Trong Triển lãm hàng không Chu Hải mới đây, máy bay chiến đấu Su-57 của Nga tiếp tục tạo ra sự chú ý lớn cho truyền thông, tuy nhiên lần xuất hiện này lại bị đánh giá là thất vọng và làm hoen ố danh tiếng của nó.
Một người quan sát tại triển lãm hàng không Chu Hải đã rút điện thoại ra để chụp cận cảnh máy bay, họ không hề biết rằng họ đã vô tình tiết lộ những chi tiết quan trọng của chiếc máy bay này. Những bức ảnh này cung cấp cái nhìn chưa từng có về Su-57. Điểm nổi bật là số lượng ốc vít đáng ngạc nhiên trên thân máy bay và cánh, thay vì đinh tán thường được sử dụng trong thiết kế của máy bay tàng hình.
Những chiếc ốc vít
Việc sử dụng vít thay đinh tán làm dấy lên mối lo ngại nghiêm trọng về khả năng tàng hình trước radar của máy bay. Đinh tán tạo ra mối liên kết chặt chẽ hơn, mượt mà hơn giữa các bộ phận, trong khi vít sẽ nhô ra một chút, phản xạ sóng radar. Sự khác biệt này rất quan trọng, vì ngay cả những bất thường nhỏ nhất trên bề mặt vỏ máy bay cũng có thể làm tăng khả năng bị radar phát hiện.
Hơn nữa, đinh tán sẽ đảm bảo tính toàn vẹn của cấu trúc máy bay tốt hơn khi chịu lực tác động mạnh khi thực hiện các thao tác tốc độ cao. Trong khi ốc vít có thể bị lỏng do rung động, thì các mối nối đinh tán vẫn an toàn và ổn định, một yêu cầu quan trọng đối với máy bay hoạt động trong các tình huống chiến đấu.
Các đặc tính khí động học của máy bay tàng hình cũng chịu ảnh hưởng từ việc sử dụng đinh tán; bề mặt nhẵn sẽ giúp giảm thiểu lực cản, cho phép bay hiệu quả và linh hoạt hơn. Khi bay ở tốc độ vượt âm, ngay cả những bất thường nhỏ trên bề mặt cũng có thể ảnh hưởng đáng kể đến hiệu suất khí động học.
Ngoài ra, độ chính xác cần thiết để sơn lớp phủ hấp thụ radar đòi hỏi một bề mặt phải thật mịn. Sử dụng đinh tán sẽ giúp cho việc sơn lớp phủ hấp thụ radar dễ dàng hơn và đồng nhất hơn, trong khi ốc vít có thể tạo ra các vết nứt nhỏ. Bất kỳ lỗi nào trong thao tác này đều sẽ làm tăng nguy cơ bị phát hiện và làm giảm hiệu quả của công nghệ tàng hình.
Những suy đoán
Vấn đề về ốc vít trên cánh của Su-57 lần đầu tiên thu hút sự chú ý cách đây vài năm, khi cảnh quay do Không quân Nga công bố cho thấy cận cảnh máy bay. Video hiển thị rõ ràng các ốc vít trên cánh ngoài và các tấm vỏ trên thân máy bay, làm dấy lên một loạt câu hỏi từ các chuyên gia quân sự. Công nghệ tàng hình đòi hỏi một bề mặt liền mạch và sự tỉ mỉ đến từng chi tiết trong mọi thành phần để giảm thiểu khả năng hiển thị của radar; do đó, lựa chọn sử dụng ốc vít thay vì đinh tán đã gây ra sự nghi ngờ từ giới quan sát.
Các chuyên gia suy đoán rằng, các ốc vít có thể là một phương pháp sửa chữa tạm thời được sử dụng trong giai đoạn tạo mẫu hoặc cho máy bay tiền sản xuất để tạo điều kiện cho các sửa đổi hoặc sửa chữa có thể xảy ra. Tuy nhiên, điều này có vẻ không phù hợp với một chiếc máy bay được trưng bày để quảng cáo.
Một giả thuyết khác cho rằng, các ốc vít được sử dụng để cố định các tấm hoặc những thành phần dễ thay thế, nhằm đơn giản hóa quá trình bảo trì. Các tấm này thường nằm ở những khu vực được coi là ít quan trọng đối với khả năng hiển thị radar. Tuy nhiên, những lời giải thích như vậy không làm dịu đi sự hoài nghi về khả năng tàng hình thực sự của máy bay.
Khó khăn của Su-57
Sự cố này nhấn mạnh những rào cản công nghệ và thách thức sản xuất mà Nga phải đối mặt trong quá trình phát triển máy bay tàng hình hiện đại. Trong khi Su-57 đặt mục tiêu cạnh tranh với các máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm khác như F-22 và F-35, nhưng những chi tiết như vậy gây nghi ngờ về chất lượng và khả năng của máy bay.
So sánh các đặc điểm tàng hình của F-22, F-35 và Su-57 không chỉ cho thấy những cải tiến về công nghệ mà còn cho thấy những khác biệt chiến lược trong cách tiếp cận khả năng tàng hình. F-22 Raptor có tiết diện phản xạ radar (RCS) chỉ 0,0005 mét vuông, là đỉnh cao của công nghệ tàng hình, khiến nó gần như vô hình trước các hệ thống phát hiện của kẻ thù.
F-35 Lightning II lại sử dụng một cách tiếp cận tàng hình khác, với RCS khoảng 0,005 mét vuông. Mặc dù tiết diện phản xạ radar cao hơn F-22, nhưng F-35 được trang bị các hệ thống cảm biến và liên lạc tiên tiến, kết hợp với tính linh hoạt khiến nó trở thành lựa chọn ưa thích cho các hoạt động quân sự hiện đại.
Trong khi đó, Su-57 vẫn phải vật lộn để theo kịp mức độ tàng hình của các đối thủ đến từ Mỹ. Với RCS dao động từ 0,1 đến 0,5 mét vuông, Su-57 vẫn có thể bị radar phát hiện. Mặc dù có khả năng cơ động ấn tượng và trang bị nhiều loại vũ khí, nhưng những hạn chế về công nghệ tàng hình nhấn mạnh những thách thức mà Nga phải đối mặt trong việc sản xuất máy bay chiến đấu hiện đại.
Quang Hưng