Hôm 13/5 vừa qua, chính quyền Bắc Kinh đã chính thức tuyên bố lệnh tăng thuế đối với 5.410 mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ trị giá 60 tỉ USD, và sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/6 tới. Được biết, đối tượng Trung Quốc nhắm đến cũng rất đa dạng, từ khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG), cho đến bông, đậu tương và các mặt hàng tiêu dùng khác.
Phía Trung Quốc gần đây đã cắt giảm việc nhập khẩu dầu mỏ từ Mỹ, tuy nhiên trong đòn đáp trả được công bố ngày 13/5, Bắc Kinh vẫn chưa vội "đánh" vào mặt hàng dầu thô của nhà sản xuất lớn nhất thế giới, CNN cho biết.
Quyết định tạm "tha" cho dầu mỏ Mỹ cho thấy Bắc Kinh vẫn muốn để ngỏ các lựa chọn, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay - khi các cuộc xung đột tại Trung Đông leo thang, và nguồn cung dầu thô từ Iran và Venezuela sụt giảm đáng kể.
"Đánh thuế LNG an toàn hơn", ông Ryan Fitzmaurice, một nhà chiến lược về năng lượng tại Rabobank, cho biết. "Trung Quốc tiêu thụ rất nhiều dầu mỏ, đặc biệt là khi tầng lớp trung lưu của nước này ngày càng đông đảo".
LNG trở thành "nạn nhân" của cuộc thương chiến
Trong số 5.410 mặt hàng Mỹ sắp bị Trung Quốc tăng thuế gồm có LNG, trước đó vốn đã bị áp mức thuế 10% kể từ tháng 9 năm ngoái.
Nếu như cuộc chiến thương mại chưa từng nổ ra, thì Trung Quốc và Mỹ có thể đã là một "cặp bài trùng" về LNG - khí thiên nhiên hóa lỏng có thể được vận chuyển qua đường thủy.
Hiện nay Trung Quốc là thị trường phát triển nhanh nhất thế giới về mặt hàng LNG, sau khi chính phủ Bắc Kinh ban hành chính sách sử dụng nhiên liệu thay thế than đá nhằm cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường.
Ảnh minh họa: Wall Street Journal.
Trong khi đó, Mỹ lại sở hữu trữ lượng khí thiên nhiên dồi dào, và hiện nay đang dần vươn lên trong top đầu các nhà nhà xuất khẩu LNG trên thế giới.
Tuy nhiên, kể từ sau khi mặt hàng này bị đánh thuế nhập khẩu, phía Mỹ chỉ xuất sang Trung Quốc vỏn vẹn 4 chuyến hàng, theo hãng tư vấn Wood Mackenzie. Trong vòng 5 tháng ngay trước khi lệnh thuế quan có hiệu lực (từ tháng 4 đến tháng 9/2018), phía Mỹ đã xuất sang Trung Quốc tổng cộng 35 chuyến hàng.
"Những đòn trả đũa thuế quan ấy sẽ khiến Mỹ mất đi những triển vọng phát triển trong lĩnh vực xuất khẩu LNG, gây thiệt hại tới các công nhân của Mỹ, và sẽ chỉ khiến các đối thủ cạnh tranh của Mỹ ở nước ngoài càng có thêm lợi", viện nghiên cứu dầu mỏ Mỹ, một tổ chức vận động đại diện cho ngành công nghiệp năng lượng của nước này, nhận định.
Việc Trung Quốc quyết định đánh thuế mặt hàng LNG của Mỹ cho thấy nước này có thể tìm được nguồn cung ứng khác ở bất cứ đâu mà không cần phụ thuộc vào Mỹ. Hiện vẫn còn nhiều quốc gia khác như Australia và Qatar sản xuất được lượng LNG lớn hơn Mỹ, mặc dù Mỹ được dự đoán sẽ vượt qua các nước này vào năm 2022.
Trung Quốc nhập khẩu số lượng dầu mỏ kỉ lục
Trái với thị trường LNG được mệnh danh là "thị trường của người mua", thì thị trường dầu mỏ ngày càng bị thắt chắt do OPEC (Tổ chức các Quốc gia Xuất khẩu Dầu mỏ) cắt giảm nguồn cung, do những vấn đề địa chính trị, và do nhu cầu quá lớn từ Trung Quốc.
Kỉ lục nhập khẩu dầu mỏ của Trung Quốc đã tăng lên mức trung bình 10,3 triệu thùng mỗi ngày kể từ tháng 11/2018, theo số liệu của RBC Capital Markets.
"Trung Quốc đang cố gắng dự trữ, nên đã nhập khẩu dầu với tốc độ 'quá nhanh, quá nguy hiểm'", ông Michael Tran, Giám đốc phụ trách chiến lược năng lượng toàn cầu của RBC cho hay.
Thực tế, lượng dầu được các nước Venezuela và Iran bán ra có thể đáp ứng được một phần nhu cầu của Trung Quốc. Tuy nhiên việc Mỹ áp lệnh trừng phạt đối với cả 2 quốc gia thuộc OPEC này, cùng với đó là cuộc khủng hoảng chưa thấy hồi kết ở Venezuela và xung đột địa chính trị tại Trung Đông, khiến Trung Quốc gặp khó trong việc nhập khẩu đủ số lượng dầu mình mong muốn.
Do những mối lo kể trên, Trung Quốc đang tăng tốc dự trữ khoảng 350.000 thùng dầu mỗi ngày, mà theo ông Tran thì đây giống như một loại quỹ để "đề phòng chuyện bất trắc".
Hiện nay, tuy cuộc chiến thương mại vẫn chưa ngã ngũ, nhưng Mỹ vẫn tiếp tục xuất khẩu một lượng dầu mỏ rất lớn sang Trung Quốc - mặc dù tốc độ có giảm đi ít nhiều.
Tính trong tháng 2 vừa qua, tổng lượng dầu mỏ được Mỹ xuất khẩu sang Trung Quốc lên đến 145.000 thùng mỗi ngày, theo số liệu gần đây nhất của Cục Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ. Tuy nhiên, con số này thấp hơn nhiều so với lần đạt đỉnh trước đó hồi tháng 6/2018: 510.000 thùng/ngày.
Ảnh minh họa: The Manufacturer.
Dầu mỏ sẽ là "nạn nhân" tiếp theo?
Việc Trung Quốc giảm nhập khẩu dầu mỏ từ Mỹ có thể là dấu hiệu cho thấy sự bất định của cuộc chiến thương mại.
"Các nhà máy lọc dầu Trung Quốc đều do dự khi nhập dầu thô của Mỹ, do lo sợ sẽ phải hứng chịu thêm những đòn giáng thuế quan mới", theo chuyên gia Fitzmaurice của Rabobank.
Ngoài ra, việc đánh thuế nhằm vào mặt hàng dầu mỏ của Mỹ có thể sẽ không đem lại nhiều hiệu quả, vì dầu thô là thị trường toàn cầu, và các chuyến hàng có thể được chuyển tới bất cứ nơi đâu.
"Trả đũa bằng cách này không thấm vào đâu [đối với Mỹ]", ông Alan Gelder, Phó chủ tịch phụ trách thị trường lọc hóa dầu tại công ty tư vấn Wood Mackenzie, cho biết.
Tuy nhiên, rồi sẽ đến lúc Trung Quốc không còn nhiều lựa chọn ngoài dầu mỏ để đánh thuế trả đũa Mỹ, nếu cuộc thương chiến tiếp tục leo thang.
Chính quyền Mỹ vừa qua thông báo rằng họ đang cân nhắc chuyện áp mức thuế 25% đối với 300 tỉ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc còn lại. Nếu viễn cảnh chiến tranh thương mại toàn diện ấy thực sự trở thành sự thật, thì Trung Quốc sẽ buộc phải đáp trả.
"Trung Quốc sắp hết lựa chọn để đánh thuế", ông Tran nhận định. "Chắc chắn họ sẽ phải nhắm vào dầu mỏ trong nước cờ tiếp theo".