“Chị về mà dạy lại con chị đi!”: Muốn sống trong môi trường tốt đẹp, đừng nghĩ chỉ dạy con mình thôi là đủ

LÊ THANH NGÂN - THIẾT KẾ: BI |

Đừng chỉ quy trách nhiệm dạy dỗ con trẻ con là của cha mẹ hay thầy cô, cũng đừng nghĩ dạy dỗ một đứa trẻ không phải con mình là thừa thãi. Bởi dù uốn nắn con mình tốt đẹp đến mấy nhưng con chơi với bạn không tử tế, công sức của cha mẹ hoàn toàn có thể đổ xuống sông, xuống biển.

“Chị về mà dạy lại con chị đi!”: Muốn sống trong môi trường tốt đẹp, đừng nghĩ chỉ dạy con mình thôi là đủ - Ảnh 1.

"Chị về mà dạy lại con chị đi!" hẳn ai trong chúng ta nghe cũng rất quen tai đúng không? Tôi sẽ kể cho các bạn nghe vài câu chuyện xung quanh câu mệnh lệnh này.

“Chị về mà dạy lại con chị đi!”: Muốn sống trong môi trường tốt đẹp, đừng nghĩ chỉ dạy con mình thôi là đủ - Ảnh 2.

Cách đây vài năm, mẹ chồng tôi đi đón cháu ngoại tan học ở trường mầm non gần nhà. Nhưng thằng bé nhất định không về ngay mà muốn nán lại chơi xích đu cùng bạn. Mẹ tôi ngồi đợi thằng bé ở chiếc ghế đá cách đó không xa, lặng lẽ quan sát, trông chừng cháu. Hai đứa trẻ chơi với nhau rất vui vẻ, chúng lần lượt thay phiên đẩy cho nhau, cười đùa ầm mĩ. Nhưng, một chuyện không may đã xảy ra.

“Chị về mà dạy lại con chị đi!”: Muốn sống trong môi trường tốt đẹp, đừng nghĩ chỉ dạy con mình thôi là đủ - Ảnh 3.

Illustration by Bee Johnson

Vì đùa quá đà, thằng bé đẩy xích đu cho bạn hơi mạnh tay làm cậu bé đó ngã dúi dụi xuống thảm cỏ. Ngay lập tức từ đâu chạy đến, bố cậu bé kia xông tới thẳng tay tặng cho cháu tôi một cái bạt tai rồi hùng hổ quát tháo.

Thấy vậy, mẹ tôi vội vã rời khỏi ghế lại gần xin lỗi bố cậu bé kia rồi kéo cháu mình đi về. Trước khi quay lưng bước đi, bà vẫn còn kịp nghe giọng ông bố trẻ ồm ồm bên tai: "Bà làm giúp việc thì trông chừng con người ta cẩn thận. Về mà bảo bố mẹ nó dạy nó tử tế vào. Đừng để người khác phải dạy hộ!".

“Chị về mà dạy lại con chị đi!”: Muốn sống trong môi trường tốt đẹp, đừng nghĩ chỉ dạy con mình thôi là đủ - Ảnh 4.

Ngày tôi học lớp 6. Trong một lần tan học, khi tôi còn đang đứng đợi bạn ở cổng trường để cùng đi về thì thấy một bạn học cùng lớp đang đi bộ lững thững ra. Bọn tôi chỉ kịp chào nhau rồi bạn ấy chạy băng qua bên kia đường vì mẹ bạn ấy đang đỗ xe máy đợi ở bên đó. Nhưng không may, vừa lúc đó một người phụ nữ đi xe đạp cũng lao tới. Bạn ấy tránh kịp nhưng người phụ nữ đi xe đạp thì ngã nhào ra đường.

“Chị về mà dạy lại con chị đi!”: Muốn sống trong môi trường tốt đẹp, đừng nghĩ chỉ dạy con mình thôi là đủ - Ảnh 5.

Illustration by Bee Johnson

Dù cú ngã cũng khá nhẹ và dường như cô ấy cũng chẳng xây xát gì nhưng ngay khi dựng xe đạp lên, cô ấy gân cổ lên chửi tục không tiếc lời làm cả đám học sinh cũng phải túm tụm chạy lại gần xem có chuyện gì khủng khiếp vừa xảy ra.

Mẹ cậu ấy xuống xe xin lỗi và mắng cho cậu ấy một trận té tát vì tội hấp tấp, không quan sát kỹ đã sang đường. Nhưng người phụ nữ nọ dường như vẫn chưa hả dạ. Trước khi để "thủ phạm" tẩu thoát, bà ấy còn cố dướn người lên nhắn nhủ thêm một câu "Chị về mà dạy lại con chị đi!"

“Chị về mà dạy lại con chị đi!”: Muốn sống trong môi trường tốt đẹp, đừng nghĩ chỉ dạy con mình thôi là đủ - Ảnh 6.

Cách đây khoảng một tháng, tôi đi đón Ri khi tan học tại trường. Như thường lệ, tôi luôn để con bé chơi khoảng nửa tiếng trước khi giục con về nhà. Trong lúc đang ngồi quan sát con chơi mấy đồ tập gym dành cho trẻ em, tôi thấy ở cách đó không xa, khu vực chơi xích đu, một cậu bé ngồi bệt xuống thảm cỏ gào khóc dữ dội, nó liên tục lấy tay ôm đầu gối, hình như đau lắm.

Nhưng kỳ lạ, xung quanh đó, không thấy có phụ huynh nào lại gần thằng bé dù họ ngồi quanh đó rất đông. Một vài cô bé cậu bé mặc đồng phục tiểu học đang xúm lại gần, chúng tranh cãi gì đó rất gay gắt.

Tôi vội vã chạy lại hỏi bọn chúng xem có chuyện gì đã xảy ra. Một nửa số chúng chỉ tay vào cô bé mặc bộ đồng phục tiểu học tố cáo "Chị ấy đạp vào chân bạn ấy!". Tôi đánh mắt nhìn sang bên cạnh nơi cô bé tầm 7-8 tuổi đang cố gắng gân cổ lên thanh minh "Cháu chưa đạp trúng chân em ấy, em ấy đau chân là do ngã từ trên đây xuống!".

Thằng bé càng gào khóc to hơn, tôi vỗ về dỗ thằng bé nín rồi bế nó lại gần khu vực ghế chờ trong sảnh khu vực phòng kế toán gần đó. Sau khi kiểm tra phần cơ bắp đùi và đầu gối kiểm tra xem có vấn đề gì không, tôi nắn bóp cho thằng bé, làm vài động tác xoay chân và khớp gối như tôi đã từng được học thời còn là học sinh lớp 9 về sơ cứu người bị bong gân. Nắn bóp một lúc, thằng bé hết khóc, tôi hỏi thằng bé còn đau không? Nó lắc đầu.

“Chị về mà dạy lại con chị đi!”: Muốn sống trong môi trường tốt đẹp, đừng nghĩ chỉ dạy con mình thôi là đủ - Ảnh 7.

Illustration by Bee Johnson

Đang ngó nghiêng xem cô bé học sinh tiểu học kia đâu thì mẹ cậu bé xuất hiện, hùng hổ lao tới. Bám theo mẹ cậu bé là một nhóm các cô bé cậu bé mặt hừng hực khí thế như những người hùng, những thám tử Conan ngoài đời thực vậy. 

Chúng nhao nhao lên như ong vỡ tổ. Thì ra, mẹ cậu bé đã được mật báo về vụ tai nạn. Cô ấy chạy lại gần tôi thì cố gắng vặn lớn volume hết cỡ "Tại sao cháu lại đánh em? Mẹ cháu đâu? Đâu? Mẹ cháu đâu?".

Tôi dám cá với ánh mắt hình viên đạn đó, 100% cô ấy nghĩ rằng tôi chính là phụ huynh của "kẻ thủ ác" đã đạp vào chân con trai cô ấy. Tôi vẫn chỉ lặng lẽ quan sát xem họ sẽ làm gì. Ngay lập tức, cô ấy lôi bé gái ra đứng ngay trước mặt tôi và vẫn không ngừng hỏi "Đâu? Mẹ cháu đâu?". Con bé trả lời "Mẹ cháu không có ở đây!". Nét mặt người phụ nữ có vẻ giãn ra đôi chút.

Nhưng tất cả những gì tôi có thể làm khi đó chỉ là giữ im lặng. Bởi, tôi biết, người phụ nữ này chắc chắn sẽ tra khảo đến cùng nguyên nhân của vụ việc và tôi cũng muốn biết rõ tường tận rốt cuộc chuyện gì đã xảy ra.

- Này, cô nói cho cháu biết nhé. Cháu đừng có mà cậy lớn bắt nạt bé. Các cháu là học sinh tiểu học mà lại dám vào đây chơi đồ chơi của các em mầm non à? Có thích cô gọi bảo vệ gô cổ các cháu vào không? Cháu đạp vào chân nó, nhỡ nó gãy chân cháu có đền được không? Cháu chặt chân cháu đi mà đền cho nó nhé.

“Chị về mà dạy lại con chị đi!”: Muốn sống trong môi trường tốt đẹp, đừng nghĩ chỉ dạy con mình thôi là đủ - Ảnh 8.

Illustration by Bee Johnson

Cô bé nọ vênh mặt, gân cổ lên cãi cố vẻ đầy ấm ức, mắt nó bắt đầu long lanh:

- Cháu không đạp vào chân em! Sao cô cứ đổ tội cho cháu thế?

- Đừng có mà cãi! Ở đây có bao nhiêu người chứng kiến, nhìn thấy cháu đạp, cháu chối làm sao được. Đừng có ăn không nói có. Mới vài cái tuổi ranh đã ăn nói xấc xược, sau này lớn lên thì thành cái gì?

- Đúng là cháu có đạp nhưng không trúng.

- À, đấy. Đấy là cháu thừa nhận cháu có đạp nhé. Thế mà bảo không đạp. Thế đạp không trúng làm sao chân em lại đau được? Cháu lớn rồi, đáng lẽ ra cháu phải bảo ban em chứ. Phải biết nhường nó chứ, thế ở nhà cháu cũng đánh em cháu như thế à? Bố mẹ cháu có dạy được cháu không?

- Em ấy giật chai nước của cháu, cháu chỉ giằng lại chai nước nên em ấy ngã thôi. Em ấy còn hất nước vào người cháu.

- Kể cả nó có lấy chai nước của cháu cũng không được đánh nó! Phải nói xin lại tử tế chứ.

- Cháu không đánh!

- Có thích cô báo về trường đuổi học cháu không? Mới tí tuổi mà hỗn.

Người phụ nữ với vẻ mặt đắc thắng, đám trẻ con thì hùa theo nhao nhao nhại lại từng câu nói của bậc phụ huynh nọ. Cô bé kia cùng bạn mình đơn độc giữa đám đông và gần như bị yếu thế. Ngồi ngoài chứng kiến tới đây thì quả thực tôi không thể giữ im lặng nổi nữa rồi. Tôi đứng dậy, đi về phía cô bé, ngồi xuống cạnh cô bé rồi kéo nó vào lòng mình.

“Chị về mà dạy lại con chị đi!”: Muốn sống trong môi trường tốt đẹp, đừng nghĩ chỉ dạy con mình thôi là đủ - Ảnh 9.

Illustration by Bee Johnson

Thấy hành động có vẻ bất thường của tôi, nó hơi e dè nhưng rồi bật khóc. Tôi vỗ nhẹ bàn tay nhịp nhàng lên vai rồi bảo nó: "Nghe cô nói này. Cô không biết rõ chuyện này rốt cuộc thế nào nhưng cô tin cháu. Tuy là vậy, dù chỉ là sơ ý giằng lại chai nước làm em ngã, tức là cháu cũng đã làm em đau dù bản thân cháu không muốn. Cô nghĩ, cháu cũng nên có lời xin lỗi em ấy cùng mẹ em ấy…".

Con bé im lặng, nó có vẻ thực sự suy nghĩ về những gì mà tôi nói. Vị phụ huynh nọ vẫn oang oang như thể gây sự chú ý của càng nhiều người càng tốt. Tôi tiếp lời:

- Cô ví dụ cho cháu nhé. Một người tham gia giao thông trên đường, chẳng may đâm vào một người khác gây chết người. Họ có cần phải xin lỗi không? Có! Bởi vì, dù là họ không cố ý, nhưng hành động của họ đã gây thiệt hại cho người khác rồi. Mình nên xin lỗi cháu ạ!

Con bé thôi không cãi nữa. Nó đứng nghiêm chỉnh, khoanh tay xin lỗi em và xin lỗi người phụ nữ nọ tới hai lần liên tiếp. Câu xin lỗi của nó có vẻ khiến cho người phụ nữ giảm bớt nhã hứng tranh cãi hẳn. Tôi quay lại nói với cô ấy:

- Con bé cũng biết lỗi rồi. Trẻ con chơi đùa với nhau, tranh cãi nhau, đánh nhau cũng là chuyện bình thường mà. Dù sao nếu thằng bé không giằng chai nước, con bé cũng đâu có cớ gì để nổi cáu. Sao chị không hỏi thằng bé xem có phải nó đã làm điều gì đó sai hay không? Tính về tuổi, chắc bọn nó cũng chỉ hơn kém nhau 3 tuổi thôi. Nó vẫn còn bé lắm, chưa hiểu chuyện nên chị thông cảm, bỏ qua cho nó.

- Bé cái gì mà bé. Hơn 3 tuổi cũng làm chị rồi, phải biết nhường em bé chứ!

Nói rồi, cô ấy mới quay lại tra khảo con trai "Có phải con lấy chai nước của chị không?". Thằng bé nói lí nhí "Phải!".

- Về mày chết với tao!

Ấy thế mà vẫn chưa dừng lại ở đó, người phụ nữ vẫn tiếp tục quay lại dọa nạt cô bé tội nghiệp nọ về việc dám vào trường mầm non chơi… Tôi lẳng lặng rời đi khi cô hiệu trưởng cùng bảo vệ đã có mặt để giải quyết. Khi tôi và Ri đã dắt tay nhau đi ra đến giữa sân trường, giọng bà mẹ trẻ nọ vẫn còn văng vẳng bên tai "Về mà bảo bố mẹ dạy cho cẩn thận vào không ra đường người ta đánh cho đấy!"...

“Chị về mà dạy lại con chị đi!”: Muốn sống trong môi trường tốt đẹp, đừng nghĩ chỉ dạy con mình thôi là đủ - Ảnh 10.

Câu nói "Chị về mà dạy lại con chị đi!" là câu nói mà tôi thực sự rất ác cảm. Nó vốn chẳng thể làm cho xã hội này tốt đẹp lên. "Chị về mà dạy lại con chị đi!" chính xác có nghĩa đầy đủ là "Chị không biết dạy con à? Sao con chị hỗn láo thế? Tôi chẳng có nghĩa vụ phải dạy con chị! Chị đừng để sự hỗn láo của con chị gây thiệt hại cho con tôi!"…

Đâu đó trên mạng xã hội, cách đây mấy hôm tôi cũng mới đọc được một bài viết than thở của một bà mẹ khuyên các bà mẹ khác nên dạy con cẩn thận hơn. Dạy chúng ứng xử sao cho đúng khi ở nơi công cộng. Dạy chúng cần phải có lòng tự trọng, đừng để những hành động quá hồn nhiên của chúng làm phiền người khác… Tôi hoàn toàn ủng hộ quan điểm đó và thực sự thấy những lời khuyên đó rất hữu ích. Nhưng, có gì đó trong thái độ của người viết, có vẻ đã quá bất mãn… khiến tôi cảm nhận có điều gì đó vẫn không được thỏa đáng.

Có phải, các bạn luôn luôn đóng đinh quan niệm rằng "Dạy con trẻ là nghĩa vụ của bố mẹ chúng không? Và nếu không phải là bố mẹ chúng, thì chỉ có thể là thầy cô giáo trong phạm vi nhà trường?".

“Chị về mà dạy lại con chị đi!”: Muốn sống trong môi trường tốt đẹp, đừng nghĩ chỉ dạy con mình thôi là đủ - Ảnh 11.

Có một lần trong khi đang ngồi cà phê một mình đọc sách, một thằng bé từ đâu chạy tới gần chỗ tôi, miệng nó cứ liên tục hát, kéo ghế, rồi nghịch cốc chén ở bàn bên cạnh. Tôi bắt đầu để ý tới sự có mặt của nó bởi nó làm tôi mất tập trung khi đang đọc cuốn tiểu thuyết còn dang dở và cũng chỉ vài phút sau nó bắt đầu lân la sang bàn chỗ tôi ngồi.

Tôi vẫn vờ như không để ý nhưng hạ thấp cuốn sách quan sát xem nó đang có ý định làm gì. Ngay lúc đó, nó nhón một miếng bánh trên bàn của tôi ăn ngon lành. Tôi đợi nó ăn hết miếng bánh mới gập cuốn sách lại, bắt chuyện với nó.

- Bánh ngon không cháu?

Bị tôi phát hiện, nó ngượng ngùng chẳng nói chẳng rằng, tay liên tục cọ vào chiếc ghế mây kêu roạt roạt, người nó uốn éo ngả vảo chiếc ghế, mắt nhìn tôi nửa dò xét nửa phòng thủ.

- Bánh này cô ăn một mình cũng buồn lắm. Có cháu ăn cùng cũng vui, nhưng cháu này, lần sau nếu cháu muốn ăn bánh, nhớ ngỏ lời xin cô nhé. Vì dù sao nó cũng là bánh của cô mà. Dù một miếng bánh có giá trị rất nhỏ nhưng hành động của cháu vừa rồi chẳng khác nào ăn trộm cả. Cháu sẽ đột nhiên trở thành người xấu chỉ vì một việc rất nhỏ. Cháu có thích trở thành người xấu không?

Nó lắc đầu. "Cô cũng tin cháu không phải người xấu!". Tôi nói rồi đưa cho nó cả gói bánh còn lại nhưng nó bỏ đi không lấy. Tôi dám cá, thằng bé hiểu những gì tôi nói và nó cũng biết xấu hổ. Ngay lúc đó, mẹ thằng bé từ quầy bar tiến lại chiếc bàn cách chỗ tôi một lối đi, hai tay cầm hai đĩa bánh gato. Tôi đoán chắc thằng bé đã rất đói.

Vẫn là trường hợp đó, nhưng nếu tôi mà là một phụ nữ khó tính hay bất mãn, ghét trẻ con… hoàn toàn có khả năng một cuộc cự cãi đã xảy ra. Hoặc là tôi sẽ thấy phiền mà đùng đùng đứng dậy bỏ đi sau khi đã ném về phía thằng bé một ánh mắt sắc lẹm, khinh bỉ. 

Hoặc là bà mẹ của cậu bé sẽ lại được bóng gió dặn dò "Chị về mà dạy lại con chị đi!" giống như cách mà ba vị phụ huynh tôi đã kể trong những câu chuyện phía trên bởi rõ ràng tôi sẽ nghĩ "Việc dạy dỗ một đứa trẻ không phải con mình thật thừa thãi! Đó không phải nghĩa vụ của tôi!"…

Nhưng, nếu ai đã từng có những suy nghĩ như vậy khi chứng kiến một đứa trẻ có hành động sai trái trước mắt mình xin hãy suy nghĩ lại. Nghĩa vụ dạy dỗ một đứa trẻ nói riêng và cả thế hệ trẻ nói chung không chỉ thuộc về những người đã sinh ra chúng, thầy cô của chúng mà thuộc về toàn xã hội.

“Chị về mà dạy lại con chị đi!”: Muốn sống trong môi trường tốt đẹp, đừng nghĩ chỉ dạy con mình thôi là đủ - Ảnh 12.

Nếu các bạn muốn sống trong một môi trường xã hội tốt đẹp, đừng chỉ nghĩ đến việc dạy con mình thôi là đủ. Dù bạn có cố gắng uốn nắn con mình tốt đẹp đến mấy nhưng nó vẫn chơi với những người bạn không tử tế, công sức của bạn vẫn hoàn toàn có thể đổ xuống sông xuống biển hết.

Khi đó, bạn bất mãn lên facebook bóc phốt, vạch mặt những vị phụ huynh đã không dạy dỗ con cái họ cẩn thận để con của bạn bị ô uế lây? Đó mới là việc không nên làm.

Thằng bé tôi gặp trong quán cà phê rõ ràng đã nhận được một bài học từ một người lạ mặt là tôi. Tôi dám cá nó sẽ nhớ đến những gì tôi đã nói. Hy vọng nó có thể hiểu, nhận sai lầm và điều chỉnh sao cho đúng đắn mới chính là mục đích mà tôi muốn hướng đến. Đó mới là giá trị cốt lõi mà cả xã hội này đang rất cần - những đứa trẻ lớn lên trong tình yêu thương, lòng bao dung và sự giáo dục văn minh của người lớn!

Ngược lại, nếu tôi làm mình làm mẩy, quát mắng nó, làm nó cảm thấy xấu hổ… tôi sẽ chẳng đạt được mục đích tốt đẹp nào cả. Thậm chí, nó sẽ còn cố tình tái phạm nhiều lần bởi khi người ta bị xúc phạm, họ thường có xu hướng làm ngược lại những gì mà người khác yêu cầu.

Thêm nữa, nếu như, tôi ngúng nguẩy bỏ về rồi gửi cho bà mẹ của cậu bé một lời nhắn nhủ không dễ thương cho lắm: "Chị về mà dạy lại con chị đi"! Hẳn, tôi sẽ cảm thấy mình rất oách, nhưng… cái oách đó, chẳng có giá trị gì cả.

Xã hội này sẽ chẳng tốt lên bởi cái oách của tôi. Người mẹ đó có thể sẽ cảm thấy ê chề, ăn chẳng còn ngon miệng, cô ta sẽ mất cả buổi chiều u uất bởi những gì mà tôi đã nói. Tệ hơn, cô ta có thể sẽ trút giận lên con mình và cho nó một trận đòn nhớ đời. Và cuối cùng, thằng bé sẽ thấy người lớn trong xã hội này thật sự rất đáng sợ!

Hãy thử tưởng tượng xem, xã hội mà khi một đứa trẻ bước ra đường, nó sẽ nhận được sự giám sát của cả cộng đồng, bất kỳ hành động gì dù chỉ là một sai trái nhỏ, ngay lập tức nó sẽ được người lớn uốn nắn dù đó chỉ là một người lạ, khi gặp khó khăn luôn có những bàn tay chìa ra sẵn sàng giúp đỡ nó, phân tích cho nó hiểu như thế nào là đúng đắn… xã hội đó quả thực rất tốt đẹp đúng không?

Nói rằng, đó là một xã hội lý tưởng và quá khó để thực hiện cũng đúng. Thằng bé trong câu chuyện thứ 3 mà tôi kể đã gào khóc rất lâu vậy mà rốt cuộc chỉ có tôi chạy tới… Nhưng chẳng phải là tôi đã làm được và thường xuyên làm được đó sao?

“Chị về mà dạy lại con chị đi!”: Muốn sống trong môi trường tốt đẹp, đừng nghĩ chỉ dạy con mình thôi là đủ - Ảnh 13.

Và bản thân tôi thấy việc đó quả thực rất dễ dàng, không hề khó một chút nào. Chỉ cần bản thân luôn tâm niệm rằng "Đó là việc không phải của riêng ai. 

Dạy dỗ một đứa trẻ là trách nhiệm của cả cộng đồng", tôi tin chắc bất cứ ai cũng có thể làm được. Chỉ cần bạn đủ tri thức, sự văn minh, đủ yêu thương, bao dung, đủ kiên nhẫn để lắng nghe… chúng ta hoàn toàn có thể sống trong một xã hội lý tưởng như những gì chúng ta mong muốn!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại