Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, trong tháng 02/2024, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt 765,7 triệu USD, giảm 47,8% so với tháng 1/2024 và giảm 13% so với tháng 2/2023. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 474,4 triệu USD, giảm 53,8% so với tháng 1/2024 và giảm 15,4% so với tháng 2/2023.
Tính chung 2 tháng đầu năm 2024, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 2,2 tỷ USD, tăng 33% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 1,5 tỷ USD, tăng 42,8 so với cùng kỳ năm 2022.
Năm 2024, mặc dù còn nhiều khó khăn thách thức, nhưng triển vọng của xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đã có những tín hiệu tích cực, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong 2 tháng đầu năm 2024 đã có sự tăng trưởng khả quan.
Đáng chú ý, tiêu dùng hàng hóa tại nhiều thị trường lớn như Hoa Kỳ, châu Âu đang đón những tín hiệu tốt dần lên, thúc đẩy tới đơn hàng nhập khẩu, trong đó có nhóm hàng gỗ và sản phẩm gỗ.
Do đó, trị giá xuất khẩu sang các thị trường chủ lực có tín hiệu tích cực trong 2 tháng đầu năm 2024. Dẫn đầu về trị giá xuất khẩu là thị trường Hoa Kỳ đạt 1,2 tỷ USD, tăng 51,7% so với cùng kỳ năm 2023; tiếp theo là thị trường Trung Quốc đạt 206,3 triệu USD, tăng 25,3%; Nhật Bản đạt 270,3 triệu USD, tăng 0,2%.
Việc thị trường bất động sản tại Hoa Kỳ đang có dấu hiệu ấm lên là tín hiệu rất tốt cho thị trường nội thất. Nếu không có biến động quá lớn về địa chính trị, nhu cầu sẽ có chiều hướng tăng trưởng tốt trong những tháng tới.
Bên cạnh thị trường Hoa Kỳ và châu Âu, xuất khẩu tới các thị trường tiềm năng cũng tăng trưởng tốt như: Canada, Úc, Ấn Độ. Trong đó, đáng chú ý là trị giá xuất khẩu gỗ sang Ấn Độ trong 2 tháng đầu năm 2024 đạt 21,7 triệu USD, tăng 153,5% so với cùng kỳ năm 2022.
Với dân số hơn 1,4 tỷ người, ngành nội thất và thiết kế của Ấn Độ đang bùng nổ do thị trường bất động sản đang phát triển, dân số ngày càng tăng, mức thu nhập tăng và quá trình đô thị hóa không ngừng biến đổi.
Gỗ và sản phẩm từ gỗ là một trong 6 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam - nhà xuất khẩu gỗ hàng đầu Đông Nam Á, thứ 2 châu Á và là nhà xuất khẩu gỗ lớn thứ 7 trên thế giới. Các sản phẩm gỗ của Việt Nam có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường do chi phí lao động thấp hơn, thuế thấp hơn và được ưu đãi mức thuế nhất định khi xuất khẩu…
Dù tín hiệu đầu năm 2024 khá lạc quan, tuy nhiên các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ đang đứng trước khó khăn mới, nếu như căng thẳng trên Biển Đỏ vẫn tiếp diễn, thì giá cước vận chuyển hàng hóa sẽ tăng cao.
Ngoài ra, ngành gỗ còn phải đối mặt với áp lực gia tăng từ sự cạnh tranh khốc liệt, đi kèm là những rủi ro liên quan đến gian lận thương mại và làm giả thông tin nguồn gốc sản phẩm. Thêm vào đó, các đối tác quốc tế đang ngày càng đặt ra những yêu cầu cao hơn về truy xuất nguồn gốc gỗ, sản xuất bền vững và giảm phát thải carbon.