Eduard Kuznetsov (phải) bị kết án tử hình trong vụ cướp máy bay bất thành. Ảnh: RBTH
Ngày 24/12/1970, các kênh truyền hình tại Mỹ như nổ tung với tin tức được phát đi từ Liên Xô. “Leningrad ngày hôm nay kết án tử hình hai đối tượng có âm mưu cướp máy bay.
Đây là lần đầu tiên có án tử hình liên quan đến một vụ không tặc”, người dẫn chương trình kênh NBC thông báo. Vụ xét xử này sau đó đã gây làn sóng phản ứng mạnh mẽ trên thế giới, buộc Liên Xô phải giải quyết cái gọi là “vấn nạn người Do Thái”.
Cuộc chiến 6 ngày và “Chiến dịch Đám cưới”
Trong những năm đầu thập kỉ 1970, có một làn sóng di cư khỏi Liên Xô. Để rời khỏi Liên Xô và đến một nước khác, công dân cần phải có thị thực rời đi (exit visa), một thủ thục cấp phép chính thức của chính quyền đối với hoạt động di cư. Trên thực tế, nhiều người coi đây là rào cản không thể vượt qua. Vấn đề trở nên nghiêm trọng đến mức ở Liên Xô thời điểm này xuất hiện cả cụm từ “Otkazniki” – “Những người bị từ chối di cư”.
Trong cộng đồng Do Thái ở Liên Xô có nhiều người thuộc diện này. Việc Liên Xô đứng về khối liên minh Arab trong cuộc chiến Israel-Arab lần thứ 3 (Chiến tranh Sáu ngày) năm 1967, đã tạo ra rạn nứt, căng thẳng chưa từng có trong quan hệ giữa Liên Xô và Israel, nhưng mặt khác lại củng cố đoàn kết xã hội trong cộng đồng người Do Thái ở Liên Xô.
“Tại thời điểm đó, Tổng thống Ai Cập Abdel Nasser thăm Moskva. Ông ta công khai tuyên bố Israel là ‘khối u trên bản đồ thế giới’ và phải bị tiêu diệt. Không một nhà lãnh đạo Liên Xô nào phản đối quan điểm này. Điều đó khiến tôi tức giận tột độ”, Mark Dymshits, một trong những người cầm đầu chiến dịch bắt cóc máy bay chia sẻ.
Nhiều người Do Thái trên khắp Liên bang Xô Viết bày tỏ mong muốn được hồi hương, trở lại đất mẹ Israel. Nhưng chính quyền Liên Xô không muốn như vậy. Bởi dòng người di cư đó có thể phá hoại sự ổn định trong nước, làm xấu đi hình ảnh của Liên Xô trên trường quốc tế. Bất bình với chính quyền, một nhóm nhỏ người Do Thái ở Liên Xô lên kế hoạch đầy táo bạo để trở về Israel: Đánh cắp máy bay.
Sáng 15/6/1970, 16 người Liên Xô gốc Do Thái – những người bị từ chối thị thực di cư - xuất hiện tại sân bay Smolny gần Leningrad. Đóng vai một nhóm du khách trên đường đi dự đám cưới ở Stockholm, Thụy Điển - cũng là lý do đặt tên cho chiến dịch này, số này có kế hoạch đi tới Sortavala, một thành phố thuộc Liên Xô gần biên giới Phần Lan. Điểm hạ cánh là Priozersk, một thành phố gần biên giới.
Kế hoạch cướp máy bay được lên lịch gần một năm trước có ý tưởng khá rõ ràng. Nhóm sẽ đặt vé, di chuyển trên một máy bay cỡ nhỏ, bao toàn bộ ghế ngồi, để không có người lạ mặt xuất hiện trên chuyến bay ngoại trừ phi hành đoàn. Khi hạ cánh xuống Priozersk, nhóm này sẽ chiếm quyền điều khiển máy bay, không chế, nhưng không làm hại phi công.
Từ đây, một người trong nhóm sẽ lái máy bay dọc theo biên giới Phần Lan, ra khỏi không phận Liên Xô và hướng tới Thụy Điển. Khi đáp xuống sân bay an toàn, số này sẽ đầu hàng nhà chức trách Thụy Điện và công khai mong muốn được di chuyển tới Israel.
“Tôi không hề nghi ngờ gì việc cả nhóm sẽ bị bắt. Nhưng tôi nghĩ sau khi thụ án xong, việc rời khỏi Liên Xô sẽ dễ dàng hơn”, Eduard Kuznetsov, một trong những người cầm đầu kế hoạch này chia sẻ. Nhưng không phải ai cũng có quan điểm bi quan như Kuznetsov. Nhiều người rất hứng thú với kế hoạch về một sứ mệnh mạo hiểm này.
“Chỉ những người say sưa, hào hứng như chúng tôi mới không biết rằng chuyến bay này thực sự là một cái bẫy đã giương sẵn”, Anatoly Altman, một trong những người tham gia kế hoạch cướp máy bay nói.
Altman muốn nhắc đến một chuyến bay quá hoàn hoàn, thuận lợi, xuất hiện kỳ diệu ngay khi nhóm người Liên Xô gốc Do Thái chuẩn bị ra tay hành động. Trên thực tế, chuyên bay đã được KGB giương bẫy sẵn, sau khi cơ quan tình báo này thu được các cuộc đàm thoại, trao đổi trong nội bộ nhóm và theo sát mọi động thái kể từ thời điểm đó.
Khi nhóm tiến ra máy bay đang đậu sẵn trên đường băng, nhân viên KGB lập tức xuất hiện và bắt giữ họ. 16 người này nhanh chóng bị đem ra xét xử trong phiên tòa kéo dài từ ngày 12-24/12/1970.
Cả nhóm bị kết tội “phản quốc”, “có âm mưu đánh cắp tài sản xã hội chủ nghĩa giá trị lớn”, “có hành vi tuyên truyền, kích động chống Liên Xô”. Bản án được đưa ra rất hà khắc: Mark Dymshits và Eduard Kuznetsov – hai người cầm đầu kế hoạch, bị kết án tử hình. Số còn lại bị tù giam nhiều năm.
Kết cục hậu phiên xét xử
Biểu tình trên đường phố Tel Aviv, Israel nhằm phản đối bản án mà tòa án Leningrad đưa ra đối với nhóm người Liên Xô gốc Do Thái. Ảnh: RBTH
Phiên tòa cùng với những mức án nặng tay gây ra làn sóng phản ứng mạnh mẽ trên thế giới. Nhiều nước phản đối phán quyết, lãnh đạo một số nước lên tiếng yêu cầu chính quyền Liên Xô ban hành lệnh ân xá, giảm án.
Điều này bắt nguồn từ chính lời bào chữa của các bị cáo tại phiên xét xử, khi mọi người đều không đề nghị được ân xá, vẫn nhất mực công khai mong muốn được rời khỏi Liên Xô và trở về Israel.
Trước sức ép dư luận từ bên ngoài, chính quyền Liên Xô đã giảm án với hầu hết nhóm người có âm mưu đánh cắp máy bay. Riêng mức án tử hình của Mark Dymshits và Eduard được giảm xuống còn 15 năm tù giam.
Cuối cùng, cả hai người này đều được trả tự do sau một điệp vụ đánh đổi điệp viên giữa Mỹ và Liên Xô trong năm năm 1979. Eduard sau đó trở về Israel và trở thành tổng biên tập một tờ báo tiếng Nga. Số còn lại đều được tự do sau khi chấp hành xong án phạt.
Âm mưu vụ bắt cóc máy bay cùng phiên tòa xét xử sau đó và phản ứng quốc tế cũng đã tạo ra những dịch chuyển lớn trong chính sách đối nội tại Liên Xô. Một năm sau phiên xét xử, số lượng thị thực di cư được cấp lớn hơn nhiều so với tổng 10 năm trước đó cộng lại. Hai năm sau, số lượng thị thực được cấp lên đến 32.000 chiếc. Tính trong cả thập kỉ 1970, đã có khoảng 150.000 người Do Thái tại Liên Xô trở về Israel.
Khi Liên Xô sụp đổ năm 1991, lại có thêm hàng chục nghìn người Do Thái di cư về Israel. Ngày nay, cộng đồng người Do Thái có nguồn gốc từ các nước thuộc không gian hậu Xô viết trở thành một bộ phận quan trọng trong cơ cấu dân số của Israel.