Chiến tranh 6 ngày: Mỹ "căng như dây đàn" trước cảnh báo sắc lạnh từ Liên Xô - Thế chiến 3 quá cận kề

Nhật Huy |

Trong lúc các đồng minh của mình liên tiếp hứng chịu những thất bại choáng váng thì Liên Xô tất nhiên cũng không thể ngồi yên.

LTS: Cuộc chiến chớp nhoáng giữa Israel và khối Arab năm 1967 chỉ kéo dài 6 ngày nhưng vô cùng ác liệt, với tổn thất nặng nề cho khối Arab.

Để giúp độc giả có cái nhìn toàn cảnh về cuộc chiến này, chúng tôi xin giới thiệu tuyến bài "Chiến tranh 6 ngày". Mời quý độc giả đọc các kỳ trước tại đây:

Kỳ 1: Cảnh báo lạnh người từ tình báo Liên Xô

Kỳ 2: Toan tính của các siêu cường

Kỳ 3: Israel bị bao vây từ 3 hướng

Kỳ 4: Chiến dịch Moked

Kỳ 5: Cuộc chiến trên không (P1)

Kỳ 6: Cuộc chiến trên không (P2)

Kỳ 7: Vì sao thiết giáp Israel chịu thiệt hại nặng trong Chiến tranh 6 ngày?

Chiến tranh 6 ngày không đơn thuần là cuộc xung đột giữa Israel và khối Ả Rập mà còn là cuộc đối đầu giữa 2 siêu cường Mỹ và Liên Xô.

Ngay sau khi cuộc chiến nổ ra ngày 5/6/1967, đường dây nóng giữa Moscow và Washington đã được phía Liên Xô kích hoạt. Đây là lần đầu tiên kênh liên lạc này được sử dụng kể từ sau cuộc khủng hoảng tên lửa tại Cuba năm 1962.

Lời cảnh báo của Liên Xô

Khi diễn tiến của cuộc chiến càng ngày càng theo hướng bất lợi cho khối Ả Rập thì Liên Xô càng gia tăng sức ép lên phía Mỹ.

Đến ngày 10/6, khi cả Ai Cập và Jordan đã bị loại khỏi vòng chiến và Israel đang tràn vào cao nguyên Golan, chủ tịch hội đồng bộ trưởng Liên Xô Kosygin đưa ra lời cảnh báo mạnh mẽ nhất tới tổng thống Mỹ Johnson: nếu Israel không chấp nhận ngừng bắn, Liên Xô sẽ trực tiếp can thiệp.

Giám đốc CIA, Richard Helms, là một trong những quan chức cấp cao có mặt tại Phòng Tình hình khi bức điện của Kosygin được giải mã và chuyển ngữ cho Johnson.

Phòng Tình hình là nơi tổng thống và các cố vấn cấp cao của mình theo dõi các điểm nóng trên thế giới. Khác với những bộ phim Hollywood, trong phòng khi đó không hề có những màn hình dày đặc thông tin mà chỉ có một bộ bàn họp đơn giản và một số bản đồ treo trên tường.

Helms nhớ lại khoảnh khắc căng như dây đàn sau khi mọi người đọc hết nội dung lời cảnh báo của Kosygin: “Cả căn phòng đột nhiên im bặt giống như bạn vừa tắt radio vậy. Sau đó mọi người trao đổi với nhau bằng giọng nhỏ nhất mà tôi từng nghe. Không thể tin được là chỉ 5 năm sau cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba, 2 siêu cường lại một lần nữa ở thế đối đầu".

Từ Washington, tổng thống Johnson tìm cách trấn an Liên Xô rằng Mỹ sẽ làm mọi cách để gây sức ép lên Israel. Tuy nhiên, Israel quyết tâm không dừng lại cho đến khi chiếm được cao nguyên Golan. Nếu Liên Xô thực hiện lời đe dọa của mình, nhiều cuộc xung đột khu vực này sẽ trở thành ngòi nổ cho Chiến tranh thế giới thứ 3.

Chiến tranh 6 ngày: Mỹ căng như dây đàn trước cảnh báo sắc lạnh từ Liên Xô - Thế chiến 3 quá cận kề - Ảnh 2.

Tổng thống Mỹ Johnson và các cố vấn trong phòng Tình hình trong Chiến tranh 6 ngày. Ảnh: Wiki

May mắn là kịch bản này đã không xảy ra. Do tin tưởng vào khả năng chiến thắng của khối Ả Rập nên Liên Xô không chuẩn bị cho một kịch bản phải can dự trực tiếp, và cũng không có nhiều nguồn lực để thực hiện việc đó.

Lực lượng tại chỗ của Liên Xô vào thời điểm đó chủ yếu là hải đội hỗn hợp từ Hạm đội Biển Đen được triển khai tại Địa Trung Hải, với khoảng 30 tàu.

Theo một cuốn sách được xuất bản năm 2007 của 2 tác giả người Israel thì Liên Xô đã chuẩn bị một lực lượng đổ bộ khoảng 1000 người, gồm các thủy thủ và bộ binh hải quân thuộc hải đội trên. Trong số các mục tiêu dự kiến có thành phố cảng Haifa. Tuy nhiên kế hoạch mạo hiểm này sau đó không được thực hiện.

Bên cạnh đó, 4 phi đoàn máy bay ném bom chiến lược tại Ukraine được lệnh sẵn sàng tham chiến. Tướng Vasily Reshetnikov, tư lệnh lực lượng máy bay ném bom chiến lược, cho biết:

“Chúng tôi được lệnh tuyệt đối không để mất máy bay nào vì Liên Xô không thể công khai sự can thiệp của mình.”

Tất cả phi công Liên Xô được lệnh bỏ lại mọi giấy tờ tùy thân. Các máy bay ném bom được sơn lại cho giống máy bay thuộc biên chế không quân Ai Cập. Công việc tưởng chừng như đơn giản này lại gây ra không ít rắc rối.

Các máy bay của không quân Liên Xô chỉ mang một huy hiệu ngôi sao đỏ đơn giản. Trong khi đó, máy bay của không quân Ai Cập lại mang ký hiệu với các màu đỏ, đen, xanh lục; và trong căn cứ lúc đó không có sẵn các màu sơn này.

Tuy vậy cuối cùng thì kế hoạch này, cũng như kế hoạch đổ bộ bằng đường biển, cũng không được thực hiện.

Lời đáp trả từ phía Mỹ

Để đáp trả lời cảnh báo của Kosygin, tổng thống Mỹ Johnson đã ra lệnh cho Hạm đội 6, lúc này đang di chuyển về phía eo biển Gibralta cho một cuộc tập trận, đổi hướng và áp sát bờ biển Syria ở khoảng cách chỉ 80 km. Đây chính là thông điệp mà Washington muốn gửi tới Moscow.

Cuộc xung đột đã cho thấy sự chênh lệch về sức mạnh giữa Mỹ và Liên Xô tại khu vực, đặc biệt là sức mạnh trên biển. Trong lúc Mỹ có riêng Hạm đội 6 phụ trách vùng biển Địa Trung Hải thì Liên Xô chỉ có thể biệt phái một số tàu thuộc Hạm đội Biển Đen đến khu vực này.

Tình huống đối đầu cân não giữa 2 siêu cường trong cuộc chiến 6 ngày cũng chính là xúc tác để Liên Xô xem xét việc duy trì một lực lượng hải quân thường trực trong khu vực để đối phó với Hạm đội 6. Ngày 14/6/1967, chỉ 4 ngày sau khi cuộc chiến kết thúc, Hải đoàn số 5, hay còn gọi là Hải đoàn Địa Trung Hải, của hải quân Liên Xô chính thức được thành lập.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại