Đêm chủ nhật, ngày 8/10/1871, đường phố Chicago (Mỹ) đang náo nhiệt vui vẻ thì đột nhiên một ngôi nhà ở phía đông bắc thành phố bốc cháy. Lính cứu hỏa chưa kịp phản ứng thì một ngọn lửa khác đã bủa kín nhà thờ thành Paul. Khắp thành phố còi báo cháy hú vang…
Chicago nổi tiếng ở Mỹ vì nhiều gió nên còn được gọi là "thành phố gió". Nay thành phố gặp lửa, tình trạng càng thảm họa hơn. Lửa mượn sức gió bốc cao dữ dội và lan nhanh khủng khiếp. Chưa đầy nửa tiếng sau, Chicago đã chìm trong biển lửa mênh mông.
Dân chúng hoảng loạn chưa từng thấy, người ta nháo nhào chạy ra đường, giẫm đạp lên nhau, chen lấn cùng gia súc tìm đường chạy trốn.
Cả thành phố nháo nhào trong biển lửa. Hình minh họa.
Đám cháy khủng khiếp kéo dài đến sáng hôm sau. Hơn 17.000 ngôi nhà ở trung tâm thành phố biến thành tro bụi, hàng nghìn người tử nạn vì cháy và vì bị giày xéo.
Giải thích nguyên nhân của vụ hỏa hoạn, tờ Thời báo Chicago và một số báo lớn của Mỹ đưa tin: Đó là do sơ suất của một bà chủ, một con bò đã húc đổ ngọn đèn dầu gây cháy chuồng, đám cháy phát lửa từ chuồng bò đã lan khắp Chicago.
Tuy nhiên, lời giải thích này bị đa số dân Chicago phản bác, họ cho rằng giới báo chí chẳng biết gì.
Một vị chỉ huy trực tiếp tham gia cứu hỏa cho biết: Chỉ trong chớp mắt, thành phố đã tràn ngập trong biển lửa, do đó bảo rằng "đám cháy lan ra từ chuồng bò" là điều vô lý, đây thực sự là một trận lửa bay mới nhanh đến như vậy! Cả bầu trời bốc cháy, những hòn đá nóng bỏng như từ trên trời trút xuống.
Nhiều người dân thoát chết sau vụ hỏa hoạn cũng khẳng định: Lửa giống như mưa từ trên trời rơi xuống.
Người dân giẫm đạp lên nhau chạy toán loạn trong đám cháy.
Tập hợp lại các thông tin, cảnh sát liên bang Mỹ cho biết: Buổi tối đó, cùng với Chicago, ở các nơi như Wisconsin, Michigan, Nevada và một số vùng rừng núi, đồng cỏ phía đông Mỹ cũng có hỏa hoạn. Rõ ràng không thể là sự phát lửa bình thường.
Đi tìm vật chứng cho hiện tượng kì lạ, người ta tìm thấy số pho tượng đá hoa cương ở trung tâm Chicago bị nung chảy; giàn giáo đỡ bằng thép của một xưởng đóng tàu dựng bên sông cũng bị đốt chảy ra dính vào nhau, nhiều kho sắt thép bị đốt cháy thành đống… Điều đó chứng tỏ nhiệt độ phải rất cao.
Một điều kỳ lạ nữa trong vụ đại họa của Chicago là cái chết thảm khốc của cả ngàn người dân đã chạy thoát khỏi thần lửa, ra tới được vùng ngoại ô. Giám định thi thể nạn nhân cho thấy, cái chết của họ không có chút gì liên quan đến lửa. Đến đây, các nhà khoa học phải vào cuộc.
Thành phố sau đám cháy dữ dội. Ảnh minh họa.
Đi tìm nguyên nhân gây thảm họa "biển lửa" bí ẩn
Tiến sĩ W.Ximoberin, một chuyên gia lừng danh về các vụ án thiên văn đã cho rằng: "Lửa đã được đem đến Chicago trong trận mưa sao băng".
Theo ông, thủ phạm của vụ này là sao chổi Bira (tên nhà thiên văn Tiệp Khắc tìm ra nó vào năm 1826). Sao chổi Bira có chu kỳ quay quanh mặt trời là 6.6 năm. Vào năm 1846, trong khi bay qua trái đất, nhân Bira bị vỡ làm hai mảnh.
Những quan sát tiếp theo cho thấy, đến năm 1852, hai phần bị vỡ đôi kia đã cách nhau tới 2.4 triệu km để mất hút trong vũ trụ. Đúng vào ngày 8/10/1871, một phần nhân sao chổi Bira lại "gặp gỡ" Trái đất và điểm giao tiếp lần này nằm trên không phận Mỹ.
Kết quả là trận mưa sao băng dữ dội đã xảy ra. Phần lớn thiên thạch bị đốt cháy khi ma sát với không khí, phần còn lại rơi ào ạt xuống mặt đất có nhiệt độ cao, đủ năng lực hóa lỏng sắt thép và các loại đá hoa cương. Chicago không may mắn nằm gọn trong vùng trung tâm của trận mưa lửa.
Ngoài ra, Ximoberin cũng cho rằng, trận "mưa" này do sự bốc cháy của vẩn thạch còn mang theo một lượng lớn khí xyanua và dioxit carbon, tạo thành các vùng "tiểu khí hậu giết người".
Điều này giải thích về việc cả nghìn người đã thoát khỏi vùng lửa, ra đến ngoại ô thành phố, song vẫn không thoát khỏi chết do ngộ độc một lượng khí quá đậm đặc.
Luận thuyết của Ximoberin được nhiều người quan tâm. Nhưng thực tế, đến nay người ta vẫn chưa tìm được một bằng chứng nào ủng hộ giả thuyết đó, như các mẩu thiên thạch còn sót lại, thực vật bị lửa trời thiêu đốt hay các khu đất bị ô nhiễm…
Những người bác bỏ giả thuyết của Ximoberin cho rằng, sao chổi là một "thiên thể khổng lồ nhưng rất loãng", nhân sao chổi nếu có va quệt vào trái đất thì cũng không thể gây tai họa vì trái đất có bầu khí quyển là tấm lá chắn rất hữu hiệu.
Nếu có thiên thạch nào chưa cháy hết trong bầu khí quyển, thì khi rơi xuống bề mặt Trái đất cũng không thể gây ra hỏa hoạn.
"Đám cháy Chicago" vẫn còn là một bí ẩn cho đến ngày nay.
Nguồn sưu tầm: Cuốn "Bí ẩn của nhân loại", trang 162-165, NXB Từ điển bách khoa.
Tiêu đề bài viết đã được tòa soạn đặt lại.