Chuyến đi huyền thoại của Tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon "tới Trung Quốc" vào năm 1971 đã chấm dứt sự im lặng thù địch giữa 2 chính phủ. Còn Tổng thống Jimmy Carter đã hoàn thiện mối quan hệ song phương, chính thức công nhận nhà nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Quan hệ chính thức giữa hai nước được thiết lập vào ngày 1.1.1979.
Đây là một hành động gây tranh cãi, ít nhất là đối với những người ủng hộ chính quyền Đài Bắc. Sau chuyến thăm của ông Nixon, Đài Bắc không chỉ mất đi chiếc ghế của mình tại Hồi đồng Bảo an mà còn mất tư cách thành viên tại Liên Hợp Quốc.
Rất nhiều nước quay sang công nhận Bắc Kinh. Sự quay ngoắt của Hoa Kỳ vào năm 1979 khiến cho còn rất ít nước ủng hộ Đài Loan, rất nhiều trong số đó đã từ bỏ chính quyền Đài Bắc.
Bốn thập kỷ trước đây, tiềm lực của Trung Quốc được nhận biết rõ nhưng vẫn còn rất hạn chế và còn nhiều khoảng cách. Khi đó, chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông đã mất được 2 năm. "Bè lũ 4 tên" đã bị bắt nhưng chưa được xét xử.
Ông Đặng Tiểu Bình bắt đầu nắm được quyền lực và việc tái cơ cấu nền kinh tế vừa mới bắt đầu. Việc công nhận Trung Quốc chưa hẳn đã là một sự đầu tư chắc chắn trong tương lai.
Ngay cả trong một thập kỷ sau đó, Trung Quốc vẫn còn là một nước nghèo. Kể cả tại Bắc Kinh và Thượng Hải, đường phố đầy xe đạp và xe scooter. Có những công trình xây dựng mới nhưng không ai có thể hình dung về việc Bắc Kinh thách thức địa vị thống trị toàn cầu của Hoa Kỳ. Khi đó "mối đe dọa Trung Quốc" có vẻ như rất khiêm nhường.
Ông Doug Bandow , cựu trợ lý đặc biệt của Tổng thống Hoa Kỳ Ronald Reagan.
Tới 1.1.2019, Hoa Kỳ vẫn đứng trước về mặt kinh tế, nhưng nếu tính theo sức mua tương đương thay vì tỷ giá hối đoái thì Bắc Kinh đang đứng đầu. Trung Quốc vẫn thua Hoa Kỳ về chi tiêu quân sự nhưng là đất nước đứng thứ 2 thế giới.
Ngay cả trước khi tổng thống Donald Trump tấn công vào thương mại tự do toàn cầu, Trung Quốc đã là quốc gia đứng đầu thế giới về thương mại hàng hóa, vượt xa Hoa Kỳ tại châu Á. Bắc Kinh dùng vòng vây kinh tế để đạt được ảnh hưởng chính trị thông qua các chương trình đầu tư cơ sở hạ tầng trong chiến lược "vành đai - con đường".
Điều tốt đẹp là hàng trăm triệu người đã thoát khỏi cảnh bần cùng hóa. Người Trung Quốc phần lớn được tự do lao động, lập gia đình, du lịch, học tập... Giáo điều và những rào cản khắt khe về chính trị đã bị loại bỏ. Người dân hài lòng về mức độ độc lập cá nhân và sự tự do chưa từng có trước đó.
Nhưng mọi chuyện đang trở nên xấu đi. Mặc dù, chiến thuật thuế quan mà chính quyền của ông Trump áp dụng với Bắc Kinh có thể sai lầm, Trung Quốc đã thao túng luật lệ đầu tư và thương mại, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, triệt hạ các quỹ đầu tư nước ngoài, cưỡng ép chuyển giao công nghệ... Những điều khó có thể dung thứ khi Trung Quốc đang trở nên giàu có và độc đoán hơn.
