Chiến đấu cơ Su-57 là lựa chọn duy nhất đủ sức đấu với J-20?

Quang Hưng |

Sở hữu lực lượng không quân lớn thứ 4 thế giới, tuy nhiên quốc gia này vẫn chưa có cho riêng mình chiến đấu cơ thế hệ thứ 5.

Không quân Ấn Độ (IAF) được coi là lực lượng không quân lớn thứ tư trên thế giới. Mặc dù quốc gia này đang thực hiện dự án phát triển máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm Sukhoi/HAL (FGFA) dựa trên thiết kế Su-57 của Nga, nhưng IAF vẫn chưa có máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm.

Trong khi đó, Trung Quốc đang phát triển nhanh chóng phi đội máy bay chiến đấu J-20 với gần 250 chiếc đang hoạt động. Những chiếc J-20 đã được phát hiện tại các căn cứ không quân dọc theo đường kiểm soát thực tế (LAC) giữa hai nước. Chính vì vậy, nếu Ấn Độ sở hữu được máy bay Su-57, sẽ góp phần cân bằng sức mạnh không quân tại những khu vực căng thẳng.

Chiến đấu cơ Su-57 là lựa chọn duy nhất đủ sức đấu với J-20?- Ảnh 1.

Chiến đấu cơ Su-57

Sukhoi Su-57 là máy bay chiến đấu tàng hình đa năng hai động cơ, được phát triển vào năm 1999 với tên gọi T-50. Đây là máy bay tàng hình đầu tiên được thiết kế cho Quân đội Nga.

Năm 2009, thiết kế của máy bay đã chính thức được phê duyệt, chuyến bay đầu tiên diễn ra vào ngày 29/1/2010. Đến tháng 7/2017 thì T-50 được đặt tên là Su-57 và được đưa vào sử dụng trong Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga từ năm 2020. Tính đến thời điểm hiện tại, 32 chiếc đã được chế tạo, bao gồm 10 mẫu thử nghiệm và 22 chiếc sản xuất.

Su-57 được thiết kế cho các nhiệm vụ chiếm ưu thế trên không và cũng có thể tấn công các mục tiêu trên mặt đất và trên biển. Máy bay được đánh giá cao bởi công nghệ tàng hình, khả năng cơ động cao, khả năng hành trình ở tốc độ cao mà không cần đốt sau, hệ thống điện tử hàng không tiên tiến và tải trọng lớn.

Su-57 có thiết kế độc đáo với thân cánh rộng, được trang bị hai động cơ mạnh mẽ. Thân Su-57 sử dụng vật liệu tổng hợp liệu composite nên nhẹ và chắc chắn. Các nỗ lực đã được thực hiện để giảm tiết diện radar (RCS) và hồng ngoại (IR) để cải thiện khả năng tàng hình cho Su-57. Vòm máy bay cũng được phủ các lớp oxit kim loại để tăng khả năng hấp thụ sóng radar, tập trung vào khả năng tàng hình phía trước. Tuy nhiên, phần sau thân máy bay phía không có khả năng tàng hình so với các máy bay của Mỹ.

Hệ thống điện tử của máy bay sử dụng các kênh cáp quang tiên tiến, bao gồm một radar chính gắn ở mũi với 1.514 mô-đun T/R và hai radar nhìn hai bên với 404 mô-đun T/R mỗi cái, giúp tăng khả năng quan sát, phát hiện trên không. Ăng-ten mũi đặt nghiêng về phía sau để tăng khả năng tàng hình. Hệ thống máy tính trên máy bay quản lý cả tín hiệu radar, cải thiện đáng kể việc xử lý thông tin.

Chiến đấu cơ Su-57 là lựa chọn duy nhất đủ sức đấu với J-20?- Ảnh 2.

Su-57 cũng có các hệ thống theo dõi và quan sát ban đêm, hệ thống đối phó để chống lại tên lửa hồng ngoại và các cảm biến có thể phát hiện các vụ phóng tên lửa. Máy bay cũng có một camera nhiệt dành cho các chuyến bay và hạ cánh ở độ cao thấp, cũng như hệ thống định vị và nhắm mục tiêu. Chiếc máy bay này cũng đã được thử nghiệm AI và các công nghệ tiên tiến dành cho máy bay có người lái và không người lái.

Su-57 được trang bị hai động cơ AL-41F1, những động cơ này tạo ra lực đẩy 88,3 kN khi không có bộ đốt sau và có thể lên tới 142,2 kN với bộ đốt sau, đạt công suất 147,1 kN trong trường hợp khẩn cấp. Máy bay sử dụng điều khiển vectơ lực đẩy giống như Su-30MKI, giúp nó cơ động linh hoạt hơn.

Su-57 có hai khoang vũ khí chính bên trong, mỗi khoang dài khoảng 4,4 m và rộng 0,9 m. Ngoài ra còn có hai khoang vũ khí bên dưới thân máy bay gần cánh. Các khoang này có thể mang 4 tên lửa ngoài tầm nhìn R-37M và 2 tên lửa tầm ngắn R-74 nâng cấp. Ngoài ra nó có thể mang bom và tên lửa tấn công mặt nước.

Khi thực hiện các nhiệm vụ không tàng hình, Su-57 có thể gắn 6 giá treo bên ngoài, mang nhiều loại vũ khí khác nhau trong đó có tên lửa đạn đạo phóng từ trên không Kh-47M2 Kinzhal.

Su-57 có thùng nhiên liệu lớn, giúp máy bay có thể hoạt động trên phạm vi 1.500 km. Nó cũng có một đầu dò tiếp nhiên liệu trên không để mở rộng phạm vi hoạt động. Su-57 đã được Quân đội Nga triển khai trong nhiều hoạt động chiến đấu tại chiến trường Syria và Ukraine.

Chiến đấu cơ Su-57 là lựa chọn duy nhất đủ sức đấu với J-20?- Ảnh 3.

Đối thủ của Su-57 Ấn Độ

Chengdu J-20 là máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ năm của Trung Quốc. Máy bay này thực hiện chuyến bay đầu tiên vào tháng 1/2011 và bắt đầu hoạt động vào tháng 2/2018. Như vậy, Trung Quốc là quốc gia thứ hai trên thế giới và là quốc gia đầu tiên ở châu Á sở hữu máy bay tàng hình đang hoạt động.

J-20 được trang bị radar quét mảng điện tử chủ động (AESA) type 1475 có công nghệ tiên tiến với hơn 1.800 mô-đun. J-20 có 6 cảm biến được gọi là Hệ thống khẩu độ phân tán, có thể cung cấp phạm vi bao phủ đa hướng, giúp phi công bao quát hoàn toàn. Hệ thống này kết hợp hình ảnh radar và hồng ngoại để mang lại nhận thức tình huống tốt hơn.

Máy bay sử dụng động cơ WS-15 do Trung Quốc sản xuất với lực đẩy 180 kN, điều này rất quan trọng để máy bay có tốc độ cao hơn và khả năng cơ động tốt hơn. Khoang vũ khí chính chứa các tên lửa không đối không tầm xa như PL-12, PL-15, PL-21 và đạn dẫn đường chính xác. Hai khoang vũ khí bên nhỏ hơn, nằm phía sau cửa hút gió, dành cho tên lửa tầm ngắn như PL-10.

Năm 2022, Trung Quốc sản xuất khoảng 40 đến 50 khung máy bay mỗi năm và dự kiến sẽ tăng lên 100 đến 120 chiếc mỗi năm vào năm 2023. Hiện tại, Lực lượng Không quân Trung Quốc hiện có khoảng 240 máy bay. Mục đích là để đối trọng với số lượng máy bay chiến đấu F-35 ngày càng tăng mà Mỹ triển khai ở Tây Thái Bình Dương. Đến đầu những năm 2030, phi đội J-20 có thể lên tới 1.000 chiếc.

Trong khi Su-57 đã tham chiến ở Syria và Ukraine thì J-20 vẫn chưa rời khỏi Trung Quốc. Ấn Độ vẫn là khách hàng tiềm năng hàng đầu của Nga, nhưng họ cũng đang phát triển máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 của riêng mình. Sau trải nghiệm FGFA, Ấn Độ biết được những hạn chế của Su-57. Ngoài ra, Ấn Độ không muốn phụ thuộc quá nhiều vào vũ khí Nga.

Với việc Trung Quốc đang tích cực phát triển phi đội máy bay chiến đấu tàng hình J-20 và Pakistan bày tỏ sự quan tâm đến máy bay chiến đấu tàng hình (FC-31) của Trung Quốc, Ấn Độ cần phải hành động nhanh chóng. Trước khi dự án máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 của Ấn Độ hoàn thành, họ vẫn phải cần một giải pháp tạm thời. Và Su-57 được xem là lựa chọn sáng giá nhất và thậm chí cả Su-75 Checkmate.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại