Chúng ta đang sống trong thời đại của công nghệ thông tin, nơi mà mạng xã hội là nơi để kết nối, giải trí, học tập, kinh doanh và cả thể hiện bản thân. Đối với người trẻ, càng lớn, chúng ta càng phát sinh nhiều cảm xúc về cả tích cực lẫn tiêu cực.
Những lúc đó, mạng xã hội là một công cụ hữu dụng để trải lòng. Tuy nhiên, qua cách sử dụng chúng, sự trưởng thành của bạn cũng được phản ánh phần nào.
Người trưởng thành thường không chia sẻ cảm xúc qua mạng xã hội
Mỗi buổi tối, ngồi lướt Facebook hay Instagram, tôi lại bắt gặp không ít dòng chia sẻ tâm trạng, hình ảnh, bài viết về những niềm vui, nỗi buồn mà bạn bè tôi trải qua trong ngày. Thông thường, những nội dung tiêu cực chiếm ưu thế hơn hẳn.
Một số người bạn của tôi, mỗi lần đăng một tấm ảnh đại diện là lại kèm theo một câu trích dẫn truyền cảm hứng như: "Hãy theo đuổi đam mê, thành công sẽ theo đuổi bạn", "Thành công chỉ đến với người thực sự nỗ lực"…. Còn có trường hợp, mỗi khi buồn, thất tình, gặp khó khăn trong công việc là các bạn chia sẻ hàng loạt trích dẫn, video, hình ảnh mang tính tiêu cực, thậm chí là phản cảm.
Như vậy, chỉ qua cách sử dụng mạng xã hội, chúng ta cũng có thể đoán được một người có tính cách, thói quen, tư tưởng hay thậm chí là độ trưởng thành như thế nào. Người trưởng thành thường không chia sẻ cảm xúc cá nhân qua mạng xã hội quá nhiều, bởi họ không có nhiều thời gian để làm việc đó.
Người trưởng thành, luôn bận rộn với công việc, học tập, cơm áo gạo tiền thì lấy đâu ra thời gian ngồi máy tính để sống ảo trên Facebook? Chỉ khi bạn rảnh rỗi, an nhàn hay thất nghiệp thì thời gian dành cho mạng xã hội của bạn mới nhiều.
Còn với người trưởng thành, thay vì mang chuyện cá nhân lên mạng xã hội cho thiên hạ biết, họ tìm cách giải quyết nó ngay lập tức. Bởi họ hiểu rằng, đăng ảnh, chia sẻ bài viết, bình luận dạo không giúp cho tình trạng khó khăn được cải thiện.
Đó là lý do vì sao theo thời gian, người thành công càng ít sử dụng mạng xã hội và thay vào đó là tìm đến sách, báo chí, thể dục thể thao để đầu tư cho bản thân. Bạn cũng có thể học tập điều này từ những người trưởng thành ngay từ hôm nay thông qua việc hạn chế sử dụng mạng xã hội và tập trung vào đầu tư cho chính mình.
Mạng xã hội luôn là con dao hai lưỡi
Nghiên cứu mới đây của công ty quản lý mạng xã hội Hootsuite và công ty quảng cáo kỹ thuật số We Are Social cho thấy, trong thời lượng 6 tiếng 52 phút online mỗi ngày, người Việt dùng đến 2 tiếng 37 phút để vào mạng xã hội. Đây rõ ràng là con số xếp thứ hạng cao trong khu vực và thế giới. Điều đó cho thấy, ngoài những lợi ích mà mạng xã hội mang lại thì các tác động tiêu cực cũng có nhiều cơ hội xảy ra hơn.
Những sự việc liên quan đến các thành phần giang hồ trên Youtube, Facebook, những vụ bê bối các hot girl, nghệ sĩ trong thời gian vừa qua lại càng khẳng định tính hai mặt của mạng xã hội. Tính trạng phức tạp của nội dung độc hại, tin giả, lừa đảo, ăn cắp thông tin cá nhân… có thể ảnh hưởng xấu đến bạn bất cứ lúc nào.
Vì vậy, việc chia sẻ cảm xúc dù là vui hay buồn quá nhiều hoàn toàn có thể khiến bạn dễ bị tác động bởi kể xấu.
Và người trưởng thành thì luôn có nhận thức đặc biệt về con dao hai lưỡi này. Trừ người kinh doanh qua online, một doanh nhân hay một người thành đạt luôn chỉ coi mạng xã hội là công cụ giải trí chứ không phải là nơi để giãi bày tâm sự với thiên hạ.
Với họ, Facebook hay Instagram chỉ thỉnh thoảng đăng vài tấm hình đi du lịch, chia sẻ một số nội dung tiện ích mà thôi. Và đương nhiên, thông tin cá nhân, cảm xúc của họ cũng rất ít được thể hiện.
Hãy trưởng thành từ những công việc nhỏ nhặt nhất!
Những năm học đại học, tôi có một người bạn khá thân. Một lần, anh ta ứng tuyển vào vị trí nhân viên kinh doanh cho một công ty bất động sản.
Bảng thành tích của bạn tôi khá đẹp, tuy nhiên anh ta vẫn không trúng tuyển. Lý do đơn giản là vì anh ta chia sẻ cảm xúc và quan điểm cá nhân trên Facebook quá nhiều, thường thì là những dòng chia sẻ tâm trạng buỗn bã mỗi khi bị điểm kém hoặc khi gặp rắc rối trong chuyện tình cảm.
Điều đó còn được bộ phận tuyển dụng chia sẻ trực tiếp với người bạn này ngay trong buổi phỏng vấn. Bởi bên phía công ty này cho rằng qua cách ứng xử trên mạng xã hội cộng với cách nói chuyện ngoài đời thực là có thể đánh giá được một phần thái độ, tác phong, sự chín chắn, phong cách làm việc của một ứng viên.
Đó cũng là một bài học đáng nhớ của bạn tôi và từ đó về sau, anh ấy đã biết cách sử dụng mạng xã hội thông minh hơn.
Ngày nay, bạn sẽ không hề ngạc nhiên khi hầu hết công ty đều yêu cầu bạn cung cấp tài khoản mạng xã hội trong hồ sơ xin việc. Đơn giản là vì họ muốn quan sát bạn đã đủ trưởng thành chưa hay vẫn còn sống ảo trên Facebook, Instagram…
Để đạt được thành công, đầu tiên bạn phải trưởng thành đã. Phải trưởng thành từ những việc nhỏ nhặt nhất. Và việc sử dụng mạng xã hội sao cho hợp lý cũng là một thể hiện sự chín chắn của bản thân. Bạn chỉ nên dùng các tiện ích này để đọc báo, nghe ngóng tin tức, học hỏi những nội dung mang tính giáo dục từ các fanpage nổi tiếng và uy tín.
Bên cạnh đó, hạn chế tối đa việc chia sẻ cảm xúc, quan điểm sống, thái độ đối với các vấn đề nhạy cảm. Bởi đơn giản vì, cách bạn sử dụng mạng xã hội cũng là một cách xây dựng thương hiệu cá nhân cho chính bạn.
Có nhiều cách giải quyết vấn đề, song đưa nó lên mạng xã hội không phải là một cách hay
Bản thân tôi cũng từng là một người nghiện Facebook trầm trọng. Lúc mới biết đến Facebook, tôi không chỉ tốn nhiều thời gian cho nó mà còn mải mê đăng ảnh, trạng thái, bình luận dạo trên các fanpage…
Cũng có thời điểm, tôi thường xuyên "trải lòng" bằng cách chia sẻ những bài viết phù hợp với tâm trạng. Nhưng sau này tôi nhận ra, điều đó không hề giúp mình bớt buồn, bớt thất vọng với cuộc sống được.
Có một điều chắc chắn là, sẽ có người thật lòng quan tâm những vấn đề khó khăn của bạn; nhưng cũng không ít người coi đó là sự tiêu khiển và cảm thấy hả hê mỗi khi bạn nói lên nỗi lòng của mình trên mạng xã hội.
Hơn nữa, nhiều người sẽ đánh giá tính cách của bạn, có thể coi bạn là người có thái độ sống tiêu cực, thiếu chín chắn, chưa trưởng thành và dần dần coi thường, xa lánh bạn.
Do đó, chúng ta nên hiểu rằng việc chia sẻ cảm xúc qua mạng xã hội không hề giúp bản thân vui hơn hay tìm ra cách giải quyết vấn đề, mà còn tạo ra tác dụng phụ. Người trưởng thành luôn có phương pháp đối mặt với nỗi buồn, sự cô đơn, thất bại và các cảm xúc tiêu cực.
Họ sẽ hỏi ý kiến của những người đáng tin cậy nhất như bạn thân, gia đình, người đỡ đầu,… thay vì mang nó lên Facebook, Instagram, Zalo cho cả thế giới biết.
Ngoài ra, một người khi đã trải nghiệm sẽ luôn trân trọng những giá trị của thực tế như sách, báo chí, âm nhạc, phong cảnh đẹp, những mối quan hệ tốt đẹp hơn là những giá trị ảo trên mạng xã hội. Và quan trọng là, người trưởng thành không bao giờ ca thán, than vãn quá nhiều mà họ tập trung vào tìm cách giải quyết vấn đề.
Dẫu biết rằng mạng xã hội là một phần không thể thiếu trong thời đại số hóa ngày nay, nhưng chúng ta không nên phụ thuộc và coi nó như một mảnh đất để giải tỏa cảm xúc. Bởi vì việc này chỉ khiến chúng ta mãi mãi là những đứa trẻ, vui buồn vô tư, vô lo vô nghĩ.
Trong khi đó, người trưởng thành thì luôn hành động theo lý trí và học cách kiểm soát cảm xúc. Ngay từ bây giờ, hãy bắt đầu trưởng thành từ việc hạn chế chia sẻ cảm xúc qua mạng xã hội và thành công sẽ được dọn đường để đến với bạn sớm thôi!