Đậu tương, ngô và lúa mì là ba loại hạt quen thuộc ở Việt Nam. Tuy nhiên, nước ta vẫn phải chi tới hàng tỷ USD để nhập khẩu những loại hạt này.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, chỉ trong 75 ngày đầu của năm 2024, nhiều doanh nghiệp của nước ta đã chi tới hơn 1,22 tỷ USD để nhập khẩu tổng cộng 4,14 triệu tấn đậu tương, ngô và lúa mì từ các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Theo đó, tính từ đầu năm đến ngày 15/2, Việt Nam đã chi 602 triệu USD để nhập khẩu tới gần 2,38 triệu tấn ngô, tăng 23,7 % so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng giảm 6,5% về giá trị. Nguyên nhân là do giá thành của mặt hàng này hạ nhiệt.
Về đậu tương, theo Tổng cục Hải quan, trong 75 ngày đầu năm, nước ta đã chi 247 triệu USD để nhập khẩu hơn 440 nghìn tấn loại hạt này, tăng 11% về lượng và giảm 10,8% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Về lúa mì, trong 75 ngày đầu năm 2024, nước ta đã nhập khẩu hơn 1,32 triệu tấn, với giá trị đạt 370 triệu USD, tăng 42% về lượng và tăng 7,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023.
Kim ngạch nhập khẩu 3 loại hạt đậu tương, ngô, lúa mì vào Việt Nam trong 75 ngày đầu năm 2024. Biểu đồ: MH
Vì sao nước ta nhập khẩu nhiều ngô, đậu tương, lúa mì?
Mặc dù nông nghiệp là thế mạnh của Việt Nam. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để phục vụ cho nhu cầu sản xuất và tiêu dùng nội địa, hàng năm, nước ta vẫn phải nhập khẩu một lượng lớn ngô, đậu tương và lúa mì từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Trong số đó, ngô và đậu tương là hai loại cây trồng quen thuộc ở Việt Nam. Nhưng diện tích trồng 2 loại cây này lại còn nhỏ và năng suất vẫn còn khá khiêm tốn so với nhu cầu cần dùng.
Ngô, đậu tương và lúa mì được nhập khẩu về chủ yếu được dùng để phục vụ cho nhu cầu về sản xuất thức ăn chăn nuôi. Sở dĩ nước ta phải nhập khẩu hàng triệu tấn 3 loại hạt trên là do năng lực về sản xuất nguyên liệu nội địa phục vụ cho ngành thức ăn chăn nuôi trong nước vẫn còn hạn chế. Chính vì vậy, nước ta vẫn phụ thuộc nhiều vào nguồn hàng nhập khẩu từ những quốc gia khác.
Hơn nữa, đầu năm 2024, giá của các loại hạt như đậu tương, ngô và lúa mì tương đối rẻ so với cùng kỳ năm trước. Do đó, các doanh nghiệp trong nước mạnh tay thu mua với số lớn.
Theo ước tính của các chuyên gia, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu của nước ta chiếm khoảng 65% tổng nhu cầu về nguyên liệu này ở trong nước.
Trong năm 2023, nước ta đã nhập khẩu tới 9,7 triệu tấn ngô, với giá trị đạt 2,87 tỷ USD, tăng 1,6 % về khối lượng và giảm 13,7% về giá trị so với năm 2022. Bên cạnh đó, nước ta còn chi 1,17 tỷ USD để nhập khẩu tới 1,86 triệu tấn về đậu tương và chi 1,56 tỷ USD để nhập 4,68 triệu tấn lúa mì.
Trước đó, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đề cập tới việc mở rộng vùng sản xuất ngô, đậu tương ở các địa phương, nhằm tiến tới dần tự chủ về nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, từ đó giảm sự lệ thuộc vào hàng nhập khẩu.
Trong 3 mặt hàng trên, ngô được nhập khẩu nhiều nhất. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), trong những năm qua, Việt Nam đã tăng cường việc nhập khẩu ngô để làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Việt Nam đã tăng cường nhập khẩu ngô làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi từ các nước như Mỹ, Argentina, Brazil...
Bài tham khảo nguồn: Mard, Customs, USDA