Chiếm 60% dân số thế giới, là khu vực sản xuất, xuất nhập khẩu nhiều nhất thế giới, đây mới là trung tâm của thế giới trong thế kỷ 21

Quang Huân |

Châu Á đang bước vào kỷ nguyên thịnh vượng và gắn kết, bất chấp sự đe dọa nào từ bên ngoài.

Vào năm 2100, khi nhân loại nhìn lại ngày đã đặt nền móng cho trật tự thế giới mới do châu Á lãnh đạo, đó sẽ là năm 2017. Vào tháng 5/2017, 68 quốc gia đại diện cho hai phần ba dân số và một nửa GDP thế giới đã tụ họp tại Bắc Kinh để tham dự Hội nghị thượng đỉnh Vành đai và Con đường (BRI) lần đầu tiên được tổ chức.

Sự tập hợp của các nhà lãnh đạo châu Á, châu Âu và châu Phi là biểu tượng cho sự ra mắt của kế hoạch hợp tác đầu tư cơ sở hạ tầng lớn nhất trong lịch sử loài người.

Tại hội nghị này, các chính phủ đã ký những cam kết chi hàng nghìn tỷ USD trong thập kỷ tới để kết nối các thành phố tập trung đông dân số nhất thế giới, tạo thành một trục thương mại được mệnh danh là Con đường tơ lụa của thế kỷ 21.

Sáng kiến Vành đai và Con đường có thể xem là dự án ngoại giao quan trọng nhất trong thế kỷ này, tương đương với sự thành lập Liên hợp quốc và Ngân hàng thế giới, hay thậm chí có tầm ảnh hưởng sánh ngang kế hoạch Marshall tái thiết châu Âu vào giữa thế kỷ trước do Mỹ khởi xướng.

Nhưng sự khác biệt và đặc biệt của sự kiện lần này đó là: BRI được khởi xướng tại châu Á, kết nối châu Á và do người châu Á lãnh đạo. Đây là câu chuyện về sự trỗi dậy của châu Á trong thế kỷ mới.

Châu Á đang muốn trở thành trung tâm của thế giới. Các nền kinh tế châu Á, tính từ bán đảo Ả Rập và Thổ Nhĩ Kỳ ở phía Tây đến Nhật Bản và New Zealand ở phía đông, từ Nga ở phía Bắc đến Úc ở phía nam, hiện đang chiếm 50% GDP thế giới và khoảng hai phần ba tăng trưởng kinh tế toàn cầu hàng năm.

Trong số 30 nghìn tỷ USD ước tính tăng trưởng tiêu dùng của tầng lớp trung lưu thế giới giữa khoảng thời gian 2015 và 2030, chỉ có khoảng 1 nghìn tỷ USD đến từ các nền kinh tế phương Tây. Hầu hết phần tăng trưởng còn lại tập trung ở châu Á.

Châu Á là nơi sản xuất, xuất khẩu, cũng như nhập khẩu và tiêu thụ nhiều hàng hóa hơn bất kỳ khu vực nào khác trên thế giới. Hoạt động thương mại và đầu tư giữa các nước châu Á cũng mạnh mẽ hơn so với châu Âu hoặc Bắc Mỹ.

Một số nền kinh tế châu Á cũng nằm trong nhóm lớn nhất thế giới, có dự trữ ngoại hối nhiều nhất thế giới, sở hữu các ngân hàng lớn nhất thế giới, có quân đội mạnh nhất thế giới hoặc các công ty công nghệ lớn nhất thế giới.

Chỉ riêng châu Á chiếm tới 60% dân số thế giới, nhiều gấp 10 lần châu Âu và 12 lần so với Bắc Mỹ. Khi dân số thế giới tăng tới khoảng 10 tỷ người, tỷ trọng dân số châu Á sẽ còn lớn hơn nữa.

Trong nhiều năm nay, hầu như tất cả các nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới đều ở châu Á. Năm 2018, tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới được ghi nhận tại Ấn Độ, Trung Quốc, Indonesia, Malaysia và Uzbekistan.

Trong khi các chính sách kích thích kinh tế với lãi suất thấp đã chấm dứt ở Hoa Kỳ hay châu Âu, các quốc gia châu Á vẫn duy trì. Trong khi chủ nghĩa dân túy đã trở thành trào lưu ở phương Tây, nhiều chính phủ châu Á vẫn rất tập trung vào tăng trưởng bao trùm và gắn kết xã hội.

Trong khi Mỹ hay châu Âu đang cố gắng dựng nên những bức tưởng để bảo vệ quốc gia của mình, các nước châu Á vẫn tiếp tục tháo gỡ các rào cản.

Thay vì sự lạc hậu, hướng nội và bi quan, hàng tỷ người châu Á đang hướng tới tương lai và lạc quan.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại