Vân Sơn và Chí Tài được biết đến là một cặp diễn ăn ý trên sân khấu. Cách đây ít giờ, danh hài Vân Sơn đã đăng tải một đoạn video tưởng nhớ nghệ sĩ Chí Tài. Trong đó là cảnh Chí Tài và Vân Sơn cùng đàm chuyện với nhau tại một chương trình diễn ra cách đây không lâu.
Mở đầu, Vân Sơn có chia sẻ về ký ức đầu tiên của mình về Chí Tài. Anh nói:
"Cá nhân tôi biết rất rõ anh Chí Tài. Khi tôi vừa đặt chân đến Mỹ, anh Tài và chị Phương Loan vợ anh đã nổi tiếng với ban nhạc Chi Tai’s Brothers rồi, chuyên hát nhạc Boney M.
Show ở bên Mỹ thường thường ca sĩ, diễn viên hài hay ban nhạc đều phải rất nổi và hay thì bầu show mới mời.
Bên Việt Nam hay có kiểu đi hát lót, một show chỉ vài ngôi sao, còn lại là ca sĩ chưa nổi hát lót trong lúc chờ ngôi sao. Ở hải ngoại, một show chỉ toàn ngôi sao, không có chuyện ai hát lót cho ai, tới mức mỗi ca sĩ nổi tiếng chỉ hát có một bài.
Thậm chí, có những tiết mục nhiều ngôi sao hát chung một bài.
Thời đó, tôi mua rất nhiều DVD của anh Tài về xem và thấy anh ấy không chỉ đánh đàn mà còn diễn tiểu phẩm theo cốt truyện để lồng vào bài hát. Từ lúc đó, tôi đã nhận ra anh Chí Tài có khả năng diễn xuất và cái mặt rất duyên, tròn tròn, có mụn ruồi.
Nhưng nói thật, hồi đó anh Chí Tài xấu hơn bây giờ. Càng ngày anh Chí Tài mới đẹp ra".
Bị Vân Sơn trêu chọc là vậy, nhưng Chí Tài chỉ cười nói: "Vân Sơn khen tôi tới bến rồi quất tôi một cái ngã đau luôn. Nhưng không sao, tôi quen rồi mà". Chí Tài được biết đến là người đàn anh hiền lành, dễ tính nên luôn bị các em trêu chọc.
Tiếp đó, Chí Tài chia sẻ thêm những điều chưa từng tiết lộ về sự nghiệp của mình và lí giải việc mình có khả năng diễn xuất ngay khi còn là nhạc công như lời Vân Sơn nhận định. Anh nói:
"Từ năm 1986, tôi đã xuất hiện trên sân khấu hải ngoại và cả video với ban nhạc Chi Tai’s Brothers của tôi, tới năm 1990 thì nổi tiếng. Hồi đó tôi cao hơn, nói nhiều hơn bây giờ nhiều, để tóc xù dài tới tận vai hoặc uốn cao lên. Bây giờ tóc tôi từ từ đi vắng bớt rồi.
Trong một lần làm ban nhạc, tôi và vợ có đi xem đại nhạc hội và lần đầu gặp Vân Sơn, Bảo Liêm diễn trên sân khấu. Ngay từ hôm đó, tôi mới phát hiện ra một dạng tấu hài theo lối song tấu.
Tôi rất thích lối diễn đó vì từ hồi ở Việt Nam tới khi qua Mỹ, tôi chưa thấy kiểu song tấu nào vui đến như vậy.
Sau lần đó, tôi may mắn được bầu show mời đi chung show rất nhiều lần với Vân Sơn và Bảo Liêm. Kể từ đó, tôi quen Vân Sơn. Đó là cơ duyên đầu tiên dẫn tôi đến với Vân
Tôi tâm sự thật, từ năm 13 tuổi tôi đã biết đánh ghi ta nhờ tự học. Tôi thích ghi ta vì nó dễ đem đi mọi nơi, đi hát chỗ nào cũng mang theo được. Bản thân ba tôi cũng là nhạc công trong ban nhạc Tiếng Tơ Đồng, tôi có chút máu của ba mình.
Thời học sinh, từ hồi lớp 1 tới lớp 7, tôi luôn lãnh thưởng toàn trường. Tôi học khá chứ không hề dở. Nhưng vì mê đàn quá nên từ lớp 8 trở đi học hành đi xuống, hậu quả thi tú tài rớt.
Hồi đó, tôi dành từ 8 tới tận 10 tiếng một ngày để học đàn, còn thời giờ đâu mà đi học. Tôi liên tục coi tivi trắng đen và thần tượng chú Hoàng Liên (nhạc công) vì có tiếng đàn điêu luyện, lại vui tính trên sân khấu. Lúc ca sĩ hát, chú ấy nhún nhẩy, biểu cảm rất hay.
Tôi phải tâm sự thật lòng với Vân Sơn và khán giả. Các nhạc công trẻ bây giờ nhiều khi chỉ ngồi đánh cho xong bài. Ca sĩ biểu diễn, nhún nhảy rất xung phía trước nhưng nhạc công phía sau chỉ đàn với gương mặt vô cảm.
Tôi nhìn chú Hoàng Liên đánh đàn và nghiên cứu, học tập được từ chú ấy cách biểu diễn vui nhộn, cháy hết mình như vậy.
Rõ ràng, cùng một bài hát, cách đánh đó nhưng khán giả sẽ thích người nhạc công biết diễn bằng gương mặt, phiêu theo nhạc hơn và thấy hay hơn người chỉ cắm đầu cắm cổ vào đánh. Tôi phải tâm tình thật lòng như vậy. Đó là lí do vì sao tôi có khả năng diễn xuất ngay từ khi còn là nhạc công".