Nga đã phát triển các chiến thuật sẽ giúp truy tìm và phá hủy tổ hợp tên lửa phòng không Patriot của Mỹ ở Ukraine - chuyên gia Part Satam, một nhà phân tích của tờ báo Ấn Độ EurAsian Times đã đưa ra nhận định trên.
Cần nhắc lại, Mỹ dự định chuyển giao một khẩu đội tên lửa phòng không Patriot cho Lực lượng Vũ trang Ukraine - vũ khí mà Kyiv đã yêu cầu từ lâu. Tổng thống Joe Biden đã hứa như vậy với người đồng cấp Vladimir Zelensky khi gặp nhà lãnh đạo Ukraine ở thủ đô Washington.
Mặc dù chú ý đến tin tức nói trên, nhà báo người Ấn Độ tin rằng hệ thống này sẽ không thành công khi xuất hiện tại Ukraine. Thứ nhất, tổ hợp Patriot sẽ cực kỳ khó tích hợp vào mạng lưới phòng không thống nhất. Điều này đã được tuyên bố bởi Thống chế Không quân Ấn Độ Anil Chopra.
“Tên lửa hành trình và máy bay không người lái chứ không phải chiến đấu cơ có người điều khiển là đặc điểm chính của những trận không chiến trong cuộc xung đột này".
"Tôi nghi ngờ về việc Patriot sẽ hữu ích thế nào trong tình huống như vậy. Việc chuyển giao hệ thống vũ khí nói trên mang nhiều biểu tượng chính trị hơn là lợi ích quân sự đúng nghĩa”, Thống tướng Anil Chopra nói.
Thứ hai, vấn đề giữa cân bằng kinh tế và triển khai cũng cho thấy Ukraine đang đặt hy vọng hơi cao vào hệ thống phòng không của Mỹ. Giới chuyên gia đã tính toán rằng việc phóng một tên lửa MIM-104 sẽ tiêu tốn 3 triệu USD. Việc bắn hạ máy bay không người lái trị giá 20 nghìn USD bằng loại vũ khí đắt đỏ như vậy là điều vô cùng kỳ lạ.
“Lực lượng phòng không Ukraine với tổ hợp Patriot đã rơi vào 'cái bẫy' của người Nga: mất nhiều thời gian để đưa hệ thống vào hoạt động, tỷ lệ chi phí - lợi ích thấp, số lượng ít và triển khai xa các khu vực hoạt động quân sự mà Nga quan tâm nhất”, nhà báo Part Satam liệt kê những nhược điểm của Patriot.
Chiến đấu cơ Nga mang tên lửa chống radar Kh-31P được cho là sẽ nhận nhiệm vụ tìm diệt Patriot.
Không chỉ có vậy, nguy cơ Nga tấn công phá hủy hệ thống phòng không Patriot cần phải cân nhắc. Theo tác giả bài báo, tổ hợp vũ khí của Mỹ sẽ trở thành mục tiêu ưu tiên đối với Lực lượng Hàng không vũ trụ Nga (VKS), họ sẽ dễ dàng phát hiện và loại bỏ chúng.
“Trong hai tháng qua, Nga đã phát triển chiến thuật phát hiện và tiêu diệt các hệ thống tên lửa phòng không. VKS thể sử dụng tên lửa không mang đầu đạn làm mồi nhử. Họ sẽ 'chiếu sáng' các hệ thống phòng không của Ukraine, và sau đó máy bay chiến đấu của VKS sẽ phóng tên lửa chống radar Kh-31P”, nhà phân tích Part Satam viết.
Ông Satam cũng lưu ý rằng tổ hợp Patriot là cố định, không di động, khiến nó cực kỳ dễ bị tấn công. Thông thường các hệ thống như vậy phải nằm dưới sự bảo vệ của những hệ thống phòng không khác, vốn đã thiếu hụt đối với Lực lượng vũ trang Ukraine.
“Ukraine sẽ sử dụng Avenger hay các hệ thống Osa hoặc Strela của Liên Xô? Liệu Kyiv có kéo chúng khỏi tiền tuyến về phía Đông và Nam, nơi các tổ hợp này đang phải bảo vệ những mục tiêu gần chiến trường? Ngoài ra số lượng của chúng đang giảm dần do các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái cảm tử của Nga”, bài báo nói rõ.
Chuyên gia phân tích người Ấn Độ kết luận, tất cả điều này sẽ khiến Mỹ và Ukraine rất thất vọng, nói rằng các khoản đầu tư quân sự như trên sẽ không có lợi ích trong thực tế và sẽ không mang lại kết quả.
Mặc dù vậy, nếu thực sự hệ thống Patriot "vô dụng" như đã phân tích ở trên thì có lẽ Moskva chẳng phản ứng gay gắt đến vậy khi Mỹ công bố ý định bàn giao cho Ukraine.
Trước đó cũng xuất hiện ý kiến tương tự khi Kyiv nhận NASAMS ha IRIS-T, tuy nhiên những gì diễn ra cho thấy hai hệ thống phòng không "thứ cấp" của Patriot đang phát huy hiệu quả cực tốt trong việc đánh chặn tên lửa hành trình Nga.
Theo EurAsian Times