Chiến sự Syria: Hỏa lực bắn phá thỏa thuận Idlib, "tình duyên" Nga-Thổ có chắc bền lâu?

Quốc Vinh |

Cho đến nay, rõ ràng "cố gắng có tất cả" không phải là chiến lược tốt nhất để Thổ Nhĩ Kỳ có thể theo đuổi trong việc "đu dây" giữa Nga và Mỹ.

Vượt rào

Trong vài tuần qua, phía tây bắc Syria đã chứng kiến ​​một đợt leo thang quân sự nghiêm trọng mới.

Các lực lượng của Nga và Syria đã thực hiện một chiến dịch tấn công đáp trả vào các tỉnh Idlib, Aleppo và Hama, sau hai cuộc tấn công của Hay'et Tahrir al-Sham (HTS) - một nhóm vũ trang từng liên kết với al-Qaeda – khiến 22 chiến binh Syria thiệt mạng hôm 27/4.

Sự leo thang gần đây là diễn biến đáng chú ý nhất kể từ khi Moscow và Ankara đạt được thỏa thuận ngăn chặn một cuộc tấn công toàn diện vào Idlib bằng cách thiết lập một khu vực phi quân sự ngăn cách các nhóm cực đoan và quân Chính phủ vào tháng 9 năm ngoái.

Trong vài tháng qua, các điều khoản của thỏa thuận đã liên tục bị vi phạm, với các cuộc đụng độ và bắn phá lẻ tẻ giữa hai bên diễn ra, theo Đài quan sát nhân quyền Syria.

Chiến sự Syria: Hỏa lực bắn phá thỏa thuận Idlib, tình duyên Nga-Thổ có chắc bền lâu? - Ảnh 1.

Thỏa thuận ngừng bắn Nga-Thổ có thể sẽ tan vỡ.

Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cũng dính phải hai sự cố hồi đầu tháng 5. Các lực lượng của chính quyền Syria đã pháo kích một trạm quan sát của Thổ Nhĩ Kỳ ở phía Bắc tỉnh Hama, trong khi các chiến binh người Kurd thuộc Các Đơn vị Bảo vệ Nhân dân (YPG) tấn công các vị trí của Thổ Nhĩ Kỳ gần Tel Rifaat, phía Bắc tỉnh Aleppo, khiến một binh sĩ thiệt mạng.

Những cuộc tấn công và những diễn biến sau đó đã chứng minh các vết nứt đáng kể đang xuất hiện trong liên minh Nga-Thổ Nhĩ Kỳ, khi hai bên nỗ lực để hiện thực hóa lệnh ngừng bắn đã được thống nhất.

Theo Al Jazeera, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ từ trước đến nay đã xác định sự hợp tác của họ ở Syria vì lợi ích chung là kiềm chế áp lực của Mỹ.

Tuy nhiên, những khác biệt lớn ngày càng trở nên khó bỏ qua: Moscow đã hết kiên nhẫn với việc Ankara không thể kiềm chế HTS và bảo đảm thực hiện đầy đủ thỏa thuận khu vực phi quân sự, trong khi phía Thổ Nhĩ Kỳ đã thất vọng khi lời hứa sẽ đẩy YPG ra khỏi Tel Rifaat của Nga vẫn chưa được thực hiện.

Khi hai nước ngày càng không thể có tiếng nói chung ở Syria, Thổ Nhĩ Kỳ đã chuyển sang "đu dây" với cả Nga và Mỹ để đảm bảo lợi ích của mình ở phía Đông và phía Tây sông Euphrates.

Sự leo thang quân sự mới nhất càng làm tăng thêm sự ngờ vực giữa Moscow và Ankara.

Những rạn nứt

Vào ngày 25-26/4, một vòng đàm phán Astana khác giữa Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đã được tổ chức mà không tạo ra một bước đột phá. Moscow đã hy vọng Ankara sẽ giúp thúc đẩy việc thành lập một ủy ban hiến pháp chung giữa chính quyền Assad và phe đối lập để thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình Syria, nhưng không thể đạt được thỏa thuận.

Sau đó, vào ngày 2/5, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu tuyên bố rằng Ankara và Washington đang tiến gần đến việc thiết lập một "khu vực an ninh" ở phía Đông sông Euphrates, dọc biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuyên bố của ông Cavusoglu có khả năng đã làm đảo lộn suy tính của Moscow, khiến cho phía Nga quyết định tăng áp lực lên hai mối quan tâm chính của Thổ Nhĩ Kỳ ở Tel Rifaat và Idlib.

Tel Rifaat nằm trong một tam giác nhỏ ở phía Bắc tỉnh Aleppo (phía Tây sông Euphrates), YPG đã kiểm soát được nơi đây sau chiến dịch đánh đuổi của Thổ Nhĩ Kỳ ở Afrin vào năm 2018.

Khu vực này không tiếp giáp với phần còn lại của các lãnh thổ mà YPG quản lý và hiện đang bị bao vây bởi các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ ở phía Bắc, các lực lượng được Iran hậu thuẫn ở phía tây nam, chính quyền Syria và cảnh sát quân sự Nga ở phía đông nam.

Vào tháng 2/2018, người Kurd đã tham gia một thỏa thuận với Moscow và Damascus để triển khai cảnh sát quân sự Nga và lực lượng Syria trong khu vực, điều này càng khiến Thổ Nhĩ Kỳ thất vọng.

Trong khi Nga và Iran đang duy trì Tel Rifaat như một vùng đệm để giữ Thổ Nhĩ Kỳ và các đồng minh Syria nằm tách biệt, thì Ankara muốn kiểm soát khu vực này để củng cố các lợi ích của họ ở Afrin và tiến về phía Manbij, trong nỗ lực ngăn chặn sự xuất hiện của một lãnh thổ rộng lớn được thiết lập và kết nối lại bởi YPG.

Chiến sự Syria: Hỏa lực bắn phá thỏa thuận Idlib, tình duyên Nga-Thổ có chắc bền lâu? - Ảnh 3.

Chiến lược "có được tất cả" của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ khó thành.

Mục tiêu ngắn hạn của Thổ Nhĩ Kỳ là kiểm soát hoàn toàn biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ phía Tây sông Euphrates và mở đường cao tốc Gaziantep-Aleppo, nơi sẽ cho phép các doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ tiếp cận thị trường Syria.

Trong khi đó, Idlib có tầm quan trọng chiến lược đối với Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara lo ngại rằng nếu chính quyền Syria chiếm tỉnh này và các khu vực khác do phiến quân nắm giữ, họ sẽ mất đi đòn bẩy chính trị quan trọng trong cuộc xung đột Syria và phải đối mặt với một làn sóng tị nạn lớn chạy qua biên giới.

Điều này cũng sẽ hạn chế ảnh hưởng của Ankara đối với khu vực biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria ở phía Tây sông Euphrates, vốn bị kìm kẹp bởi ảnh hưởng của Nga, Iran và YPG, nơi thống trị bởi Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do Mỹ hậu thuẫn.

Đối với Nga, Idlib cũng nắm giữ giá trị chiến lược quan trọng vì khoảng 2/3 tuyến đường cao tốc M4 và M5 nối liền Latakia với Aleppo và Damascus đến Aleppo đều đi qua tỉnh.

Giành lại quyền kiểm soát những con đường quan trọng này có thể giúp chính quyền Syria phục hồi kinh tế. Nga cũng cần bảo đảm một số khu vực ở phía Tây Idlib để ngăn chặn việc bắn phá căn cứ quân sự Hmeimim ở Latakia của các nhóm phiến quân.

Khó khăn

Trước những vấn đề chiến lược như vậy, Moscow dường như đang mở ra cơ hội cho phép Ankara mở rộng ảnh hưởng sang Tel Rifaat để đổi lấy một bước tiến của Nga ở miền Nam Idlib. Tuy nhiên, các điều khoản của một thỏa thuận như vậy có vẻ khó đàm phán vì một số lý do sau đây.

Đầu tiên, Nga dường như không thể bật đèn xanh cho không quân Thổ Nhĩ Kỳ ném bom thành phố, giống như đã làm với Afrin năm ngoái.

Thứ hai, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ khó chấp thuận đối với một hoạt động trên mặt đất quy mô lớn ở Idlib và Nga hiểu rõ việc đơn phương đẩy mạnh tiến công tại đây có thể đẩy Ankara vào vòng tay của Washington.

Thứ ba, Iran, chính quyền Syria và YPG đều có khả năng phản đối một thỏa thuận Nga-Thổ Nhĩ Kỳ ở Tel Rifaat.

Tại thời điểm này, việc cho và nhận một cách hạn chế ở cả hai mặt trận có thể là lựa chọn khả thi, vì Nga và Thổ Nhĩ Kỳ không muốn làm căng thẳng thêm sự chia rẽ lợi ích của cả hai.

Trong khi đó, hai yếu tố khác có thể làm phức tạp thêm tình hình cho Ankara hơn nữa. Đầu tiên, Mỹ gần đây đã yêu cầu Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ trì hoãn việc mua hệ thống tên lửa S-400 do Nga sản xuất và đang cung cấp một thỏa thuận ở phía Đông sông Euphrates.

Washington đã cố gắng làm trung gian giữa phía Thổ Nhĩ Kỳ và YPG. Với con đường này, người Mỹ có thể đưa Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi tiến trình Astana và chia rẽ quan hệ với Nga.

Thứ hai, sự im lặng của Thổ Nhĩ Kỳ đối với chiến dịch do Nga lãnh đạo ở Idlib có thể làm tổn hại lập trường của họ với phe đối lập Syria, điều này cuối cùng sẽ làm tăng ảnh hưởng của HTS ở Idlib và các khu vực xung quanh với cái giá đánh đổi là Thổ Nhĩ Kỳ bị mất các phe phái Syria do nước này hậu thuẫn.

Những nỗ lực đang thực hiện của Tehran để làm trung gian giữa Ankara và Damascus cũng có thể làm suy yếu lực lượng của Thổ Nhĩ Kỳ đối với phe đối lập Syria.

Cho đến nay, rõ ràng "cố gắng có tất cả" không phải là chiến lược tốt nhất để Thổ Nhĩ Kỳ theo đuổi.

Trong tương lai gần, Ankara có thể phải quyết định xem ưu tiên của họ là thỏa thuận ở phía Đông hay phía Tây sông Euphrates, và quan trọng nhất là liệu có nên từ bỏ Tel Rifaat, Manbij hay Idlib hay không và với giá nào.

Nếu Mỹ tăng gấp đôi áp lực trong vấn đề S-400, Thổ Nhĩ Kỳ cũng có thể bị buộc phải lựa chọn giữa các biện pháp trừng phạt của Mỹ sẽ làm suy yếu nền kinh tế hoặc một cuộc tấn công của Nga vào Idlib làm suy yếu ảnh hưởng của nước này ở Syria.

Những yếu tố này, cùng với sự mơ hồ dai dẳng trong quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ - Nga, hứa hẹn sự leo thang và khó lường hơn nữa ở phía tây bắc Syria.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại