Tại dự thảo Thông tư quy định việc quản lý, sử dụng kinh phí phục vụ hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực các cấp đang được lấy ý kiến, Bộ Tài chính đề xuất chi tiền mua tin, tài liệu phục vụ công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Ban Chỉ đạo các cấp với kinh phí tối đa 50 triệu đồng/tin.
Việc quản lý, sử dụng chi phí mua tin theo chế độ mật. Kinh phí hoạt động của Ban Chỉ đạo trung ương được lấy từ nguồn ngân sách nhà nước và nguồn khác theo quy định. Liệu có thể xem đây là cây đũa thần trong phòng chống tham nhũng? Cần cân nhắc những yếu tố nào để nếu chủ trương này nếu được thông qua và triển khai sẽ đem lại hiệu quả cao nhất?
PV VOV có cuộc trao đổi với TS Đinh Văn Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ pháp chế, Thanh tra Chính phủ xung quanh đề xuất này.
PV: Thưa TS Đinh Văn Minh, xin hỏi quan điểm của ông như thế nào về chủ trương chi tiền để mua thông tin chống tham nhũng?
Ông Đinh Văn Minh: Theo tôi đây là một chủ trương rất đúng. Trước hết phải khẳng định như vậy. Bởi vì tham nhũng là những vụ việc rất phức tạp được thực hiện bởi những người có chức vụ, quyền hạn cho nên việc đấu tranh chống tham nhũng chúng ta phải dùng mọi biện pháp, mọi giải pháp tốt nhất để có thể nâng cao hiệu quả cuộc chiến tham nhũng. Trong đó, việc cần những thông tin tư liệu quý giá giúp các cơ quan nhà nước có thể phát hiện cũng như quy trách nhiệm của những người có hành vi tham nhũng, từ đó dẫn đến việc xử lý vấn đề.
Mua tin thực ra không phải là câu chuyện mới và cũng không phải là lạ lẫm gì. Nước ngoài người ta đã từng làm. Và việc mua tin cũng thể hiện tạo điều kiện để Ban chỉ đạo có thể có đủ các điều kiện tốt nhất để lãnh đạo chỉ đạo cuộc chiến chống tham nhũng.
Tôi cho rằng, chủ trương này là đúng và cũng rất hợp lý. Bởi vì mọi cái đều có giá trị của nó. Tôi nghĩ ngay cả các cơ quan nhà nước, đội ngũ cán bộ, công chức tham gia vào cuộc chiến chống tham nhũng mà có thành tích cũng còn được thưởng bằng cách khác.
Cho nên việc một người dân, một người nào đó đã rất tích cực, can đảm thu thập thông tin giúp các cơ quan nhà nước thì tôi nghĩ đấy rất đáng trân trọng và đương nhiên là có thể khích lệ việc đó.
PV: Việc trả tiền để mua tin phục vụ công tác phòng chống tham nhũng như ông nói không phải mới. 10 năm trước, Ban Nội chính Trung ương và một số tỉnh thành đã thực hiện cơ chế này. Chẳng hạn, năm ngoái, TP.HCM quy định mức chi phí tối đa là 10 triệu đồng một tin báo hay như Yên Bái năm 2014 cũng từng có quy định tương tự. Tuy nhiên, qua thực tế triển khai ở một số tỉnh thành, theo ông cần cân nhắc những yếu tố nào để chủ trương này nếu được thông qua và triển khai sẽ đem lại hiệu quả cao nhất, khai thác được nhiều nguồn tin có giá trị từ nhân dân?
Ông Đinh Văn Minh: Trước đây, nước ta đã triển khai nhiều cơ chế khen thưởng những người cung cấp thông tin có giá trị cho các cơ quan phòng chống tham nhũng. Bây giờ chúng ta chuyển từ hình thái khen thưởng sang mua, tức là có mua có bán và nói vui là có thị trường. Bởi vậy đằng sau đấy là một yếu tố lợi ích về tiền bạc.
Nó khác với chuyện khen thưởng là làm với tất cả niềm tin, tất cả cái sự dũng cảm và mong đợi tìm sự công bằng từ phía các cơ quan chức năng. Còn chuyện mua bán thì người ta sẽ cân nhắc thiệt hơn thì đấy là điều mà chúng ta cũng phải cân nhắc khi triển khai hình thức mua tin. Một điểm nữa, đã mua tin thì việc đánh giá giá trị của nó rất cần phải có thời gian, đó là một cái khó cho cơ quan nhà nước.
Nếu nguồn tin đó có giá trị không thì không sao nhưng nếu nguồn tin không có giá trị thì lúc đấy ứng xử thế nào, có trả tiền không?
Hai nữa, bây giờ ở những mặt trận khác, thí dụ như tội ma túy hay tội âm mưu lật đổ chính quyền thì cũng rất cần thông tin tố giác từ phía nhân dân và cơ quan chức năng cũng rất cần vậy có cơ chế mua tin ở những lĩnh vực này không, và rất có thể sẽ tạo ra sự so sánh?
Nói tóm lại quá trình thực hiện chúng ta sẽ phải cân nhắc tính đến nhiều yếu tố, để đảm bảo tính khả thi, công bằng khách quan của nó.
PV: Người dân không đặt nặng khi gửi thông tin tố cáo cán bộ tham nhũng, tiêu cực để nhận tiền, mà họ muốn cơ quan chức năng vào cuộc để xử lý cán bộ vi phạm, bảo vệ lợi ích chung, hoặc lợi ích của họ. Như vậy, việc quan trọng nhất là phải bảo vệ được danh tính, thông tin cá nhân của người cung cấp thông tin, tuyệt đối không được lộ, lọt dẫn đến người cung cấp thông tin bị trù dập, đe dọa. Thưa TS Minh, như vậy sẽ đòi hỏi người tiếp nhận, xử lý thông tin rất quan trọng?
Ông Đinh Văn Minh: Phải nói trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cũng như các loại tội phạm khác thì việc phát huy vai trò và sự tích cực người dân trong việc tố cáo hành vi vi phạm là cực kỳ quan trọng. Nhưng một yếu tố cũng quan trọng không kém là làm sao có thể bảo vệ được họ, bảo vệ công việc, bảo vệ đời sống cho họ, thậm chí là tính mạng tài sản của họ.
Thực tế, từ trước đến nay có rất nhiều tấm gương dũng cảm tố cáo và giúp cơ quan nhà nước phát hiện ra rất nhiều hành vi vi phạm, thậm chí là góp phần thu hồi hàng nghìn tỷ cho Nhà nước. Nhưng nếu chúng ta không có biện pháp hiệu quả thì rất có thể bằng cách này cách khác họ bị trả thù, trù dập, thậm chí có thể bị khinh rẻ bôi nhọ…
Không phải tự nhiên mà Luật tố cáo hiện nay dành hẳn một chương quy định về bảo vệ người tố cáo, bảo vệ như thế nào, phương thức như thế nào bảo vệ? Không chỉ bảo vệ chính bản thân người tố cáo mà phải bảo vệ cả những người thân của họ, không chỉ bảo vệ tính mạng mà phải bảo vệ cả tài sản, cả công ăn việc làm, danh dự cho họ.
Thực tế, chúng ta cũng đã có những quy định đó rồi, tuy nhiên vẫn phải nói rằng trên thực tiễn vẫn có những chuyện người tố cáo bị trù dập, trả thù. Bởi vậy tôi muốn nhấn mạnh là sự bảo vệ phải rất toàn diện, để người tố cáo, cung cấp thông tin không bị cô đơn trên hành trình này.
PV: Thưa TS Đinh Văn Minh, vậy ông có đề xuất biện pháp hay cách làm nào để khuyến khích người dân tích cực thực hiện quyền phát hiện, tố giác các hành vi tham nhũng, đề nghị các cơ quan bảo vệ pháp luật xem xét xử lý nghiêm minh, lấy lại niềm tin trong công cuộc phòng chống tham nhũng tiêu cực?
Ông Đinh Văn Minh: Tôi nghĩ có nhiều yếu tố. Trước hết là yếu tố về mặt nhận thức. Đây là một trong những vấn đề rất quan trọng, làm sao người dân hiểu rằng cuộc đấu tranh chống tham nhũng rất phức tạp và rất cần sự đóng góp của người dân.
Việc chúng ta đấu tranh chính là hướng tới sự công bằng cũng như sự phát triển chung. Thứ hai, các quy định của Luật tố cáo quy định về bảo vệ người tố cáo phải toàn diện. Tuy nhiên, hiện nay trong Luật tố cáo chúng ta vẫn chưa xác định được một đầu mối, việc bảo vệ người tố cáo hiện nay vẫn do nhiều cơ quan thực hiện, chúng ta nên xác định một đầu mối nào đó để có thể bảo vệ người tố cáo.
Thứ ba là trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức khi nhận được yêu cầu về các hình thức bảo vệ. Cuối cùng vẫn cân nhắc thêm việc mua tin cùng với những quy định về khen thưởng để làm sao cho phù hợp.
PV: Xin trân trọng cảm ơn TS Đinh Văn Minh!