ĐỐI THỦ - CHIẾN HỮU THÂN THIẾT CỦA BẦU ĐỨC
Tối muộn ngày 15/12/2018, một nhà hàng tại Đà Nẵng đóng cửa trễ hơn so với bình thường. Không khí trong quán cực kì náo nhiệt. Một nhóm đàn ông lớn tuổi mặc áo đỏ sao vàng vẫn đang vui vẻ chúc tụng nhau.
Thậm chí, người ta còn thấy những "anh già" ấy công kênh một người đàn ông, tung lên cao rồi không ngừng hô vang "Việt Nam vô địch". Người đang được cả nhóm tung hô ấy chính là đại gia Đoàn Nguyên Đức. Còn trong số những người công kênh ông, có một đại gia khác rất nhiệt tình hò hét là ông Võ Quốc Thắng. Tối ấy, Việt Nam lần thứ 2 vô địch AFF Cup, sau 10 năm mòi mỏi chờ đợi.
Gần nửa năm sau, một quán ăn lại TP.HCM lại đóng cửa muộn. Vẫn những khuôn mặt ấy, lần này họ mặc thường phục khi vội chạy đến quán khi vừa dứt ra khỏi bộn bề công việc. Người vội vã từ Gia Lai xuống, người bay vội từ Hà Nội về. Bầu Thắng, bầu Đức lại được dịp ôm nhau, ăn mừng Việt Nam hơn 10 năm mới lại thắng Thái Lan. Đấy là trận thầy trò HLV Park Hang-seo thắng Voi chiến trên chính xứ Chùa vàng ở King's Cup 2019.
Những năm gần đây, khi bầu Thắng không còn tốn quá nhiều thời gian vì bóng đá, người ta thấy ông hay gặp và "nhậu" cùng bầu Đức. Còn trước đấy, hai ông có vẻ ít "chén tạc chén thù" hơn nhưng cũng đã là cặp địch thủ - bạn bè thân thiết từ rất lâu.
Dưới tay bầu Đức, HAGL là thế lực cực mạnh của V.League những năm trước 2010. Họ vô địch liền 2 mùa 2003, 2004 và sau đấy luôn nằm trong top cao. Còn Long An vô địch cũng liền 2 mùa sau HAGL là 2005, 2006. Ở giai đoạn này, cuộc đại chiến giữa Long An vs HAGL, hay còn gọi đại chiến Gạch - Gỗ luôn là tâm điểm của giải đấu.
Sau này, khi Long An và HAGL đi xuống, cuộc đại chiến cũng "mất giá" nhưng với 2 ông bầu, nó vẫn có ý nghĩa cực kì đặc biệt. Năm 2017, bầu Thắng còn tiết lộ một cuộc cá cược thú vị với bầu Đức.
Cụ thể, nếu Long An không thăng hạng V.League 2018 thì ông sẽ phải cạo bộ râu kẽm của mình. Ngược lại, nếu HAGL của bầu Đức không thể lọt top 5 mùa đó, ông cũng sẽ phải cạo râu. Tất nhiên, cuộc cá cược này tính ra hơi "bất lợi" cho bầu Thắng, vì bộ râu kẽm đã là "thương hiệu" của ông rồi còn bầu Đức có mấy khi... nuôi râu đâu...
CÁI KẾT BUỒN CHO MỘT ĐẠI GIA NHIỆT HUYẾT
Cuối năm 2017 là một cột mốc quan trọng của bầu Thắng, khi ông mãn nhiệm Chủ tịch VPF và rời khỏi tổ chức này, nhường ghế cho ông Trần Anh Tú. Đáng tiếc, khi vừa rời ghế, ông lại dính một pha mà báo chí khi đó gọi là "bỏ bóng đá người".
Đã có những thông tin cáo buộc VPF dưới thời ông Võ Quốc Thắng chi tiêu không hợp lý, chi phí cho VPF còn cao hơn cho các giải đấu. Trước những tin đồn này, ông Thắng buộc phải lên tiếng giãi bày.
"Nếu các anh nhiệm kỳ mới sòng phẳng và tử tế trao đổi hay thắc mắc thì tôi sẽ trả lời một cách rất rõ ràng và sòng phẳng. Tôi thấy có sự nhầm lẫn rất đáng tiếc.
Họ nghĩ số tiền chi cho ban tổ chức giải ghi trong báo cáo là chi cho nhân viên của VPF nhưng không phải. Nó chủ yếu chi cho công tác trọng tài, giám sát, thành viên ban kỷ luật... trong một mùa giải.
Tài liệu báo cáo tài chính mà cổ đông nào đó cung cấp có thể chưa đầy đủ các chi tiết. Tôi khẳng định các thành viên HĐQT thời tôi làm suốt sáu năm không nhận một đồng tiền lương của VPF".
Sau lần chuyển giao quyền lực, quan hệ giữa bầu Thắng và bầu Tú nhanh chóng xấu đi.
Ông tâm sự thêm: "Chính tôi phải đi xin hai chiếc xe hơi để anh em đi công tác, còn bản thân tôi đi chỗ này chỗ kia làm việc cho VPF đều tự túc. Ăn uống, đổ xăng cũng tiền túi của tôi. Thậm chí tôi còn hỗ trợ cho VPF hàng chục tỉ đồng trong thời gian đảm nhiệm cương vị chủ tịch VPF".
Bên cạnh cáo buộc VPF dưới thời ông Võ Quốc Thắng chi tiêu bất hợp lý, còn có thông tin ngay khi ông rời đi, quỹ của tổ chức về con số âm. Bầu Thắng phản bác:
"Tôi không biết ai nói ra điều đó nhưng sổ sách vẫn còn 20 tỉ đồng thì không thể nói dối. Trước khi có VPF hồi năm 2012, các CLB làm gì có tiền hỗ trợ.
Còn trong sáu năm tôi làm Chủ tịch, VPF đã chi gần 80 tỉ đồng cho các CLB, chi cho VFF 61 tỉ, 100 triệu đồng phục vụ công tác đào tạo trẻ. Chúng tôi làm ở VPF đơn giản là kiếm tiền rồi chia đều, có nhiều chia nhiều, có ít chia ít chứ cá nhân tôi không tư lợi một đồng nào của VPF".
Trước đó, vào đầu năm 2017, bầu Thắng từng đón một cú sốc khác. Tại vòng 6 V.League, Long An đã bỏ đá những phút cuối trận trên SVĐ Thống Nhất của TP.HCM để phản đối các quyết định của trọng tài Nguyễn Trọng Thư.
Hành vi này của Long An không chỉ làm xấu hình ảnh CLB, mà còn làm xấu cả V.League lẫn bóng đá Việt Nam, khiến nền túc cầu của chúng ta trở thành trò cười trên mặt báo quốc tế. Với một người yêu bóng đá Việt Nam nhiều như bầu Thắng, dĩ nhiên đấy là một nỗi đau.
Thời điểm ấy, bầu Thắng không còn làm Chủ tịch CLB nhưng vẫn đứng sau tài trợ và chăm nom, còn người trực tiếp điều hành là em trai ông, Võ Thành Nhiệm. Ông Nhiệm, đáng tiếc cũng là người chạy xuống phản ứng gay gắt với trọng tài, để rồi sau đó bị phạt cấm tham gia các hoạt động bóng đá do VFF tổ chức trong 3 năm.
Đến tháng Tư năm 2018, thất vọng với việc bầu Tú kiêm nhiệm quá nhiều chức vụ tại VPF cũng như các nơi khác mà còn muốn tranh chức Phó chủ tịch VFF, bầu Thắng từng tuyên bố cân nhắc dừng tài trợ cho CLB Long An. Rất may sau đó, điều này không xảy ra. Dù thời gian qua gần như "bỏ bóng đá" mà chủ yếu chỉ tập trung kinh doanh, bầu Thắng vẫn bỏ tiền duy trì CLB hiện đang đá ở giải hạng Nhất.
ĐÊM HÀ NỘI BUỒN NĂM 1998 VÀ CÁI TÂM CỦA NGƯỜI YÊU BÓNG ĐÁ, YÊU ĐẤT NƯỚC VIỆT NAM
Nếu tính về thời gian bắt đầu làm bóng đá, bầu Thắng thậm chí bắt đầu trước cả bầu Đức. Năm 1998, khi ra Hà Nội xem Chung kết AFF Cup giữa Việt Nam vs Singapore, ông Thắng đau quặn tim giống hàng triệu CĐV chủ nhà khác vì cái vai của Sasi Kumar.
"Đấy là một trong những khoảnh khắc ám ảnh tôi đến tận bây giờ. Và trong cái đêm định mệnh ấy, tôi giống như một đứa trẻ lang thang, vô định. Giữa đêm Hà Nội buồn, tôi luôn suy nghĩ về trận thua lịch sử đến lặng người. Sự bức xúc kèm theo một ý chí sôi sục, tôi nghĩ mình cần phải làm được điều gì đó cho bóng đá Việt Nam" - bầu Thắng nhớ lại.
Bầu Thắng từng một thời khuấy đảo V.League.
Suy tư vì bóng đá nước nhà, năm 2000, bầu Thắng đầu tư vào bóng đá Long An và CLB có tên Gạch Đồng Tâm Long An ra đời.
Trong lịch sử CLB, việc đưa HLV Calisto về dẫn đội là một điểm sáng của bầu Thắng. Cũng chính HLV này đã đưa Long An lên ngôi vô địch liền 2 năm 2005, 2006. Và ông Võ Quốc Thắng cũng là người có công để thầy Tô lên dẫn dắt ĐTQG Việt Nam, từ đó mới có chức vô địch AFF Cup năm 2008.
Đi đến năm 2018, mới thấy sự trùng hợp của 2 ông bạn Võ Quốc Thắng - Đoàn Nguyên Đức: Hai ông bầu đã mang về hai HLV giúp Việt Nam vô địch AFF Cup.
"HLV Calisto thực sự là một nhà quản lý, một huấn luyện viên tài năng và ông đã dạy cho tôi nhiều điều về bóng đá chuyên nghiệp. Tôi còn nhớ, trong chuyến đi Italia công tác, tôi đã sang Bồ Đào Nha thăm HLV Calisto và được ông dẫn đi thăm nhiều CLB hàng đầu ở nước này. Ông nói về cách thức điều hành của từng CLB, về việc kinh doanh và phát triển của các đội bóng chuyên nghiệp" - bầu Thắng ca ngợi HLV Calisto.
Bầu Thắng ôm HLV Calisto khi Việt Nam vô địch AFF Cup 2008.
Năm 2019, gần một năm sau khi vắng bóng trên các trang báo bóng đá Việt Nam, bầu Thắng từng tâm sự ông vẫn ấp ủ việc quay trở lại. Ông hiện đang suy tính việc làm bóng đá trẻ như ông bạn Đoàn Nguyên Đức hay bầu Hiển. Và ông cũng nghĩ việc trở lại V.League cùng Long An, khi giải đấu chuyên nghiệp hơn.
"Làm bóng đá suy cho cùng là làm sao đóng góp cầu thủ cho đội tuyển quốc gia một cách tốt nhất. Tôi đang cố làm tốt công việc kinh doanh của mình. Khi ổn định, tôi sẽ quay lại góp phần phát triển bóng đá Việt Nam hơn nữa.
Bóng đá muốn phát triển tốt thì cần ươm mầm tốt. Trong đầu tôi đang ấp ủ thành lập vài trung tâm đào tạo trẻ, không chỉ một mình tôi làm mà nhiều người cùng làm. Thời điểm nào và thành lập ở đâu thì chưa tiện tiết lộ.
Khi nào môi trường bóng đá Việt Nam chuyển biến tích cực thì chúng tôi sẽ trở lại V-League với tên gọi Đồng Tâm Long An. Khi đó, chúng tôi sẽ không tiếc tiền đầu tư để CLB tranh chấp chức vô địch cũng như thúc đẩy bóng đá Việt Nam phát triển" - bầu Thắng nói trên báo Tuổi Trẻ.
Gần 20 năm gắn bó với bóng đá Long An, gần 5 năm là "ông trùm" của bóng đá Việt với chức vụ Chủ tịch VPF, bầu Thắng để lại nhiều thiện cảm trong lòng NHM nước nhà. Nhưng phải khi ông rời đi rồi, người ta mới thật sự thấy tiếc nuối một đại gia đầy nhiệt huyết. Hy vọng ông sẽ sớm trở lại, để bóng đá Việt có thêm một cây trụ chống đỡ, hòng tiến lên phía trước.
Bài viết nằm trong tuyến SỬ THI BÓNG ĐÁ VIỆT, xem thêm tại đây!