Chiến lược kiềm chế Trung Quốc của Nhật Bản

Hoàng Phương |

Nhật Bản sẽ đề xuất cuộc đối thoại chiến lược với lãnh đạo các nước Mỹ, Ấn Độ và Úc nhằm thúc đẩy tự do thương mại và hợp tác quốc phòng cả trên bộ và trên biển giữa 4 nước với phạm vi trải dài từ Đông Nam Á, Nam Á, Trung Á đến tận Trung Đông và châu Phi.

Đây là thông tin được Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Taro Kono tiết lộ với nhật báo Nikkei hôm 26-10. Theo ông Kono, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ chính thức đề xuất ý tưởng trên tại cuộc gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump, dự kiến diễn ra ngày 6-11.

Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản cho biết thêm mục đích của cuộc đối thoại là bảo đảm một khu vực hàng hải hòa bình trải dài từ châu Á đến châu Phi. "Những vùng biển mở và tự do sẽ mang lại lợi ích cho mọi quốc gia, trong đó có cả Trung Quốc" - ông Kano nhận định.

Tokyo dự kiến sẽ đóng vai trò quan trọng không chỉ trong cuộc đối thoại mà còn trong nỗ lực bảo đảm tự do đi lại tại các vùng biển, trong đó có biển Đông. Ngoài ra, đề xuất trên còn nhằm thúc đẩy đầu tư phát triển hạ tầng chất lượng cao khắp châu Á và châu Phi.

Theo tờ Nikkei, thông qua ý tưởng trên, Nhật Bản muốn đối phó với sự mở rộng ảnh hưởng mạnh mẽ của Trung Quốc tại châu Á nói riêng và thế giới nói chung, trong khuôn khổ sáng kiến "Vành đai và Con đường".

Kế hoạch này được xem là một phương tiện giúp Bắc Kinh thể hiện vai trò lớn hơn trên trường quốc tế thông qua việc cấp vốn và xây dựng mạng lưới giao thông, thương mại toàn cầu tại hơn 60 quốc gia.

Thông tin trên được tiết lộ giữa lúc chính quyền Tổng thống Donald Trump đang nỗ lực tăng cường quan hệ quân sự và ngoại giao với Ấn Độ để làm đối trọng với Trung Quốc ở châu Á.

Tại cuộc gặp Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Sushma Swaraj hôm 25-10, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson nói Washington ủng hộ sự trỗi dậy của Ấn Độ như một cường quốc hàng đầu và sẵn sàng cung cấp cho New Delhi công nghệ quân sự tiên tiến.

Đề cập tình hình Triều Tiên, bà Swaraj cho biết New Delhi đã cắt giảm giao dịch thương mại với Bình Nhưỡng theo sau các biện pháp trừng phạt mới nhất của Liên Hiệp Quốc.

Tuy nhiên, nữ bộ trưởng này khẳng định sẽ không đóng cửa đại sứ quán tại Bình Nhưỡng giữa lúc Mỹ đang thúc đẩy cộng đồng quốc tế tăng cường cô lập Triều Tiên. Theo bà Swaraj, cần duy trì sự hiện diện ngoại giao ở một mức độ nào đó tại Triều Tiên để các kênh liên lạc không bị đóng hoàn toàn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại