Chỉ số xếp hạng về bình đẳng giới của Việt Nam tăng 4 bậc so với năm ngoái

H.Y |

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa có báo cáo gửi Quốc hội về kết quả thực hiện các mục tiêu bình đẳng giới năm 2022.

Theo báo cáo, tính đến tháng 12/2022, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có lãnh đạo chủ chốt là nữ chiếm 15/30 cơ quan, đạt 50% và tăng 3,4% so với năm 2021. Trong đó, các bộ, cơ quan ngang bộ có lãnh đạo chủ chốt là nữ là 13/22, đạt 59%, tăng 6% so với năm 2021. Các cơ quan thuộc Chính phủ có lãnh đạo chủ chốt là nữ là 2/8, đạt 25%.

Có 03 nữ Bộ trưởng gồm Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng; 01 Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ là Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Vũ Việt Trang; Ngoài ra có 12 nữ thứ trưởng và tương đương.

Báo cáo cũng nêu rõ, so với cuối năm 2021, số lượng và tỉ lệ bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có lãnh đạo chủ chốt là nữ đã tăng đáng kể. Tỉ lệ các bộ, cơ quan ngang bộ có nữ lãnh đạo chủ chốt đã tiệm cận với chỉ tiêu đề ra đến năm 2025 là 60%. Trong khi đó tỉ lệ cơ quan thuộc Chính phủ có lãnh đạo chủ chốt vẫn khiêm tốn.

Trước đó, hồi đầu tháng 3/2023, tại cuộc gặp mặt các đại diện nữ lãnh đạo, quản lý các cơ quan trung ương và trao Giải thưởng Kovalevskaia nhân Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho hay, hiện cán bộ nữ tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII có 19 cán bộ (chiếm 9,5%), trong đó có 01 ủy viên Bộ Chính trị, thường trực Ban Bí thư, trưởng Ban Tổ chức Trung ương là bà Trương Thị Mai. 02 người trong Ban Bí thư là bà Trương Thị Mai và bà Bùi Thị Minh Hoài. Phó chủ tịch nước là bà Võ Thị Ánh Xuân.

01 ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội là bà Nguyễn Thị Thanh (trưởng Ban Công tác đại biểu); bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp; bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội và 34 nữ phó chủ nhiệm và ủy viên thường trực ủy ban, cơ quan của Quốc hội.

Ban chấp hành đảng bộ cấp tỉnh (nhiệm kỳ 2020 - 2025) có 16% nữ, trong đó có 7 bí thư, 15 phó bí thư tỉnh, thành ủy. Ban chấp hành đảng bộ cấp huyện có 17% là nữ.

Tỉ lệ nữ tham gia các cơ quan dân cử tăng so với nhiệm kỳ trước với 151 đại biểu nữ tham gia Quốc hội khóa XV, đạt 30,2% (cao hơn 3,5% so với nhiệm kỳ trước và vượt chỉ tiêu 30%). Tỉ lệ nữ tham gia HĐND cấp tỉnh, cấp huyện đạt 29% (tăng so với nhiệm kỳ trước).

Tỉ lệ UBND các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ theo báo cáo không có nhiều biến động so với đầu nhiệm kỳ 2021 - 2025. Trong đó cấp tỉnh là 37,7%, cấp huyện là 31,77%, còn cấp xã 24,94%.

Bộ Lao động Thương binh & Xã hội đánh giá, số lượng và tỉ lệ các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có lãnh đạo chủ chốt tăng so với năm 2021 và tiệm cận với chỉ tiêu đề ra đến năm 2025. Các chỉ tiêu đã đạt mục tiêu đến năm 2025 tiếp tục được duy trì.

Theo Báo cáo khoảng cách giới toàn cầu năm 2022 do Diễn đàn kinh tế thế giới công bố vào tháng 7/2022, chỉ số xếp hạng về bình đẳng giới của Việt Nam năm 2022 là 83/146 quốc gia, tăng 4 bậc so với năm 2021, trong đó các chỉ số về trao quyền cho phụ nữ, lĩnh vực sức khỏe và giáo dục có những bước tiến bộ rõ rệt.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại