Sầu riêng được xem là "trái cây vua".
Trung Quốc đang chuẩn bị cho vụ thu hoạch vụ sầu riêng nội địa đầu tiên vào mùa hè này sau hơn 4 năm canh tác.
Khoảng 2,45 triệu kg sầu riêng được sản xuất trên đảo Hải Nam ở miền nam Trung Quốc sẽ được bán vào tháng 6, theo đài truyền hình nhà nước CCTV.
Tại Cơ sở sầu riêng ở Tam Á, 93,3 ha cây sầu riêng đang cho quả non, với năng suất ước tính là 116,64 kg/ha và giá trị sản lượng ước tính là 6.665 nhân dân tệ/ha.
Với sự hỗ trợ từ các chuyên gia nông nghiệp Đông Nam Á, các chuyên gia Trung Quốc đã cải tiến hạt giống nhập khẩu để phù hợp hơn với điều kiện địa phương.
Theo CCTV, loại sầu riêng này dự kiến sẽ có lượng đường và chu kỳ tăng trưởng cao hơn để thích ứng với nhu cầu thị trường.
Tam Á đang đặt mục tiêu xây dựng một khu công nghiệp sầu riêng trải rộng 3.333 ha trong vòng 3 đến 5 năm tới, dự kiến sẽ tạo ra giá trị sản lượng 5 tỷ nhân dân tệ (727 triệu USD) vào năm 2028.
Người tiêu dùng Trung Quốc đặc biệt ưa thích loại trái cây có gai với mùi hương nồng độc đáo từ Thái Lan, Malaysia và Việt Nam. Nhưng giá thường cao do chi phí vận chuyển.
Các nhà phân tích cho rằng sầu riêng do Trung Quốc trồng có thể làm giảm giá trong nước, tăng cường “lưu thông kép” và thúc đẩy hợp tác nông nghiệp quốc tế.
Theo Weng Ming, nhà nghiên cứu tại Viện Phát triển Nông thôn thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, chìa khóa để tiếp thị đại trà sầu riêng nội địa là khả năng sao chép hương vị của những trái sầu riêng đến từ Đông Nam Á.
Nhưng hầu hết các loại trái cây nhiệt đới nhập khẩu ở Trung Quốc rất khó bắt chước.
Ví dụ, hương vị của quả sung trồng ở Sơn Đông, Trung Quốc, không bằng với hương vị của sung nhập khẩu từ Trung Đông và Bắc Phi, ông nói.
Do đó, Weng cho biết bước đột phá của Trung Quốc vào trồng sầu riêng “chắc chắn sẽ không ảnh hưởng đến ngành sầu riêng ở Đông Nam Á”.
Cuộc "so kè" ở Đông Nam Á
Sầu riêng là loại trái cây nhập khẩu số 1 vào Trung Quốc, đạt 4,03 tỷ USD vào năm ngoái với tổng khối lượng nhập khẩu là 825.000 tấn, theo dữ liệu được cung cấp từ Phòng Thương mại Trung Quốc về Xuất nhập khẩu Thực phẩm, Sản phẩm Bản địa và Phụ phẩm Động vật (CFNA).
Sầu riêng được giới trẻ ưa chuộng nhất, với hơn 60% trái cây ở Trung Quốc được mua bởi người tiêu dùng trong độ tuổi 16-35, theo dữ liệu do Siêu thị Jingdong công bố vào tháng 11.
Theo một báo cáo về thị trường sầu riêng Trung Quốc do huaon.com công bố vào tháng 11, chi phí vận chuyển leo thang, cùng với thời gian bảo quản ngắn và nhu cầu thị trường Trung Quốc ngày càng cao đã khiến giá sầu riêng gia tăng.
Người tiêu thụ sầu riêng ở Trung Quốc thường sinh sống ở các thành phố hạng nhất.
Theo SCMP, Thái Lan là nước xuất khẩu chính về mảng sầu riêng tươi cho Trung Quốc, cụ thể, Thái Lan chiếm 96% lượng sầu riêng nhập khẩu của Trung Quốc tính theo giá trị và 95% tổng khối lượng nhập khẩu trong năm qua.
Trong khi đó, Malaysia là nước nhắm đến sầu riêng đông lạnh chất lượng cao.
Đến 9/2022, tình hình có sự thay đổi khi Trung Quốc cho phép 51 nhà xuất khẩu sầu riêng cùng 25 hãng đóng gói từ Việt Nam tiếp cận thị trường.
Với đường biên giới giáp ranh Trung Quốc, việc xuất khẩu sầu riêng từ Việt Nam sang đất nước tỷ dân trở nên thuận lợi hơn nhiều, đồng thời giúp sản phẩm tươi ngon hơn, chất lượng hơn so với những đối thủ khác, tờ SCMP nhận định.
Không chỉ vậy, nhiều nhà đầu tư Trung Quốc đổ sang Đông Nam Á để xây dựng chuỗi cung ứng sầu riêng.
TC Durian - hãng nhập khẩu hoa quả có trụ sở tại Chiết Giang, Trung Quốc - đã đầu tư vào một nhà máy đóng gói tại Việt Nam vào năm 2022, đồng thời đang có kế hoạch mở rộng sang cả Philippines và Campuchia vào cuối năm nay.
Trong tháng 10/2022, giá trị xuất khẩu sầu riêng Việt Nam sang Trung Quốc đạt gần 50 triệu USD, tăng hơn 4.000% so với cùng kỳ năm trước.