản và xuất khẩu cũng tăng lên vừa phải trong năm 2018, trong khi các ngành công nghệ tiên tiến và dịch vụ tiếp tục phát triển.
“Kinh tế Trung Quốc vẫn đang mở rộng rất mạnh, và nền kinh tế của quốc gia này hiện lớn gấp 3,5 lần so với 10 năm trước đây”, ông Scott Kennedy, một chuyên gia thương mại Trung Quốc thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) tại Washington (Mỹ) cho biết.