Binh sĩ Ukraine khai hỏa lựu pháo tự hành CAESAR của Pháp tại vùng Donbass ngày 15/6. Ảnh: AFP.
Trong nhiều tháng qua, các binh sỹ của Nga và Ukraine đã có những cuộc giao tranh ác liệt dọc theo chiến tuyến dài 2.400km. Dù nỗ lực chiến đấu, nhưng cả hai bên đều không đạt được những bước tiến lớn, trong khi chịu tổn thất không hề nhỏ về binh lực và vật lực.
Giai đoạn đầu của chiến tranh bắt đầu bằng việc Nga chiếm giữ một phần lãnh thổ miền Nam của Ukraine, tấn công rồi từ bỏ mục tiêu Kiev cũng như rút khỏi các khu vực phía Bắc. Giai đoạn 2, trọng tâm chiến sự chuyển dịch sang Donbass, miền Đông Ukraine. Hiện hai bên đang bước vào giai đoạn 3, với các cuộc giao tranh song song ở cả hai mặt trận: phía Đông và phía Nam trong bối cảnh Ukraine cố gắng giành lại các khu vực do Nga kiểm soát. Nga và Ukraine liên tục có các hành động nhằm gây tổn thất về khí tài cũng như ngăn chặn tuyến tiếp tế của đối phương.
Theo đánh giá của các nhà quan sát phương Tây, cuộc chiến Nga-Ukraine rơi vào bế tắc vì không bên nào có thể tiến hành một cuộc tấn công lớn để tạo ra những thay đổi đáng kể trong cục diện xung đột. Hai bên dường như ý thức được rằng họ phải đối mặt với một cuộc chạy đua marathon hơn là chạy nước rút.
Hiện giới quan sát đang hồi hộp theo dõi từng động thái của mỗi bên. Đối với Ukraine, vẫn chưa rõ liệu nước này có sẵn sàng thực hiện một cuộc phản công lớn để phá vỡ thế bế tắc hay không và thời điểm cụ thể được quyết định ra sao?
Xét về phía lập trường của Ukraine, cuộc giao tranh hiện giờ sự phụ thuộc chủ yếu vào pháo binh và chiến hào, không thể diễn ra vô thời hạn. Việc Nga kiểm soát phần lớn đường bờ biển phía Nam sẽ làm tê liệt nền kinh tế Ukraine – vốn đã kiệt quệ do giao tranh và đang phải dựa vào viện trợ của phương Tây. Các tuyến đường này cũng sẽ giúp Nga củng cố vững chắc hơn quyền kiểm soát những khu vực mà họ đã chiếm được.
Về phía Nga, Tổng thống Putin đang phải đối mặt với sức ép chính trị trong nước hối thúc quân đội Nga nhanh chóng tạo ra một sự đột phá lớn trên chiến trường, đặc biệt là sau loạt vụ nổ lớn tại Crimea nghi do Ukraine thực hiện và vụ đánh bom xe khiến con gái của triết gia nổi tiếng người Nga thiệt mạng. Những cuộc tấn công này đã khiến phe cứng rắn tại Nga kêu gọi phải đáp trả quyết liệt.
Nhưng có những dấu hiệu cho thấy ông Putin đang bỏ qua những lời kêu gọi này, thay vào đó, theo đuổi chiến lược từ từ từng bước làm tiêu hao và kiệt quệ các lực lượng đối phương. Trong một diễn biến liên quan ngày 26/8, Tổng thống Putin đã công bố sắc lệnh tăng quy mô của lực lượng vũ trang Nga thêm 137.000 lên đến 1,15 triệu người. Giới phân tích cho rằng ông Putin đang chuẩn bị cho một cuộc chiến lâu dài và cam go, nhưng không nhất thiết phải ban hành một dự thảo quy mô lớn hoặc lệnh tổng động viên vốn có thể gây ra phản ứng dữ dội trong nước.
Nhà phân tích quốc phòng Pukhov– người đứng Trung tâm Phân tích Chiến lược và Công nghệ tại Moscow cho rằng: “Việc dự đoán cuộc chiến sẽ kết thúc vào trước Giáng sinh hoặc trước cuối năm nay là sai lầm. Tôi nghĩ chiến tranh sẽ kéo dài lâu hơn thế”.
Ukraine dường như đã có thêm động lực thực hiện cuộc phản công khi chính quyền Tổng thống Mỹ Biden công bố gói viện trợ mới nhất trị giá 3 tỷ USD giành cho Kiev. Các quan chức chính quyền Biden cho biết, khoản viện trợ này như một thông điệp cứng rắn gửi tới ông Putin rằng Mỹ sẽ tiếp tục can dự gián tiếp vào cuộc chiến và sẽ khuyến khích NATO ủng hộ Ukraine vô thời hạn. Một số quan chức khẳng định, Tổng thống Biden cam kết giúp Ukraine giành chiến thắng, ngay cả khi cuộc chiến kéo dài, nếu điều này có thể thực hiện được.
Trong khi đó, trên các phương tiện truyền thông của Nga, thông điệp về việc Nga mới chỉ bắt đầu bước vào một cuộc chiến lâu dài chống lại phương Tây, mà điển hình là cuộc chiến ủy nhiệm tại Ukraine, ngày càng rõ ràng. Điều này là một sự thay đổi mạnh mẽ so với 6 tháng trước đây.
Ukraine chạy đua với thời gian
Trong khi phía Nga không quá lo lắng trước tình trạng bế tắc kéo dài thì Ukraine lại đang chạy đua với thời gian. Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Andriy Zagorodnyuk cho biết: “Trước tình trạng khó khăn của nền kinh tế, những rủi ro liên tiếp từ các cuộc tấn công bằng tên lửa và sự mệt mỏi của người dân trước tác động của cuộc chiến, quân đội nên chuẩn bị tiến hành cuộc phản công lớn thay vì phòng thủ. Không có ý nghĩa gì khi kéo dài cuộc chiến trong nhiều năm và các bên cạnh tranh xem ai sẽ cạn kiệt tài nguyên trước”.
Nhưng Jack Watling, chuyên gia cao cấp tại Viện Nghiên cứu Lực lượng Hỗn hợp Hoàng gia Anh nhận định một cuộc tấn công lớn cần phải dựa vào các điều kiện trên chiến trường chứ không phải trên chính trường. Trong 6 tháng qua, Ukraine đã chuyển chuyển sang chiến lược mới gọi là “chiến tranh sâu" - đánh vào các mục tiêu phía sau mặt trận - sau nhiều cuộc đấu pháo ác liệt và giao tranh trên đường phố.
Quân đội Ukraine được cho là đã sử dụng tên lửa dẫn đường chính xác, tầm xa do Mỹ và nhiều nước châu Âu cung cấp tấn công các kho vũ khí, căn cứ, trung tâm chỉ huy ở sau chiến tuyến, trong đó có các căn cứ quân sự Nga trên bán đảo Crimea.
Trong nhiều tháng qua, Ukraine đã lên kế hoạch chuẩn bị cho một cuộc phản công lớn ở miền Nam. Những loại vũ khí mà họ yêu cầu từ các nước phương Tây cùng chiến thuật mà họ theo đuổi cung cấp manh mối về điều này. Nói cách khác, gói hỗ trợ quân sự gần đây của Mỹ dành cho Ukraine có rất nhiều phương tiện bọc thép với các thiết bị rà phá bom mìn chủ yếu sử dụng trong một cuộc tiến công trên bộ, cho thấy Ukraine chuẩn bị mở màn giai đoạn tấn công mới. Tuy vậy, Ukraine vẫn chưa thể chứng minh được rằng họ có thể vượt qua hàng phòng thủ kiên cố của Nga./.