Các tàu hộ vệ F122 Bremen lần lượt hoạt động trong Hải quân Đức vào giai đoạn 1982 - 1990, thiết kế của chúng tương tự lớp Kortenaer của Hà Lan nhưng có sự khác biệt về kết cấu khung thân cũng như hệ thống động lực.
Mặc dù vai trò chính là chống ngầm nhưng Bremen lại không được lắp đặt thiết bị định vị thủy âm (sonar) dạng kéo mà chỉ có loại gắn cố định vào thân. Tuy nhiên F122 lại có khả năng phòng không và chống tàu mặt nước khá tốt.
Lớp chiến hạm này là một trong những thế hệ cuối cùng được xây dựng theo các hạn chế về lượng giãn nước mà Liên minh Tây Âu áp dụng lên Tây Đức sau chiến tranh thế giới.
Theo dự kiến, Hải quân Đức sẽ thay thế toàn bộ 8 tàu lớp Bremen bằng F125 Baden-Württemberg bắt đầu từ năm 2016. Trong thời gian chuyển tiếp, F122 vẫn sẽ giữ vai trò xương sống của Hải quân Đức.
Tàu hộ vệ F214 Lübeck lớp Bremen
F122 Bremen có lượng giãn nước đầy tải 3.680 tấn; chiều dài 130,5 m; chiều rộng 14,6 m; mớn nước 6,3 m; thủy thủ đoàn 202 người và thêm 20 nhân viên hàng không.
Tàu được trang bị động cơ CODOG (kết hợp diesel và turbine khí) bao gồm 2 động cơ diesel MTU 20V956 TB92 8,14 MW (10.920 mã lực), 2 turbine khí General Electric LM2500 38 MW (51.000 mã lực), 4 máy phát điện diesel Deutz MWM 750 kW (1.010 mã lực), cho tốc độ 30 hải lý/h (56 km/h), tầm hoạt động 4.000 hải lý khi chạy với vận tốc 18 hải lý/h (33 km/h).
Hệ thống điện tử của F122 khá đồ sộ gồm radar trinh sát đường không EADS TRS-3D, radar WM 25 kết hợp cả hai chế độ tìm kiếm bề mặt lẫn điều khiển hỏa lực, radar kiểm soát hỏa lực Thales Nederland STIR 180, radar dẫn đường hàng hải Kelvin Hughes Nucleus 5000, sonar STN Atlas DSQS-23BZ, đi kèm hệ thống gây nhiễu, phóng mồi bẫy, chống ngư lôi...
Vũ khí của F122 Bremen tương đối toàn diện, trong đó đáng chú ý nhất là 8 tên lửa hành trình chống hạm RGM-84 Harpoon, 8 tên lửa phòng không RIM-7 Sea Sparrow, 2 bệ phóng Mk 49 với 42 tên lửa RIM-116 Rolling Airframe, 8 ngư lôi chống ngầm cỡ 324 mm loại DM4A1 hoặc Mk 46, sàn đáp và nhà chứa phía đuôi cho phép mang theo 2 trực thăng Sea Lynx Mk.88A.
Tàu hộ vệ F208 Niedersachsen lớp Bremen tại New York thời điểm năm 2004
Tuy rằng đã phục vụ trên dưới 30 năm nhưng tàu chiến nói riêng cũng như các trang thiết bị quân sự của Đức nói chung vẫn luôn được đánh giá cực cao về chất lượng, thậm chí còn là số một hiện nay.
Theo nhận xét của một số chuyên gia quân sự, lớp tàu hộ vệ săn ngầm F122 Bremen có rất nhiều ưu điểm khi so sánh với Oliver Hazard Perry (FFG-7) mà Mỹ đã chuyển giao cho nhiều quốc gia đồng minh sau khi loại biên.
Ví dụ như chúng sở hữu năng lực tác chiến mạnh toàn diện nhờ được trang bị các loại vũ khí, khí tài tiên tiến, chưa bị cắt bỏ hầu hết như FFG-7, động cơ tàu thủy Đức có độ tin cậy hàng đầu thế giới...
Khó khăn hiện hữu nếu muốn mua lại F122 cũ có lẽ chỉ là các bước đàm phán với Mỹ (do trên tàu có rất nhiều chủng loại xuất xứ Hoa Kỳ) mà thôi, nhưng nếu không vướng lệnh cấm vận vũ khí sát thương thì đây chẳng phải vấn đề quá lớn.
Tóm lại, các tàu hộ vệ săn ngầm F122 Bremen sắp nghỉ hưu của Đức là món hàng thanh lý chất lượng khá cao, sẽ nhanh chóng nâng cao năng lực tác chiến cho nhiều lực lượng Hải quân nhỏ có ngân sách hạn chế. Dự kiến đây sẽ món hàng được săn đón trên thị trường vũ khí toàn cầu.