Hiện tại, chủ tịch Trung Quốc đã loại bỏ giới hạn nhiệm kỳ cho ông Tập Cận Bình. Ông trở thành lãnh đạo quyền lực nhất kể từ thời ông Mao Trạch Đông. Nhưng phương Tây cho rằng, kể từ khi ông lên nắm quyền sự tiếp xúc của Trung Quốc với phương Tây bị giới hạn, việc tái cơ cấu nền kinh tế bị kiềm chế. Chính phủ Trung Quốc cũng gây áp lực với Đài Loan, Hồng Kông...
Hơn nữa, Bắc Kinh trở nên "hung hăng" hơn trong việc tuyên bố chủ quyền trái phép ở những vùng biển Đông Á. Trung Quốc đã tuyên bố chủ quyền phi pháp với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (của Việt Nam), tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) với Nhật Bản, hòng biến toàn bộ khu vực thành "ao nhà" của mình.
Chính phủ Trung Quốc đã từ bỏ chiến lược "trỗi dậy hòa bình" trước đó và sử dụng sức mạnh quân sự nhằm ép buộc quốc tế có những sự nhượng bộ. Một trong những mục tiêu của chiến lược "vành đai - con đường" là tạo ra và tiếp cận các phương tiện bằng giá trị quân sự.
Tổng quan, đây là một phiên bản Trung Quốc khác hẳn so với tháng 1.1979 hay một Trung Quốc được mường tượng khi những quan hệ ngoại giao được thiết lập.
Vấn đề không phải là do mở rộng tự do về kinh tế và sự phồn vinh không tạo ra áp lực quan trọng cho một xã hội tự do hơn; tự do cá nhân được cởi mở hơn nhiều; các cơ hội làm việc và lựa chọn về kinh tế được nhân lên nhiều lần; tự do tôn giáo mở rộng; không gian được mở ra cho các cuộc tranh luận tri thức ủng hộ việc thể chế hóa vấn đề pháp trị và nhiều lĩnh vực khác; giới trẻ, những người Trung Quốc có học chỉ trích sự kiểm duyệt và chuyên chế - Vấn đề là những gì Trung Quốc đã đạt được lại không được thể chế hóa.
Phương Tây vẫn mờ mịt trong việc đánh giá liệu ông Tập Cận Bình đang đứng ở đỉnh cao quyền lực hay "bên vách đá". Thực tế, nền kinh tế của Trung Quốc đang chững lại và tác động tiêu cực của cuộc chiến thương mại do ông Trump khởi xướng - đã công khai bóp nghẹt những tranh cãi trong tầng lớp quan chức Bắc Kinh.
Tuy nhiên, trong ngắn hạn, ít nhất thì ông Tập Cận Bình sẽ không phải đối mặt với sự cạnh tranh hữu hình. Vì thế, chế độ Trung Quốc tiếp tục theo đuổi việc củng cố quyền lực bằng cách theo đuổi những mục tiêu rủi ro.
Hoa Kỳ cần phải hành động thế nào?
Hoa Kỳ và những nước thân thiết, đặc biệt là khối châu Âu và những nền dân chủ Đông Á cần hợp tác và có chiến lược chung với Trung Quốc. Về mặt kinh tế, họ cần tạo áp lực để Bắc Kinh tuân theo những luật lệ kinh tế tự nhiên.
Vấn đề không phải là do thâm hụt thương mại mà là việc cần sử dụng cách tiếp cận thị trường phương Tây để nâng cao sự quan ngại của Bắc Kinh, đặc biệt là trạng thái thị trường Trung Quốc hiện nay. Sách lược của tổng thống Trump rất không khéo léo và việc ông rút khỏi TPP là hoàn toàn thiếu suy nghĩ - Nhưng Washington đã khiến Bắc Kinh phải e dè.
Khó có thể tác động trực tiếp vào quyền con người, khi mà không chính phủ nào muốn nhường quyền lực cho phe đối lập. Nhưng các nước dân chủ do Mỹ dẫn đầu cần đều đặn làm dấy lên và nhấn mạnh vấn đề sự thống trị quốc tế của Trung Quốc sẽ làm kìm hãm ảnh hưởng của người dân tới chính phủ và với chính cuộc sống của họ.
Washington cần nỗ lực để cải thiện việc tiếp cận thông tin của người dân Trung Quốc và "đập tan tường lửa" của Trung Quốc.
Phương Tây cũng cần chỉ ra rằng chiến tranh tôn giáo trong lịch sử chắc chắn sẽ làm gia tăng bất ổn xã hội vì đẩy các tín đồ vào vị thế đối lập với nhau. Những cuộc đàn áp cần phải bị chỉ trích.
Các cường quốc cần cảnh báo về việc sự gia tăng quản chế Hồng Kông sẽ làm dấy lên câu hỏi về việc Bắc Kinh có nguyện ý cam kết một cách chính thức với những nước khác hay không?
Việc chấp nhận thỏa hiệp về khía cạnh an ninh của Trung Quốc có thể là vấn đề gian nan nhất. Rủi ro trong về sự đụng độ giữa một cường quốc đang trỗi dậy và một quyền lực đang dần mất đi vị thế - thường được giới học giả gọi là "bẫy Thucydides" đã quá rõ ràng.
Hoa Kỳ không nên phản ứng quá mạnh mẽ với sự trỗi dậy của Trung Quốc khi đất nước này vẫn phồn thịnh hơn. Bắc Kinh vẫn phải đối mặt với những trở ngại lớn để trở thành một siêu cường.
Ví dụ, chính sách lâu dài về chế độ 1 con của Trung Quốc sẽ gây ra những vấn đề tiêu cực về nhân khẩu học: đất nước có thể sẽ già cỗi trước khi trở nên giàu có.
Hơn nữa, tăng trưởng đã chững lại và quản lý chính trị không tốt về kinh tế đã tạo ra "bãi mìn" về mặt thương mại bao gồm cả những xí nghiệp nhà nước thiếu năng lực, với gánh nặng nợ nần cho các quỹ chính phủ, nợ xấu ngân hàng, bong bóng bất động sản, "các thành phố ma", sự điều tiết ảnh hưởng bởi chính trị và thống kê không trung thực về nền kinh tế.
Thực tế, ít nhất là trong tương lai gần, Bắc Kinh không phải và sẽ không có vị thế đe dọa tới Hoa Kỳ. Vị trí đứng đầu của quân đội Mỹ và khả năng ngăn chặn một cuộc tấn công là quá áp đảo.
Cuộc chiến đấu thực sự giữa 2 nước là vì sự thống trị của Washington ở khu vực Đông Á. Hoa Kỳ chỉ có thể làm điều này khi Trung Quốc vẫn còn yếu còn Washington vẫn muốn chi tiêu một cách phung phí để phóng chiếu sức mạnh.
Trung Quốc vẫn còn yếu về quân sự nhưng có một động cơ tương tự để củng cố lực lượng quân đội.
Hãy thử tưởng tượng đến một thế giới mà hải quân Trung Quốc tuần tra tại bờ biển phía đông của Hoa Kỳ và vùng Caribbean, Trung Quốc lên lớp Hoa Kỳ về chính sách với Cuba, và khả năng gây chiến với Hoa Kỳ thường xuyên được bàn thảo tại Bắc Kinh - Sẽ rất ít người dân Hoa Kỳ bằng lòng với sự thống trị của Trung Quốc.
Ngày nay, Hoa Kỳ không muốn hy sinh những gì cần thiết để đánh bại Trung Quốc trên những vùng lân cận của mình. Sau cùng thì cần rất nhiều chi phí để xây dựng và cung cấp một tàu sân bay và đội tàu hỗ trợ hơn là chế tạo một quả tên lửa hay tàu ngầm để đánh chìm nó.
Hoa Kỳ đối mặt với thâm hụt thường niên hơn 1000 tỷ USD và áp lực tài chính sẽ bùng nổ khi thế hệ "baby boom" về hưu (những người sinh ra trong cuộc bùng nổ dân số sau Thế Chiến II từ 1946-1964). Liệu có ai muốn hy sinh tiền an sinh xã hội và chăm sóc y tế để bảo vệ Đài Loan?
Washington cần nhấn mạnh với những nước dân chủ bè bạn về tầm quan trọng của việc đầu tư quốc phòng, tạo ra năng lực quân sự để ngăn chặn Trung Quốc có hành động gây hấn. Mục tiêu không phải là để đánh bại Trung Quốc mà là tạo ra một cái giá phải trả thật đắt cho bất kỳ cuộc tấn công nào.
Hoa Kỳ cũng có thể khuyến khích các nước như Nhật Bản và Ấn Độ chịu nhiều trách nhiệm hơn với khu vực. Thay vì bảo vệ một cách đố kỵ vai trò thống trị của mình, Washington cần biểu thị sự nguyện ý chia sẻ ảnh hưởng.
Hoa Kỳ cũng cần ngừng việc cùng lúc lấn át Nga và Trung Quốc. Các chính quyền Hoa Kỳ liên tiếp áp dụng các chính sách - như mở rộng NATO, tấn công Serbia, ủng hộ các cuộc cách mạng màu tại Georgia và Ukraine - điều được coi là mối đe dọa tại Moscow.
Dù ý định của Hoa Kỳ là gì, Nga cũng không thể bỏ qua chính sách của Washington. Thử tưởng tượng nếu Liên Xô tổ chức một cuộc đảo chính chống lại chính phủ dân chủ được bầu tại Mexico và mời Mexico tham gia hiệp ước Vác-sa-va, các quan chức tại Washington sẽ không thể tươi cười.
Mặc dù Trung Quốc và Nga có những lợi ích rất khác nhau nhưng 2 nước phải đứng chung hàng để chống lại áp lực từ Hoa Kỳ.
Washington và Brussels nên theo đuổi một biện pháp ngoại giao tạm ước với chính phủ của ông Putin. Cần loại bỏ việc đưa Georgia và Ukraine trở thành thành viên NATO và hủy những lệnh trừng phạt kinh tế để đổi lại việc Nga sẽ ngừng ủng hộ phe ly khai, chấm dứt việc gây rối với Kiev và ngưng "can thiệp vào bầu cử" tại Mỹ và châu Âu.
Phương Tây nên chấp nhận một cách không chính thức chứ không công nhận chính thức việc Nga sáp nhập Crimea. Theo đó, Moscow sẽ thấy một tương lai tốt đẹp hơn với phương Tây. Điều đó sẽ làm nghiêng cán cân quốc tế hơn để chống lại một Trung Quốc đang gây hấn.
Mục tiêu quan trọng nhất là phải tránh xung đột giữa 2 chính phủ. Trong thế kỷ 19, Anh quốc đã phải đối mặt với 2 cường quốc trỗi dậy. Anh đã dàn xếp với Hòa Kỳ và chống lại nước Đức. Điều đầu tiên tạo nên một mối quan hệ đối tác ấm áp. Điều thứ 2 dẫn tới 2 cuộc thế chiến. Đó là một ví dụ thực tế mà Hoa Kỳ cần phải hiểu rõ.
Tuy nhiên, vẫn chưa rõ làm cách nào để duy trì hòa bình trong khi chống lại những thiệt hại từ một đất nước đang trở nên ngày càng mạnh và gây uy hiếp hơn. Quan trọng nhất là cần thực thi tốt hơn các chính sách kinh tế trong nước và kiềm chế nhiều hơn về mặt quân sự ở nước ngoài. Washington nên củng cố sức mạnh và khéo léo sử dụng ảnh hưởng của mình.
Hơn thế nữa, Hoa Kỳ cần tìm những đồng minh khác giúp đỡ ngăn chặn việc Trung Quốc tiếp cận và phóng chiếu ảnh hưởng của mình. Cuối cùng, Trung Quốc đã tìm thấy vị trí mới của mình trong trật tự thế giới, các nước khác cần phải chấp nhận điều đó và ép Bắc Kinh phải điều chỉnh cho đúng. 4 thập kỷ qua đã làm nổi bật sự chuyển mình của một đất nước trong lịch sử.
Những thay đổi trong 4 thập kỷ tới có thể không gây ra thảm họa nhưng cuối cùng sẽ có nhiều hậu quả. Chính sách với Trung Quốc rõ ràng là vấn đề với toàn bộ thế giới.