Khi lên 5 tuổi Trần Thị Tùng, 36 tuổi (ở phường La Khê, quận Hà Đông, Hà Nội) bỗng bị một cơn bạo bệnh, sự sống và cái chết chỉ còn cách nhau trong gang tấc thì may mắn chị ta gặp được bác sỹ M. cứu chữa nên đã thoát khỏi “lưỡi hái của tử thần”.
Từ đó, gia đình Tùng coi bác sỹ M. như người thân trong gia đình và thường xuyên qua lại thăm nom. Lợi dụng mối quan hệ thân thiết, Tùng nảy sinh ý định chiếm đoạt tiền của vợ chồng ông M.
Năm 2010, Tùng khoe với vợ ông M. là bà Trương Thị N. rằng mình đang làm cán bộ thẩm định dự án ở Ngân hàng ACB nên có khả năng mua được nhiều bất động sản với giá gốc của doanh nghiệp hoặc tài sản do ngân hàng phát mãi.
Đúng vào dịp ấy, bà N cũng muốn đầu tư bất động sản nên nhờ Tùng giúp đỡ.
Một thời gian sau, Tùng dẫn bà N. đến một dự án nhà ở thuộc huyện Hoài Đức và chỉ vào một mảnh đất khoảng 200m2, rồi phát giá 35 triệu đồng/m2.
Sau đó, Tùng bắt bà N. đặt cọc trước 2,2 tỷ đồng với lời hứa sau 3 tháng sẽ làm xong thủ tục với chủ đầu tư.
Đến hẹn không thấy Tùng giao nhà như thỏa thuận, bà. N hỏi Tùng nại lý do đang vướng mắc một chút về thủ tục rồi gạ bà N. mua một căn nhà phát mãi khác tại quận Tây Hồ với giá 14,5 tỷ đồng.
Đồng thời, “nữ quái” này dẫn bà N. tới căn biệt thự ở gần Hồ Tây và nói do đang cho Tây thuê không vào được. Không hề nghi ngờ, bà N. đã chuyển cho Tùng gần 13 tỷ đồng.
Đồng thời thống nhất chuyển số tiền 2,2 tỷ đồng nêu trên sang vụ mua bán này.
Đến tháng 7/2012, khi biết bà N. vào TP Hồ Chí Minh công tác, Tùng liền “chém” rằng Ngân hàng ACB đang làm thủ tục phát mãi tài sản đối với một mảnh đất tại quận 1 và đây là suất ưu tiên, bỏ lỡ sẽ rất phí.
Lúc này con trai ở nước ngoài có nhu cầu mua nhà tại TP. HCM, nên bà N. không ngần ngại chuyển thêm 5 tỷ đồng cho Tùng nhờ mua hộ.
Đến hạn không nhận được nhà, bà N. nhiều lần thúc giục, Tùng viện lý do và khất lần. Nghi bị lừa, bà N. liền làm đơn trình báo tới cơ quan Công an.
Khi bị bắt giữ, “nữ quái” này khai đã đưa tiền cho người khác nhờ mua nhà. Sau đó lại đổi lời khai và thừa nhận tạo dựng giấy biên nhận tiền giả mạo của một cán bộ Ban Kinh tế Trung ương để nói dối gia đình.
Số tiền chiếm đoạt Tùng khai cho người khác vay để đáo nợ ngân hàng.
Cơ quan điều tra còn làm rõ, Tùng tự ý điền vào sổ hộ khẩu mục nghề nghiệp là cán bộ Ngân hàng ACB Hà Nội.
Ngoài lừa đảo của gia đình ân nhân, năm 2014, Tùng còn lừa được 600 triệu đồng của người quen, khi anh này muốn “chạy” việc vào một cơ quan nhà nước.
Tổng số tiền bị cáo chiếm đoạt của các bị hại là 20,1 tỷ đồng, mới khắc phục 600 triệu đồng.
Sau khi xem xét, xét thấy hành vi của bị cáo là cực kỳ nghiêm trọng, ngày 10/5, TAND thành phố Hà Nội đã quyết định tuyên phạt Trần Thị Tùng chung thân về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và buộc bị cáo phải bồi thường toàn bộ thiệt hại cho các bị hại.