Mới đây, vụ việc bé trai tử vong ở trường Quốc tế Gateway Hà Nội do bị để quên trong xe đã khiến bao người đau xót. Và trước sự tắc trách của cán bộ giáo viên nhà trường, dân mạng phẫn nộ tột cùng.
Tuy nhiên, như bao vụ việc tương tự, dân mạng có vẻ như "giận quá mất khôn" nên đã làm một hành động hết sức xấu mặt.
Cụ thể hơn, sau khi vụ việc chấn động xảy ra, fanpage trên facebook của trường Quốc tế Gateway ở Hà Nội - nơi bé trai tử vong đã nhanh chóng khóa lại.
Trong khi đó, một trường khác không liên quan ở Ấn Độ có tên tương tự là "Gateway International School" đã bị dân mạng hiểu lầm.
Từ sự hiểu lầm này, dân mạng đã rủ nhau "tràn" vào mắng chửi, ném đá kịch liệt. Mặc kệ đúng sai và không cần kiểm tra lại thông tin cho chính xác.
Hàng loạt những bình luận nóng giận nặng lời như "cái trường giết người", "nên đổi tên thành trường Get Away đi",...
Thậm chí có người còn dùng tiếng Anh để chửi cho phù hợp với từ "International" trong tên ngôi trường Ấn Độ mà dân mạng hiểu lầm.
May thay bên cạnh đó, cũng có không ít người nhận ra dân mạng Việt đang ném đá sai, nhanh tay chia sẻ vài thông tin nhắc nhở với hy vọng mọi người không tiếp tục "lầm đường lạc lối" nữa.
Quả thật, hành vi quá khích cư dân mạng Việt những năm gần đây đã vượt đến ngưỡng báo động. Bao lần hùa rủ nhau đi "gõ phím" khiến cho không ít người khác phải muối mặt thay.
Được biết, Gateway International School Sonipat là một ngôi trường ở bang Haryana, Ấn Độ được thành lập vào năm 2006.
Với phương châm giáo dục học sinh hướng tới việc trở thành một công dân toàn cầu có đầy đủ tố chất và giá trị đạo đức, ngôi trường này đã được xem là một trong những tổ chức giáo dục hàng đầu về danh tiếng ở thành phố Sonipat.
Trong khi đó, về ngôi trường có tên tương tự nơi bé trai tử vong ở Việt Nam, sáng nay ông Phạm Ngọc Anh trưởng Phòng Giáo dục quận Cầu Giấy, Hà Nội cho biết, trong quy định về loại trường không có quy định nào về tên trường "quốc tế" cả.
Nên trường Gateway dùng hai chữ "Quốc tế" đi kèm là sai. Văn bản thành lập trường chỉ có tên là Trường Tiểu học Gateway. Có thể để quảng bá, thu hút học sinh các trường có thêm chữ Quốc tế, chứ theo điều luật không có trường Quốc tế.