Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 3-9 cho biết các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang diễn ra tốt đẹp, song không quên cảnh báo rằng Washington sẽ “cứng rắn hơn” trong đàm phán nếu Bắc Kinh kéo dài đàm phán cho đến nhiệm kỳ Tổng thống thứ hai của ông. Ông chủ Nhà Trắng tuyên bố, một thỏa thuận sẽ còn khó đạt được hơn nhiều nếu hai nước không giải quyết được căng thẳng thương mại và ông tái đắc cử trong cuộc bầu cử Tổng thống tháng 11-2020.
Tổng thống Donald Trump đưa ra lời cảnh báo trên trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc trước đó 2 ngày đã bắt đầu đợt áp thuế bổ sung mới đối với hàng hóa của nhau. Theo đó, Washington áp thế 15% đối với các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc tổng trị giá 125 tỷ USD, trong khi Bắc Kinh đánh thuế bổ sung 5% và 10% đối với 1.717 mặt hàng có tổng trị giá 75 tỷ USD của Mỹ nhập vào Trung Quốc.
Song nếu nhìn vào cuộc chiến thương mại kể từ khi ông Donald Trump bước vào Nhà Trắng tháng 1-2017 tới nay có thể thấy đương kim Tổng thống Mỹ rõ ràng không hài lòng với tiến triển trong đàm phán thương mại với Trung Quốc. Cuộc đàm phán mà ông Donald Trump đã “đặt cược” phải đi tới cái đích lớn mà ông đưa ra trong cam kết tranh cử là cân bằng cán cân thương mại Mỹ - Trung Quốc, đồng thời mở cửa thị trường Trung Quốc cũng như chấm dứt việc Bắc Kinh cưỡng ép công ty Mỹ chuyển giao công nghệ…
Trên thực tế, Mỹ và Trung Quốc đã trải qua hơn 10 vòng đàm phán cấp Bộ trưởng Tài chính và Thương mại nhưng triển vọng đạt được một thỏa thuận đáp ứng đòi hỏi của Tổng thống Donald Trump cho tới lúc này vẫn hết sức mờ mịt. Thậm chí, vào tháng 5 vừa qua, ngỡ rằng hai bên đã đi tới thỏa thuận cuối cùng với việc hào hứng tuyên bố đạt được 90% nội dung đàm phán, song cuối cùng vẫn chẳng đi tới đâu do Trung Quốc vẫn quyết không chấp nhận nhượng bộ những điều then chốt theo đòi hỏi của Mỹ.
Việc Tổng thống Donald Trump muốn nhanh chóng có một thỏa thuận thương mại cơ bản với Trung Quốc xem ra khó lòng đạt được bởi đối thủ không phải “tay vừa” mà là cường quốc kinh tế số hai thế giới với chủ trương đàm phán đối nghịch với Washington. Điều này thể hiện rất rõ trong phát biểu mới đây nhất của nhà lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc là Chủ tịch Tập Cận Bình.
Lên tiếng ngày 3-9 trước các nhà lãnh đạo trẻ của Trung Quốc, ông Tập Cận Bình kêu gọi các quan chức giữ vững “tinh thần đấu tranh” dài lâu, chống lại hàng loạt đe dọa và thách thức ngày một phức tạp. Theo Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, cuộc đấu tranh này sẽ kéo dài ít nhất đến hết năm 2049, tức là năm kỷ niệm 100 năm thành lập nước CHND Trung Hoa và các quan chức nước này cần thể hiện “tinh thần đấu tranh” để vượt qua thách thức từ lo ngại an ninh đến rủi ro tài chính. Dù ông Tập Cận Bình không nói rõ cuộc đấu tranh với đối thủ nào, song tất cả đều hiểu đó là Mỹ.
Vậy, Mỹ với chiến thuật “tốc chiến” hay Trung Quốc với chiến thuật “câu giờ” sẽ giành phần thắng trong trận “so găng” thương mại hiện nay? Khó ai có thể đưa ra câu trả lời vào lúc này, dù cả Mỹ và Trung Quốc đều đang phải gánh chịu những thiệt hại lớn do thương chiến. Trong đó với Trung Quốc là tốc độ tăng GDP xuống mức “đáy” thấp nhất trong mấy chục năm qua, sản xuất đình trệ và thất nghiệp gia tăng; trong khi mỗi hộ gia đình Mỹ phải bỏ thêm 1.000 USD mỗi năm do hàng hóa đắt đỏ thêm vì thuế cao, còn các công ty phải cắt giảm chi phí, ngừng đầu tư và tăng dự trữ hàng để giảm bớt tác động từ chiến tranh thương mại với Trung Quốc…
Link bài gốc tại đây.