Chiến tranh thương mại: Mỹ và EU thỏa hiệp, bắt tay nhau cùng đối phó Trung Quốc

Thu Thủy |

Ngày 25/7, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Âu (EU) Jean Claude Juncker đã đạt được hiệp nghị về tránh mở rộng cuộc chiến mậu dịch qua Đại Tây Dương, làm hòa dịu mối quan hệ căng thẳng Mỹ - EU từ khi xảy ra chiến tranh thương mại; đồng thời, hai bên cùng tỏ thái độ cứng rắn thêm trong vấn đề mậu dịch với Trung Quốc.

Mỹ và EU bất ngờ bắt tay thỏa hiệp

Chiều 25/7 theo giờ Washington, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã kết thúc cuộc hội đàm kéo dài hơn 2 giờ tại Nhà Trắng với Chủ tịch EU Jean Juncker đang ở thăm Mỹ. Hai ông đã có cuộc họp báo chung tại Vườn Hồng, Nhà Trắng.

Donald Trump tuyên bố, ông đã có được sự nhượng bộ quan trọng của các quan chức EU. Hai bên bày tỏ Mỹ và EU cùng nhau nỗ lực để thực hiện không thuế quan, không có hàng rào phi thuế quan và không trợ cấp cho các sản phẩm công nghiệp ngoài xe hơi.

Trump nói: "Hôm nay là ngày vô cùng quan trọng đối với nền mậu dịch tự do, công bằng. Chúng tôi dự định sẽ mở ra giai đoạn mới hữu hảo, mật thiết giữa Mỹ và EU; mở ra mối quan hệ mậu dịch lớn mạnh hai bên cùng có lợi, nỗ lực vì an ninh và cùng phồn vinh của toàn cầu, cùng nhau chống chủ nghĩa khủng bố".

Ông Trump nói: "Mỹ và EU có hơn 830 triệu công dân, chiếm hơn 50% GDP toàn thế giới; nói một cách khác, chúng ta chiếm hơn một nửa thế giới. Nếu hợp tác cùng nhau, chúng ta sẽ đưa hành tinh này trở nên an toàn hơn, tươi đẹp hơn, phồn vinh hơn".

Ông cho biết, Mỹ và EU đã có kim ngạch mậu dịch song phương đath 1000 tỷ USD – một mối quan hệ kinh tế quy mô lớn nhất thế giới. Mỹ mong muốn tăng cường mối quan hệ mậu dịch này để tất cả mọi công dân Mỹ và EU được hưởng lợi.

Chiến tranh thương mại: Mỹ và EU thỏa hiệp, bắt tay nhau cùng đối phó Trung Quốc - Ảnh 1.

Sau khi kết thúc hội đàm, Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch EU Jean Juncker ra gắp gỡ báo chí

Trump cũng nói, ông và các quan chức EU đều mong muốn giảm bớt các quy tắc hạn chế vào thị trường của nhau, cải cách WTO và hạn chế những thao tác thị trường không công bằng; Mỹ và EU cũng sẽ giải quyết vấn đề thuế quan của sản phẩm thép và mhôm.

Đặc biệt, EU đã đồng ý gia tăng số lượng nhập khẩu đậu tương và khí hóa lỏng của Mỹ. Ông Trump nói: "Việc này sẽ mở ra thị trường cho nông dân và công nhân, gia tăng đầu tư, khiến Mỹ và EU cùng phồn vinh hơn. Điều này cũng sẽ làm quan hệ mậu dịch công bằng và cùng có lợi hơn".

Trung Quốc trở thành "mục tiêu chung" về thương mại của Mỹ và EU

Ông Jean Juncker phát biểu khẳng định, cuộc hội đàm rất tốt, rất có tính xây dựng. Ông cho biết, EU và Mỹ đã đạt được thỏa thuận, sẽ cùng nhau liên kết để bảo vệ các công ty của Mỹ và EU tránh khỏi ảnh hưởng bởi bởi các hành vi thương mại không công bằng; sẽ cùng nhau xây dựng mối quan hệ đối tác chặt chẽ, cải cách WTO, giải quyết những hành vi mậu dịch không công bằng, bao gồm ăn cắp quyền sở hữu trí tuệ, cưỡng ép chuyển nhượng kỹ thuật, trợ cấp công nghiệp, quốc hữu hóa xí nghiệp gây nên những rắc rối và sản lượng dư thừa.

Ông Jean Juncker đã chỉ đích danh Trung Quốc khi nói: "Tôi và Tổng thống Donald Trump nhất trí cho rằng, cần phải thay đổi rất nhiều điều. Sản lượng thép toàn cầu quá dư thừa đã đánh mạnh vào người công nhân của chúng tôi.

Sản lượng thép của Trung Quốc dư thừa gấp 2 lần sản lượng của cả EU và nước này vẫn dành những khoản trợ cấp phi pháp của chính phủ cho lĩnh vực này (sản xuất thép). Điều này dẫn đến việc không thể dự báo thị trường, ảnh hưởng tới các công ty của chúng tôi".

Ông Jean Juncker cũng nói: "Chúng ta phải chấm dứt việc các cơ quan nghiên cứu của chúng ta không ngừng chuyển nhượng kỹ thuật cho Trung Quốc. Vì vậy, Mỹ và EU đã khởi động cuộc điều tra về việc Trung Quốc có tuân thủ quyền sở hữu trí tuệ đối với nỗi bên hay không".

Tờ "The Wall Street Journal" nhận định, việc ông Trump gác lại những tranh chấp về thương mại với EU sẽ giúp cho Mỹ tập trung tinh lực để hướng hỏa lực kinh tế nhằm vào Trung Quốc.

Chiến tranh thương mại: Mỹ và EU thỏa hiệp, bắt tay nhau cùng đối phó Trung Quốc - Ảnh 2.

Sắt thép Trung Quốc dư thừa bị EU coi là mối đe dọa đối với nền công nghiệp của châu Âu.

Mấy ngày trước đó, EU ra thông báo: Ủy ban Châu Âu đại diện cho 28 nước thành viên đã tiến hành điều tra và quyết định đánh thuế từ 27,5% đến 83,6% đối với tất cả các xe đạp điện nhập từ Trung Quốc.

Reuters nói, EU đã áp dụng một loạt biện pháp đối với xuất khẩu của Trung Quốc, từ pin mặt trời đến sắt thép, nay tăng mức thuế cao đánh vào xe đạp điện là biện pháp mới nhất; điều này ắt sẽ dẫn đến phản ứng mạnh mẽ của Bắc Kinh.

Hiện nay, cục diện mà Trung Quốc không mong muốn thấy nhất đã xảy ra. Hôm 5/7, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị khi thăm Áo đã lên tiếng cảnh báo EU: "Trung Quốc hiện đang đứng ở tuyến đầu chống chủ nghĩa đơn phương và bảo hộ mậu dịch (ám chỉ Mỹ), không muốn có ai đâm sau lưng mình".

Phát biểu của Vương Nghị cho thấy Trung Quốc muốn lôi kéo EU về cả chiến lược lẫn sách lược với mong muốn: dù EU không đứng vào cùng đội ngũ thì ít nhất cũng không là trở ngại của Trung Quốc trong cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ; EU giữ địa vị trung lập đã là kết quả tốt nhất đối với Trung Quốc.

Thế nhưng, cuối cùng EU đã không đứng chung chiến tuyến với Trung Quốc. Ông Luca Jahier, Chủ tịch Ủy ban kinh tế và xã hội châu Âu nói: cho dù EU không tán thành các biện pháp thuế quan của ông Donald Trump, nhưng trong lĩnh vực chính trị và kinh tế, Mỹ vẫn là đồng minh quan trọng của EU.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại