Chiến tranh Iraq: Mỹ định xây mô hình dân chủ cho Trung Đông nhưng bất thành

Trung Hiếu |

Khi phát động Chiến tranh Iraq năm 2003, Mỹ hy vọng tạo ra bước ngoặt trong cái gọi là “cách mạng dân chủ toàn cầu”. Tuy nhiên, 2 thập kỷ sau đó, phương Tây vẫn chưa thể xây dựng được một mô hình dân chủ “kiểu mẫu” ưng ý cho toàn Trung Đông.

Nhiều lý do biện minh cho việc tấn công Iraq

Tổng thống Mỹ George W. Bush và chính quyền của ông đã đưa ra nhiều lý do để biện minh cho việc tiến đánh Iraq vào năm 2003.

Trong các tháng trước chiến tranh, ông Bush nói rằng cuộc xung đột sắp tới không chỉ nhằm loại bỏ khủng bố và tịch thu vũ khí hủy diệt hàng loạt mà còn nhằm bổ sung "tự do" đang thiếu hụt ở Trung Đông.

Nhưng với những diễn biến thực địa sau đó thì nhiều lập luận trên đều không còn đứng vững nữa.

Năm 2004, Ngoại trưởng Mỹ khi đó là Colin Powell suy nghĩ lại lý do yếu ớt mà ông đưa ra cho việc tấn công và xâm chiếm Iraq. Ông thừa nhận rằng "hóa ra thông tin về việc Iraq sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt là sai, không chính xác, và trong một số trường hợp cố tình gây sai lạc".

Trên thực tế, Iraq không có kho vũ khí hủy diệt hàng loạt như ông Powell và những người khác xác nhận vào lúc đó.

Giấc mơ Mỹ về mô hình "dân chủ kiểu mẫu" cho toàn Trung Đông

Sau khi tuyên bố về vũ khí hủy diệt hàng loạt đã bị chứng minh là sai, chính quyền Tổng thống Mỹ Bush tiếp tục lập luận rằng cần xây dựng một Trung Đông "tự do hơn, cởi mở hơn và dân chủ hơn". Cũng năm 2003, ông Bush hứa hẹn với công chúng Mỹ: "Một chế độ mới ở Iraq sẽ đóng vai trò một tấm gương tiêu biểu và truyền cảm hứng về tự do cho các nước khác trong khu vực".

Tổng thống Bush đã tập trung vào chủ đề "xây dựng nền dân chủ kiểu mẫu" này trong quá trình quân đội Mỹ và liên quân tiến hành cuộc chiến trên thực địa và nhanh chóng lật đổ chính quyền của Tổng thống Iraq Saddam Hussein.

Tháng 11//2023, Tổng thống Bush nói: "Việc thiết lập một Iraq tự do ở trung tâm của Trung Đông sẽ là một sự kiện bước ngoặt trong cách mạng dân chủ toàn cầu". Ông Bush cũng nói rằng Mỹ sẽ theo đuổi một "chiến lược tự do tiến về phía trước ở Trung Đông".

20 năm sau, rất cần đánh giá nghiêm túc "chiến lược tiến về phía trước" này đã làm được những gì ở Iraq nói riêng và trên toàn Trung Đông nói chung.

Thực tế là, Mỹ cơ bản không đạt được mục tiêu đề ra ở Trung Đông. Những chế độ mà Mỹ xem là "thiếu dân chủ" thì lại càng đứng vững hơn.

Tại Iraq, sự sụp đổ của chế độ Saddam và đảng Baath rốt cuộc cũng chỉ tạo ra một nước Iraq dân chủ về hình thức. Sau khi phải đối mặt với hàng loạt cuộc nổi dậy phe phái ở Iraq trong 8 năm liền, Mỹ cuối cùng đành bỏ lại sau lưng một chính phủ suy yếu và chia rẽ sâu sắc.

Thực trạng Iraq sau can thiệp của Mỹ

Chiến tranh Iraq 2003 do Mỹ và đồng minh tiến hành chỉ thành công trong việc hạ bệ chính quyền của ông Saddam. Nỗ lực xây dựng một nền dân chủ lành mạnh sau đó tại đây là thử thách quá khó khăn cho Mỹ.

Cuộc đối chọi giữa 3 nhóm chính tại Iraq - phái Hồi giáo Sunni, phái Hồi giáo Shiite và phong trào người Kurd (nhóm dân tộc thiểu số lớn nhất tại nước này) đã làm tê liệt các nỗ lực tái tổ chức Iraq về mặt chính trị.

Iraq ngày nay có một hiến pháp, một quốc hội và họ vẫn tổ chức bầu cử đều đặn. Tuy nhiên, quốc gia Tây Á này phải vật lộn trong việc giành tính chính danh từ đông đảo dân chúng và trong thực hiện các khía cạnh thực tế của công tác quản trị, như là bảo đảm giáo dục cơ bản cho trẻ em.

Thực tế, vào năm 2023 (20 năm sau biến cố), tổ chức Freedom House tiếp tục xếp Iraq vào nhóm "Không Tự do" xét về khía cạnh dân chủ.

Kể từ khi quân đội Mỹ rút ồ ạt khỏi Iraq vào năm 2011, Iraq cứ luẩn quẩn từ khủng hoảng chính trị này đến khủng hoảng chính trị khác. Còn từ năm 2014 đến 2017, phần lớn miền Tây Iraq bị nhóm khủng bố Hồi giáo IS kiểm soát.

Vào năm 2018 và 2019, tham nhũng lan tràn trong chính quyền Iraq đã dẫn tới một loạt các cuộc biểu tình chống chính phủ, điều này là khiến chính phủ Iraq phải ra tay trấn áp một cách bạo lực.

Các cuộc biểu tình đã thúc đẩy bầu cử quốc hội sớm ở Iraq vào tháng 11/2021 nhưng chính quyền Iraq vẫn chưa thể tạo ra một chính phủ liên hiệp đại diện được cho tất cả các nhóm chính trị cạnh tranh với nhau.

Mặc dù cuộc khủng hoảng gần đây nhất của Iraq tránh bị rơi vào nội chiến, bản chất quân sự hóa của các chính đảng Iraq đặt ra một rủi ro thường trực về bạo lực trong bầu cử.

Thực trạng Trung Đông hậu Chiến tranh Iraq

Trên là câu chuyện của Iraq với các thách thức chính trị sâu sắc. Thế còn khu vực rộng lớn hơn thì sao?

Vào năm 2014, các phong trào biểu tình rộng khắp gắn với mùa Xuân Arab đã làm sụp đổ chính quyền của nhiều chính trị gia cứng rắn lâu năm ở nhiều nước như Tunisia, Ai Cập, Yemen và Libya. Ở các nước khác, như Marốc và Jordan, các vị quốc vương đã đưa ra các nhượng bộ với người dân và nhờ đó tiếp tục được tại vị.

Tại Ai Cập, quân đội đã lên nắm quyền. Ở Yemen, khoảng trống quyền lực do các cuộc biểu tình tạo ra đã dẫn tới một cuộc nội chiến tàn khốc.

Điểm số dân chủ trung bình mà Freedom House đưa ra cho các thành viên của Liên đoàn Arab ngày nay là 11,45 - tương tự như điểm số của họ ngay trước khi Mỹ phát động Chiến tranh Iraq.

Từ các dữ kiện trên, có thể kết luận rằng tầm nhìn của Mỹ về một Iraq làm cảm hứng cho "chuyển đổi dân chủ" ở Trung Đông vẫn chưa thành hiện thực./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại