Đều đặn mỗi tuần hai lần, ông Bồn Văn Giàng (78 tuổi - người dân tộc Dao ở bản Nậm Ngặt, xã Thanh Thủy, Vị Xuyên, Hà Giang) vẫn khoác lên mình bộ quân phục màu xanh, vai đeo chiếc túi, băng rừng đi kiểm tra cột mốc đường biên.
Công việc ấy gắn bó với Giàng hơn 40 năm qua, khi quân Trung Quốc còn chưa tiến công vào biên giới các tỉnh phía Bắc.
Giàng là lính trinh sát từng tham gia cuộc chiến chống Mỹ suốt 7 năm tại chiến trường Quảng Trị. Năm 1972 xuất ngũ về quê, ông làm xã đội phó Thanh Thủy. Ông nằm trong danh sách đội ngũ dân quân tự vệ dự bị của địa phương, hàng ngày có trách nhiệm phối hợp với các chiến sĩ dân quân trong xã đi tuần, kiểm soát dọc đường biên.
Gần 80 tuổi nhưng đều đặn mỗi tháng vài lần, ông Giàng vẫn tuần đường biên, kiểm tra cột mốc. Ảnh: Hoàng Cư.
Ông Giàng kể từ đầu năm 1978, vành đai biên giới các tỉnh phía Bắc đã dần căng thẳng. Địa bàn Vị Xuyên - Hà Tuyên liên tục xảy ra các cuộc xung đột ở khu vực biên giới Việt - Trung.
Cuối năm ấy, lính Trung Quốc vượt biên tiến sâu vào đất Thanh Thủy, chúng hình thành từng tốp khoảng một tiểu đội đi lại quanh bản làng, phá hủy cột mốc, chòi canh gác, ruộng vườn.
Một ngày trên đường làm nhiệm vụ, Bồn Văn Giàng giáp mặt với toán lính ấy. Chúng khiêu khích, bắt ông, lôi về bên kia tra khảo. Nhưng ông phản kháng, tay không đánh 7 tên lính bỏ chạy thục mạng.
"Chúng nó thỉnh thoảng lại mò sang đốt phá nhiều chòi canh. Đi tuần gặp nhau, 4 thằng trong đó túm cổ áo, vật mình lôi sang bên kia để tra khảo. Mình tức lên đánh tay bo với nó luôn" - Giàng cười khanh khách kể lại chiến tích hơn 40 năm trước.
Tối hôm sau, Giàng ra chiếc lều bên thửa ruộng cách nhà không xa nằm ngủ. Toán lính Trung Quốc gần 20 tên được "mật thám" chỉ đường, quay lại tính bao vây nhưng không bắt được ông.
Những lượt đi tuần sau, chúng liên tiếp phục kích. Có lần, hơn chục tên lao từ rừng rậm ra vây bắt nhưng bị Giàng dùng lưỡi lê đánh trọng thương. Giàng kể những năm ấy chưa có lệnh nổ súng, người làm nhiệm vụ đi tuần đường biên như ông dù khoác AK trên vai, lên đạn sẵn nhưng khi đánh nhau cũng không được phép bóp cò.
Một góc bản Nậm Ngặt. Ảnh: Hoàng Cư.
Đầu năm 1979, tiết trời mùa xuân - sương mù bao phủ từng nóc nhà treo leo bên sườn núi. Cả bản người Dao khi ấy vừa ăn tết xong, chơi còn chưa hết hội. Trên gác bếp mỗi nhà còn treo đầy thịt lợn, bánh chưng.
Sáng sớm mùng 7 tháng giêng (tức 17/2/1979), ông Giàng chạy quanh bản kêu gọi các xã viên xuống đồng chuẩn bị cho mùa vụ mới.
Từ phía bên kia biên giới, quân địch bất ngờ nã từng loạt pháo cối sang phía ta. Cả bản hoảng sợ hò hét nhau chạy về phía hang Dơi, tìm khe núi ẩn náu. Tiếng pháo nổ ùng oằng nửa ngày mới dứt - nó báo hiệu cho cuộc xâm lược của quân Trung Quốc, trải dài hơn 1.000 cây số từ Lai Châu sang đến Quảng Ninh.
Chiến sự căng thẳng, các đơn vị quân đội ta chuyển về Nậm Ngặt đóng chốt tiếp quản, các dân quân tự vệ như Giàng tiếp tục phối hợp cùng bộ đội đào hầm, hào dã chiến.
Hang Dơi - nơi người dân Nậm Ngăt và cả bộ đội chiến đấu từng trú ẩn. Ảnh: Hoàng Cư.
Ông Lý Xuân Lìn, Chủ tịch xã Thanh Thủy bây giờ kể lại, cuộc chiến không kết thúc ngay sau khi Trung Quốc tuyên bố rút quân vào ngày 5/3/1979. Thỉnh thoảng, pháo từ phía Trung Quốc vẫn nhả từng quả rơi xuống đất Thanh Thủy. Người dân vì thế sản xuất chỉ cầm cự, mọi hoạt động giao thương trong xã gần như tê liệt.
Đỉnh điểm, vào đầu tháng 4/1984, Quân đoàn 14 (Trung Quốc) tràn sang chiếm các cứ điểm của ta trên đất Thanh Thủy, Thanh Đức, Lao Chải của huyện Vị Xuyên. Từng đoàn người Tày, Dao, Mông phải bỏ nhà cửa, kéo nhau đi bộ xuôi về huyện Bắc Mê, Bắc Quang cách đó hơn 100 km lánh nạn.
Năm 1989, khi đơn vị cuối cùng của quân tình nguyện Việt Nam rời khỏi Campuchia. Các "ngòi nổ" căng thẳng được tháo ở cả phía Bắc lẫn phía Nam. Đến năm 1991, hai nước Việt - Trung tuyên bố bình thường hóa quan hệ.
Tiếng súng kết thúc, quân đội hai bên rút khỏi đường biên nhưng hậu quả cuộc chiến còn kéo dài mãi về sau, đến nay chưa dứt. Tiếng pháo ngừng nổ nhưng tiếng mìn, tiếng lựu đạn vẫn còn văng vẳng bên tai người dân trên từng cánh rừng, thửa ruộng Vị Xuyên.
Riêng tại xã Thanh Thủy, kể từ đầu thập niên 90 đến nay có 45 dân thường chết và bị thương do bom mìn sót lại trong chiên tranh biên giới phía Bắc. Phần lớn trong số đó mất đôi chân, cụt bàn tay, nhiều người mất sức lao động, chịu cảnh tàn phế suốt đời. Số lượng gia súc dẫm phải mìn chết đếm không xuể.
Những năm gần đây, một số hoạt động rà phá bom, mìn ở Thanh Thủy đã được công binh triển khai. "Đến nay, khoảng 500 ha diện tích đất sót nhiều bom mìn đã được dọn dẹp, 300 ha còn lại sẽ thực hiện từ nay đến hết năm 2020", ông Lìn nói. Hầu hết, những khu vực này nằm trên cao điểm quanh địa bàn thôn Nậm Ngặt.
Anh Nguyên (cháu ông Bồn Văn Giàng) bị cụt chân do dẫm phải mìn. Ảnh: Hoàng Cư.
Bồn Văn Giàng vẫn nhớ như in ngày người con trai cả bị đầu đạn nổ trọng thương. "Hôm ấy nó vào rừng chặt cây làm nhà, nhìn thấy quả đạn tò mò nhặt lên xem, khi đặt xuống đất thì phát nổ", ông buồn bã kể.
Người nhà phải nhặt từng mảnh cơ thể gom lại, đưa về mai táng.
Người con trai thứ hai, con rể cùng cháu ngoại ông đi rừng phát nương trồng bắp cũng vấp phải mìn, cụt chân.
Ở mảnh đất Thanh Thủy bây giờ còn nhiều người bị tàn phế như các con của Giàng. Ông Nguyễn Văn Kim (thôn Thanh Sơn) mất cả đôi tay vì kíp nổ khi đang phát rẫy. Ông Nguyễn Đức Dân cũng mất một tay trong lúc đi đào mương cho hợp tác xã, vấp phải ngòi nổ.
Người ta vẫn thương nói, "giàu hai con mắt, khó hai bàn tay". Kể từ ngày gặp nạn, ông Kim, ông Thủy chỉ ở nhà không làm được việc nặng nhọc, cuộc sống mưu sinh đè nặng lên đôi vai người vợ.
Anh Lý Văn Hồn. Ảnh: Hoàng Cư.
Anh Lý Văn Hôn, vẫn thường khoe những chiếc đuôi đạn pháo nhặt được bên sườn núi với những vị khách lạ lần đầu đặt chân đến Nậm Ngặt. Những chiếc đuôi đạn ấy anh cất giấu trong bao tải, đặt ở nền nhà.
Cũng giống nhiều trai bản khác, ngày rời Bắc Mê trở về quê cũ, công việc đầu tiên của Hôn là nhặt vỏ đạn đem bán sắt vụn. Có những ngày chàng thanh niên trẻ lượm được cả bao tải, giá thời thời bấy giờ chỉ 500 - 1.000 đồng cho một kg sắt vụn.
Anh được xếp vào hàng những người may mắn khi đôi chân, hai bàn tay vẫn còn lành lặn sau nhiều năm làm cái nghề mưu sinh ấy. Nhờ cái nghề mà anh có tiền lấy được vợ, dựng được nhà sàn.
Căn nhà của anh nằm ngay dưới chân cao điểm 685, nơi từng hứng hàng nghìn lượt đạn pháo quân đội Trung Quốc bắn phá. Trong căn nhà ấy, có vài chục bao thóc anh vừa thu hoạch sau vụ mùa.
Chiếc máy phát điện mini dựa vào sức nước chảy từ khe suối sau nhà chỉ đủ tải thắp sáng cho chiếc bóng đèn LED hình chữ U. Gần 30 năm kể từ ngày về quê hương, gia đình Hôn chưa có chiếc ti vi. "Mà có, thì điện cũng không đủ tải để xem đâu", Hôn nói.
Phương tiện duy nhất giúp kết nối thông tin với bên ngoài là chiếc điện thoại, Hôn vẫn hay gọi nó là "cái máy tàu". Cứ mỗi buổi tối trước giờ đi ngủ hay lúc rảnh anh lại cắm chiếc tai phone rà sóng, nghe radio. Bản Nậm Ngặt anh sống có hơn 60 hộ, hơn nửa số đó trong nhà chưa có ti vi để xem.
Vở đạn, đuôi đạn anh Hồn giữ trong nhà. Ảnh: Hoàng Cư.
Ngày nay, đến Nậm Ngặt người ta vẫn thường rỉ tai nhau kể chuyện về người thanh niên tên Tàu, anh mất một chân trong lần vào rừng phát nương nhưng không may vấp phải ngòi mìn.
Xuất viện chở về khi sức khỏe ổn định, Tàu lắp chiếc chân giả tiếp tục băng rừng làm rẫy nhưng chớ trêu thay, anh tiếp tục dẫm phải mìn cụt nốt cái chân còn lại.
Tuyệt vọng vì nghĩ sẽ tàn phế, phải nằm một chỗ suốt đời, chàng thanh niên lấy quả lựu đạn nhặt ở bìa rừng rút chốt nổ tung để tự sát.