Chiến dịch Bình Minh Đỏ: Sai lầm thô thiển khiến Mỹ không thể bắt được Saddam Hussein sớm hơn

My Lê |

Bộ bài 55 lá là một trong những tài liệu quan trọng trong cuộc truy bắt Saddam Hussein. Nhưng khá lâu sau khi hơn nửa "bộ bài" đã nằm trong tay Mỹ, Hussein vẫn bặt vô âm tín.

15 năm trước, vào khoảng 20h30 ngày 13/12/2003, cựu Tổng thống Iraq Saddam Hussein bị lực lượng liên quân Mỹ tham gia Chiến dịch Bình Minh Đỏ bắt sống. Trước đó, dù người Mỹ đã lên kế hoạch rất tỉ mỉ, họ cũng không thể ngờ rằng chiến dịch lại mất nhiều thời gian, công sức đến thế. Bởi ngay từ đầu, họ đã sai lầm...

-----

Bộ bài 55 lá từng là một trong những tài liệu không thể không mang theo người của mọi binh lính Mỹ trong cuộc truy bắt cựu Tổng thống Iraq bị lật đổ Saddam Hussein.

Nhưng khá lâu sau khi hơn nửa bộ bài được hạ xuống, con đường tìm tới nơi ẩn náu của Hussein vẫn mịt mù, Mỹ mới nhận ra mình đã sai ngay ở việc đọc tên các mục tiêu.

Bộ tài liệu đặc biệt

Một ngày sau khi nắm quyền kiểm soát thủ đô Baghdad, Liên quân Mỹ tham gia chiến dịch Bình Minh Đỏ, nhằm truy bắt cựu Tổng thống vừa bị lật đổ Saddam Hussein, đã phát cho mỗi thành viên trong lực lượng của mình một bộ tài liệu đặc biệt.

Đó là bộ bài gồm 55 lá, mỗi lá gồm ảnh, tên và chức vụ của các thành viên trong chính quyền Iraq mà Mỹ cần phải bắt giữ để lần ra tung tích Mục tiêu Tối thượng.

Chiến dịch Bình Minh Đỏ: Sai lầm thô thiển khiến Mỹ không thể bắt được Saddam Hussein sớm hơn - Ảnh 1.

4 quân bài "mạnh nhất" trong bộ bài 55 lá do DIA cung cấp. Nguồn: history.army.mil

Một ý tưởng không tồi của Cục tình báo Quốc phòng Mỹ DIA, thay thế cho bản danh sách dài những cái tên khó nhớ, nhiều gương mặt chưa một lần gặp và chức vụ tương ứng, được xếp theo độ mạnh của từng lá bài.

Saddam Hussein là lá Át bích - quân bài đặc biệt nhất, đại diện cho quyền lực và sức mạnh tối cao. Hai người con trai, Uday và Qusay, lần lượt nằm ở lá Át Cơ và Át Tép.

Hơn 1 tháng sau, 29 trong số những quân bài này được hạ xuống, khi các nhân vật được in trên đó bị bắt hoặc đầu hàng Liên quân. Cả 2 con trai của Hussein cũng bị bắt vào cuối tháng 7. Nhưng hành trình truy bắt cựu Tổng thống Iraq vẫn chưa được rút ngắn.

Phải tới tháng 10, Mỹ mới thu hẹp được vòng vây, xác định được nhân vật có khả năng được Hussein tin tưởng giao phó tính mạng trong những ngày tháng bị truy đuổi. Và phải mất thêm 2 tháng nữa, Liên quân mới tìm được đúng người cần tìm - kẻ dẫn họ tới nơi cựu lãnh đạo Iraq ẩn náu.

Tuy nhiên, việc lần ra những manh mối quan trọng lại không có công của bộ bài 55 lá này. Nhân vật nắm giữ “chìa khóa” để bắt giữ Hussein cũng chẳng hề trong tên trong bộ bài. Bởi ngay từ đầu, khi phát ra bộ bài, Mỹ đã mắc một sai lầm mà phải mất nhiều thời gian, công sức mới thực sự nhận ra.

Chiến dịch Bình Minh Đỏ: Sai lầm thô thiển khiến Mỹ không thể bắt được Saddam Hussein sớm hơn - Ảnh 2.

Những quan chức cấp cao, từng nhiều lần xuất hiện bên cạnh Hussein những ngày ông này còn đương chức, đều không phải là người mà ông tìm tới khi gặp hoạn nạn. Ảnh tư liệu

Nhầm mục tiêu vì…không biết cách đọc tên

"Chiến công" lớn nhất của Mỹ ở thời điểm đầu là bắt được “vị tướng Át Rô” - Abid Hamid Mahmoud al-Khatab, thư ký riêng, người được mệnh danh là “cái bóng của Hussein”. Trong tất cả các bức ảnh chụp Hussein thời còn đương nhiệm chưa bao giờ vắng mặt người đàn ông này, bất cứ ai muốn tiếp cận cựu lãnh đạo Iraq đều buộc phải đi qua “cửa” Al-Khatab.

Báo chí khi ấy từng coi đây là một bước ngoặt của chiến dịch. Nhưng thực tế, trong cuộc thẩm vấn, al-Khatab trả lời rằng ông ta đã mất dấu ông chủ của mình, sau khi Hussein nói rằng, tất cả phải chia nhau ra thì mới mong sống sót.

Điều này không những chẳng giúp được gì, mà còn mang tới tin xấu hơn: Nếu al-Khatab còn sống, tức là Hussein vẫn còn sống. Vị cựu lãnh đạo Iraq có vẻ cũng không tìm kiếm sự bảo vệ từ các cận vệ tên trong bộ bài.

Có nghĩa là, ngay từ khi bắt đầu tìm kiếm theo chỉ dẫn của bộ bài 55 lá, quân đội Mỹ đã nhắm sai mục tiêu. Nếu muốn bắt được Hussein, phải điều tra lại từ đầu.

Ngoài bộ bài, Mỹ còn có một bản danh sách mở rộng, gọi là Danh sách Đen, gồm hàng trăm người. Trong số đó, cũng có một số mục tiêu giá trị nằm gần cuối danh sách, lẫn giữa những người bị nhận dạng sai, hoặc vô tội, hoặc cả hai.

Nhưng bản danh sách này cũng đầy bất cập. Một trong nhưng mục tiêu của cuộc vây bắt, được liệt vào hàng nguy hiểm, hóa ra lại là 1 cậu bé 12 tuổi vô hại.

Chiến dịch Bình Minh Đỏ: Sai lầm thô thiển khiến Mỹ không thể bắt được Saddam Hussein sớm hơn - Ảnh 3.

Abid Hamid Mahmoud al-Khatab, nhân vật thân tín bậc nhất của Hussein (bên trái) đã mất dấu của ông chủ sau khi chính quyền Iraq bị Mỹ lật đổ. Ảnh tư liệu

Trung tá Steve Russell, Chỉ huy trưởng Trung đoàn 22 (Sư đoàn Bộ binh số 1) – một thành viên của Liên quân, thừa nhận, một sai lầm cơ bản khiến Liên quân nhiều lần bắt giữ sai người là bởi, Mỹ hoàn toàn không biết cách đọc tên người Iraq.

Tên đầy đủ của một người Iraq được ghép lại bởi 5 cái tên, theo thứ tự: Tên thật – Tên bố - tên ông nội – Họ - Quê quán. Việc không hiểu rõ điều này khiến những lá bài bị sai ngay từ khâu soạn thảo nội dung. Chỉ khi bắt đầu “giải mã” được những cái tên, họ mới bắt đầu lập được đúng cây gia phả của từng đối tượng và tìm ra người thực sự có mối liên hệ với Hussein.

Thêm nữa, những "kiến trúc sư" của chiến dịch đã không hiểu được thực tế rằng, xã hội Iraq vận hành hoàn toàn khác xã hội Mỹ. Về bản chất, chính quyền của Hussein được xây dựng trên các truyền thống của các bộ lạc cổ xưa của đất nước - một di sản mà ông hoặc bị ép buộc, hoặc phải tìm cách thích nghi, tùy vào việc cần bao nhiêu sự ủng hộ.

Khi Baghdad sụp đổ, các thể chế của chính quyền Saddam sụp đổ theo, quyền lực của các quan chức cấp cao cũng tiêu tan. Iraq một lần nữa lại được điều hành bởi mạng lưới các bộ tộc.

Trong số 55 lá bài, rất nhiều nhân vật tầm trung, như Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề dân tộc (lá Chín Tép) hay Bộ trưởng Bộ Thương mại (lá Sáu Cơ), và việc bắt giữ họ không thực sự giúp ích được gì cho chiến dịch hay ngăn chặn các cuộc nổi dậy.

Jerrold M.Post, cựu Giám đốc Trung tâm Phân tích Nhân cách và Hành vi chính trị của CIA nhận định, khi không còn quyền lực nữa, Hussein không thể bắt thuộc cấp tuân lệnh, và thay vì dựa vào các cận thần, ông sẽ tìm tới những người mình tin tưởng nhất.

Nếu không gặp phải những sai lầm này, có lẽ chiến dịch Bình Minh Đỏ đã có thể kết thúc sớm hơn. Bởi nhân vật chủ chốt – một người đàn ông béo phệ, mặc áo sọc nâu, đeo kính râm, đã xuất hiện ngay bên cạnh Hussein, trong đoạn video ghi lại những hình ảnh cuối cùng của cựu Tổng thống Iraq giữa một biển người ủng hộ trước khi bỏ trốn.

Nhưng khi đó, Liên quân Mỹ lúc ấy chỉ đi theo “tiếng gọi” của bộ bài, chẳng mảy may quan tâm tới những tình tiết xung quanh.

(Còn tiếp...)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại